Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ thúc đẩy sự vượt trội về khoa học, công nghệ ở...

TQ thúc đẩy sự vượt trội về khoa học, công nghệ ở Biển Đông nhằm đạt được các “yêu sách” chủ quyền phi pháp

Để đạt được ý đồ kiểm soát Biển Đông, mở rộng ảnh hưởng khu vực, cùng với việc đẩy mạnh sức mạnh cứng là quân sự, Trung Quốc cũng tích cực khẳng định sức mạnh mềm là những nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vượt trội so với các nước ở Biển Đông.

Về công nghệ năng lượng mới, Trung Quốc chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại hình điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân trên biển nhằm: (1) Một là, khẳng định sự vượt trội về công nghệ, trình độ kỹ thuật của Trung Quốc so với các nước trên thế giới và khu vực; giúp Trung Quốc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các vùng duyên hải và các đảo và giàn khoan dầu khí xa bờ. Hiện nay, nguồn điện cung cấp cho các đảo chủ yếu vẫn dựa vào máy phát điện chạy dầu diesel, công suất nhỏ lại gây ô nhiễm môi trường, giá thành cao và tính khả thi thấp, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân. (2) Hai là, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình xây dựng quy mô lớn điện gió tại các đảo, đá ở Biển Đông đang bị Trung Quốc chiếm đóng, góp phần cung cấp điện cho các công trình quân sự như hệ thống radar, sân bay, cầu cảng, bến bãi, hệ thống tên lửa, hệ thống gây nhiễu radar… Mạng lưới điện ổn định là yếu tố sống còn cho các kho vũ khí và căn cứ quân sự của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông. Theo tính toán, chỉ tính riêng một hệ thống radar quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc đã cần tới 200 KW để duy trì hoạt động. Trên thực tế, từ năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt hệ 01 thống điện gió trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng phí pháp, nhằm cung cấp năng lượng cho lực lượng đồn trú và hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá này. (3) Ba là, phục vụ việc tuyên truyền có dụng ý, nhằm trấn an và hướng lái dư luận các nước về vấn đề ô nhiễm môi trường do Trung Quốc gây ra, thể hiện vai trò trong bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ cho phục vụ các mục đích dân sự của người dân Trung Quốc cũng như mang lại lợi ích chung người dân các nước. Cùng với các yếu tố khác, hệ thống điện gió giúp Trung Quốc giành ưu thế vượt trội so với các nước ở Biển Đông.

Kết quả là, Trung Quốc (27/5/2018) cũng ngang nhiên đưa vào vận hành trái phép một mạng lưới điện cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hệ thống đường dây điện này có thể tải điện từ các máy nhiệt điện và điện mặt trời. Mạng lưới vừa được vận hành có thể được nối với hệ thống điện chính của tỉnh Hải Nam hoặc vận hành độc lập và sẽ giúp tăng gấp 8 lần lượng điện cung cấp trên đảo Phú Lâm, phục vụ cho các hoạt động trái phép của quân đội Trung Quốc tại đây. Tháng 12/2016 Trung Quốc hạ thủy con tàu chuyên lắp đặt tua bin điện gió trên biển đầu tiên do nước này tự nghiên cứu, chế tạo. Tàu có chiều dài 85,8m, rộng 40 m, tải trọng 2.500 tấn, có thể hoạt động ngoài khơi 30 ngày liên tục. Năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư tổng kinh phí khoảng 126,6 tỷ USD vào phát triển năng lượng tái tạo (tăng 31% so với năm 2016). Con số năm 2018 cũng ở mức tương tự. Với nguồn đầu tư như vậy, năm 2017 – 2018, Trung Quốc hoàn thành quy hoạch điện gió tại nhiều địa phương như Triết Giang, Giang Tô, Hồ Bắc, Quảng Đông, Bột Hải, Thượng Hải… Trong đó, tổng công suất tua bin điện gió ước tính mà Trung Quốc đã lắp đặt trên biển có thể đạt trên 1.000 MW. Tháng 12/2018, sau 202 ngày lắp đặt, trang trại điện gió ngoài khơi xa bờ nhất của Trung Quốc chính thức được kết nối với lưới điện và đi vào hoạt động hết công suất. Trang trại nằm ở phía đông thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, cách bờ biển 43km. Với diện tích 90 km2, trại điện gió Đại Phong có công suất lắp đặt lên tới 302,4 nghìn kW. Tổng cộng 72 tua bin gió dự kiến tạo ra khoảng 870 triệu kWh điện mỗi năm.

