Saturday, July 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHợp tác đầu từ của Nga tại các nước Đông Nam Á...

Hợp tác đầu từ của Nga tại các nước Đông Nam Á có thể là nhân tố quan trọng ở Biển Đông thời gian tới

Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông diễn ra phức tạp, sự tham gia của Nga vốn được xem là khiêm tốn và thuận cho những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, những hoạt động về hợp tác dầu khí với các nước có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang muốn mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này. Về cơ bản, lợi ích của Nga là dầu khí và các mối quan hệ chiến lược truyền thống thay vì lợi ích trong vấn đề tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông như Mỹ và một số nước, đồng minh đối tác đang làm.

Hoạt động hợp tác đầu tư của Nga tại Indonesia

Công ty dầu khí quốc doanh của Nga Zarubezhneft đang đàm phán với Công ty British Premier Oil các điều khoản để mua lại 50% cổ phần trong dự án thỏa thuận chia sẻ sản phầm của Lô “Cá ngừ” trên thềm lục địa ở Biển Đông của Indonesia. Theo thông tin nội bộ thì trong tháng 12/2019, hai bên đã ký ý định thư trong phi vụ hợp tác mua bán này. Hiện Công ty British Premier Oil sở hữu 100% Lô “Cá ngừ”. Công ty của Nga sẽ tham gia theo hình thức góp vốn và quyền điều hành hoạt động tại lô này sẽ vẫn do Công ty British Premier Oil đảm nhận. Theo các tính toán nghiên cứu khảo sát thì trữ lượng tại Lô “Cá ngừ” đạt 100 triệu thùng dầu. Công ty quốc doanh của Nga Zarubezhneft là đối tác quen thuộc tại Đông Nam Á và thế giới, khi đang có hoạt động hợp tác đầu tư dầu khí tại Việt Nam, Cuba, Bosnia và Herzegovina,

Hoạt động hợp tác đầu tư của Nga tại Việt Nam

Việt Nam được coi là đối tác chiến lược, chủ chốt về hợp tác dầu khí của Nga ở Đông Nam Á và Biển Đông. Hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu mỏ, khí đốt trên biển là một phần quan trọng nhất, hiệu quả nhất trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây cũng như Liên Bang Nga ngày nay. Sự hợp tác này đã được bắt đầu vào năm 1981, khi Công ty Dầu khí Nhà nước Việt Nam PetroVietnam và Công ty Xô Viết Zarubezhneft đã thành lập một liên doanh bình đẳng Vietsovpetro. Tháng 6/1986, Vietsovpetro đã khai thác được tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam. Từ ngày thành lập đến nay, Liên doanh đã thực hiện thành công một khối lượng công việc khổng lồ góp phần quyết định trong sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam. Cụ thể, Vietsovpetro đã khai thác được 230 triệu tấn dầu, hơn 33 tỷ mét khối khí đốt, khoan hơn 450 giếng khoan thăm dò, phát hiện được 8 mỏ dầu, một mỏ khí và một số cấu trúc chứa dầu, xây dựng được hơn 50 cơ sở ngoài khơi, lắp đặt được 770 km đường ống. Doanh thu từ bán dầu của Vietsovpetro lên tới 78 tỷ USD. Trong một thời gian dài, Vietsovpetro đã luôn chiếm tỷ trọng lớn trong sản khai thác dầu tại Việt Nam.

Bên cạnh Vietsovpetro, từ năm 2013, Tập đoàn Dầu mỏ Nga “Rosneft” đã tích cực có mặt tại Việt Nam. Rosneft điều hành hai dự án thăm dò, khai thác khí đốt và khí ngưng tụ trên hai khối của thềm lục địa ở phía Nam của Việt Nam. Tại khối 06.1, Rosneft lần đầu tiên trong lịch sử đã đóng vai trò là nhà điều hành dự án trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác. Rosneft Việt Nam cũng sở hữu gần một phần ba cổ phần trong khu phức hợp Nam Côn Sơn, bao gồm các nhà máy nhiệt điện và nhà máy hóa chất chạy bằng khí đốt. Hệ thống này bao gồm đường ống hai pha dài nhất thế giới (400 km đường ống dưới nước và trên đất liền) cũng như đang đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bắt đầu từ những năm 2000, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của Việt Nam tăng lên và việc khai thác các mỏ khí thiên nhiên đã được thúc đẩy tích cực hơn. Từ năm 2000, Công ty Gazprom của Nga – doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất khí đốt tự nhiên đã hoạt động tại Việt Nam. Năm 2002, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Khí đốt của Nga Gazprom đã thành lập Liên doanh Vietgazprom để đầu tư thăm dò lô 112 thềm lục địa miền Trung Việt Nam. Và vào năm 2007, khí công nghiệp, khí ngưng tụ đã được khai thác từ các mỏ khí thiên nhiên ở phía Bắc thềm lục địa của Việt Nam. Năm 2008, một thỏa thuận đã được ký kết về sự tham gia của Vietgazprom trong việc phát triển các khối 129-132 ở vùng nước sâu của thềm phía Nam – nơi có tài nguyên ước tính khoảng 1.430 tỷ m3 khí và 1.150 triệu tấn dầu. Vào tháng 4 năm 2012 – một thỏa thuận được ký giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, theo đó, công ty Nga đã nhận 49% lượng khí đốt từ các khối 05.2 và 05.3 trên thềm lục địa phía Nam với trữ lượng 55,6 tỷ m3.

Hoạt động hợp tác đầu tư của Nga tại Philippines

Từ tháng 8/2018, Philippines thông báo là Tổng thống Rodrigo Duterte đã mời tập đoàn dầu khí Nga Rosneft đầu tư vào Philippines, đặc biệt là vào các dự án dầu khí ở Biển Đông, trong bối cảnh tình hình tại vùng biển này đang rất căng thẳng. Ông Duterte bảo đảm với các lãnh đạo của tập đoàn dầu khí Nga là đầu tư ở Philippines rất “an toàn” và ông sẽ không dung thứ nạn quan liêu tham nhũng. Lời mời nói trên đã được Tổng thống Duterte đưa ra trong chuyến thăm Nga trước đó khi ông gặp các lãnh đạo của tập đoàn Rosneft, trong đó có giám đốc điều hành Igor Sechin. Trước cuộc gặp giữa ông Duterte với các lãnh đạo Rosneft, Đại sứ Philippines tại Matxcơva, Carlos Sorreta, cho biết là các công ty dầu khí của Nga rất quan tâm đến việc thăm dò dầu khí ở Philippines. Theo ông Sorreta, các thỏa thuận hợp tác dầu khí với Nga sẽ không ảnh hưởng gì đến các quyền của Manila ở Biển Đông, bởi vì Matxcơva không phải là một bên tranh chấp trong vùng này.

Mối quan tâm giữa lợi ích về dầu khí và vấn đề can dự vào các tranh chấp Biển Đông của Nga

Không giống Mỹ, Nga có một cách tiếp cận khá dè dặt đối với vấn đề an ninh gây tranh cãi nhất của Đông Nam Á: thứ nhất, họ không phải là một bên liên quan có lợi ích chính ở Biển Đông; và thứ hai, họ muốn tránh chọc giận 2 đối tác chính của mình ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Trung Quốc và Việt Nam, các bên tuyên bố chủ quyền kình địch nhau.Đường lối chính thức của Nga đối với tranh chấp Biển Đông tương tự như đường lối của nhiều nước khác. Moskva không đưa ra lập trường về giá trị của các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cạnh tranh nhau; họ chủ trương một cách giải quyết hòa bình cho tranh chấp này và thúc giục các bên tranh chấp hành xử kiềm chế, nước này đã kêu gọi tất cả các bên tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và họ ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 và các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Cũng như Trung Quốc không công khai ủng hộ Nga về vấn đề Ucraina, Nga đã không công khai ủng hộ Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhưng giống Mỹ, Nga cũng đã không công khai chất vấn tính hợp pháp của “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, bao trùm gần 80% Biển Đông và trong đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc địa lý cũng như cái gọi là “quyền lịch sử” đối với nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật vì điều này sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể suy ra từ sự tham gia của các công ty của Nga trong các dự án phát triển năng lượng ngoài khơi của Việt Nam rằng Moskva tin tưởng Hà Nội có quyền chủ quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nước này và rằng các tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với UNCLOS.

Bất chấp cách tiếp cận dè dặt với tranh chấp này, những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong vài năm qua đã trở thành một mối quan ngại đối với Nga. Vào thời điểm Nga tìm cách tăng cường các mối quan hệ kinh tế với châu Á, thì hòa bình và sự ổn định ở một khu vực là nơi hội tụ các tuyến thương mại trọng yếu trên biển đã trở nên vô cùng quan trọng đối với Nga. Hơn nữa, tranh chấp này đặt Nga vào tình thế có chút khó khăn trước các đối tác quan trọng nhất của họ ở châu Á là Trung Quốc, Việt Nam và thậm chí cả Ấn Độ, những nước đang ngày càng có xung đột với nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới