Ngày 25/2, tại Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông ở Paris (Pháp), đã diễn ra hội thảo về tình hình Biển Đông, các thách thức và giải pháp nhằm đảm bảo an ninh chung do Quỹ Gabriel Péri, một trung tâm nghiên cứu có uy tín tại Pháp tổ chức. Một lần nữa giới nghiên cứu Pháp nói chung và quốc tế nói riêng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề Biển Đông.
Thành phần tham dự
Hội thảo về tình hình trên Biển Đông diễn ra tại Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông (Inalco), do Quỹ Gabriel Péritổ chức, với chủ đề “Biển Đông và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, làm sao để đảm bảo an ninh chung?”. Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu đến từ các Trung tâm nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, học viên Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông có dịp trao đổi về tình hình diễn ra trên Biển Đông và khu vực biển mà nước Pháp, cũng như một số quốc gia khác, sử dụng thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương, thông qua 3 phần thảo luận do các nhà nghiên cứu uy tín của Pháp chủ trì.
Trước đó hôm 9/2, Hiệp hội Côtes-d’Armor Việt Nam cũng đã tổ chức một hội thảo về đề tài Biển Đông với chủ đề “Việt Nam với chủ quyền trên Biển Đông”, dưới sự chủ trì của ông Jacques Bourgain, Chủ tịch Hiệp hội Côtes-d’Armor Việt Nam và Chuyên gia về châu Á và Biển Đông Daniel Schaeffer. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích tình hình Biển Đông, từ các vấn đề lịch sử đến các vấn đề đang diễn ra trên thực địa hiện nay. Các nhà phân tích đều thống nhất quan điểm rằng tình hình Biển Đông hiện đang rất căng thẳng bởi các bất đồng liên quan tới đường chín đoạn hay mười đoạn của Trung Quốc và việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye.
Nội dung đáng chú ý tại buổi hội thảo
Ba phần thảo luận với các nội dung tập trung vào vai trò của pháp luật quốc tế trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, các thách thức trong vấn đề bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản trên biển và các biện pháp để đảm bảo an ninh chung trên khu vực Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Các nhà nghiên cứu đều khẳng định, mọi tranh chấp trên Biển Đông đều cần phải giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Biển Đông là khu vực biển quốc tế, quyền tự do hàng hải, hàng không tại khu vực cần được đảm bảo. Bên cạnh đó, Biển Đông cũng là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, các quốc gia có chủ quyền trên biển Đông và tất cả các quốc gia có hoạt động trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cần có các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và khai thác bền vững các nguồn hải sản trong khu vực biển này.
Chủ tịch Quỹ Gabriel Péri, ông Alain Obadia cho biết: “Chúng tôi quyết định theo dõi rất sát tình hình trên Biển Đông, bởi vì đây là khu vực hết sức nhạy cảm đối thế giới nói chung. Gần 50% giao thương hàng hải của thế giới đi qua khu vực này. Với khuynh hướng nghiên cứu của mình, chúng tôi quyết định tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này dưới mọi góc độ như pháp lý, kinh tế, môi trường và lịch sử. Chúng tôi nghĩ rằng các thông tin mà chúng tôi mang đến, thông qua các bài phát biểu của các diễn giả là chuyên gia về vấn đề này, có thể góp phần vào việc phát triển các vấn đề đang được đặt ra một cách hòa bình”. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trong việc đảm bảo an ninh chung trong khu vực biển Đông và Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định việc các nước trên thế giới, trong đó có Pháp, hiện diện trên Biển Đông góp phần đảm bảo an ninh chung, cũng như đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không theo luật pháp quốc tế.