Về công nghệ thông tin, liên lạc và truyền thông, mặc dù Trung Quốc cho biết việc xây dựng hệ thống truyền thông của nước này ở Biển Đông là nhằm phục vụ người dân khôn chỉ của Trung Quốc mà cho cả khu vực, phục vụ phổ biến các thông tin như thời tiết, luật pháp, văn hóa, liên lạc… Song thực tế, giới quan sát chỉ ra rằng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là nhằm: (1) Thứ nhất, tuyên truyền về các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Trung Quốc muốn giành thế chủ động, đi đầu,đóng vai trò là “thông tin nguồn” trong thông tin tuyên truyền về Biển Đông. (2) Thứ hai, làm căn cứ để củng cố các cơ sở về chủ quyền của Trung Quốc ở các đảo có và không có người ở. Đây sẽ là những căn cứ để Trung Quốc bao biện rằng nước này có chủ quyền với những thực thể chiếm đóng trái phép. (3) Thứ ba, tuyên truyền, vận động người dân trong nước ra định cư và tham gia vào quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền của nước này. Đây là một trong những thành quả mà chính phủ Trung Quốc ca ngợi đã đạt được trong những năm qua ở Biển Đông. (4) Thứ tư, che đậy cho những hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc muốn xây dựng hình ảnh nước có trách nhiệm ở khu vực. Ngoài ra, đây sẽ là công cụ để Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác, lôi keo các nước trong các sáng kiến do nước này dẫn dắt ở khu vực.

Kết quả trong phát triển công nghệ thông tin, liên lạc và truyền thông ở Biển Đông, Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt trái phép các thiết bị phát sóng không dây tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ tháng 10/2015. Theo báo chí Trung Quốc thì Ngư dân và nhân viên Trung Quốc đồn trú trên các đảo này có thể truy cập internet tốc độ cao. Hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây và đảo Bắc và tiếp đó sẽ triển khai lắp đặt tại các đảo đá khác như đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa. Tháng 9/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn thành phủ sóng 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn.

Về kế hoạch xây dựng mạng lưới máy bay không người lái giám sát và chuyển tiếp thông tin từ các đảo trên Biển Đông, ý đồ của Bắc Kinh là: (1) Một là, củng cố, tăng cường sự hiện diện, chiếm đóng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tạo thế lấn lướt về tiềm lực, công nghệ trong khu vực, nhất là đối với các nước trong khu vực khi Trung Quốc đã xây dựng được các hệ thống nền tảng như mạng 3G, 4G, mạng lưới vệ tinh, hệ thống định vị đáy biển, hệ thống điện… (2) Hai là, phục vụ hoạt đông do thám, giám sát hoạt động của tàu thuyền, máy bay các nước trong và ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia… (3) Ba là, củng cố, hợp thức hoá các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những đảo, đá nhân tạo, không người ở ở Biển Đông. (4) Bốn là, phục vụ mục đích tuyên truyền về thành quả trong chính sách theo đuổi chủ quyển của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời lợi dụng danh nghĩa hợp tác quốc tế, phục vụ mục đích dân sự như tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn hàng hải, chia sẻ thông tin… để hướng lái dư luận khu vực đối với những hoạt động quân sự hoá, yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Kết quả là, Trung Quốc đã triển khai ở Biển Đông ít nhất 4 loại máy bay không người lái, gồm BZK-005, S-100, ASN-209 và GJ-1. Đặc điểm và tính năng, nhận dạng của các loại UAV này có thể dựa vào các căn cứ như: Loại S-100 có kích thước dài 3,11 m, cao 1,11m, rộng 4,06m, có tầm bay xa 100-200km và có thể cát cánh từ các tàu hộ vệ tên lửa lớp 054/054A. Loại S-100 của các nước khác được sơn nhiều màu khác nhau, song loại của Trung Quốc phổ biến là màu trắng để tránh bị phát hiện trên không. Loại ASN-209 có kích thước dài 4,3m, rộng 5m và cáo 2,6m, có tầm bay xa 200km, cất cánh nhờ bệ phóng phản lực lắp rời và hạ cánh bằng dù, cho phép cất cánh ở mọi nơi có đủ không gian để đặt thiết bị phóng và có thể hạ cánh ở mọi địa điểm. ASN-209 biến chế trong hải quân Trung Quốc được sơn nhiều màu khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là màu trắng. ASN-209 được Trung Quốc triển khai ở quần đào Hoàng Sa và dự kiến có thể triển khai ở các đảo nhân tạo của Trung Quốc mới bồi đắp ở Trường Sa. Loại BZK-005 có kích thước dài 9,14m, rộng 16,76m, tầm bay xa 2.400km, cất cánh bằng bệ phóng, biên chế trong không quân Trung Quốc có màu xanh da trời, còn hải quân Trung Quốc có màu trắng và xám. BZK-005 hiện được phóng từ các bệ phóng trong đất liền thuộc đảo Hải Nam, song có thể hoạt động dao trùm khắp Biển Đông. Loại GJ-1 có kích thước dài 9m, rộng 14 m, cao 2,8m, màu sơn xám, có tầm bay xa tối đa 4.000km nên có thể bao trùm toàn bộ Biển Đông, có thể cất cánh từ các căn cứ quân sự ở miền Nam Trung Quốc và bao trùm toàn bộ Biển Hoa Đông nếu cất cánh từ các căn cứ phía Đông của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới