Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaYêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc ở Biển Đông và chiến...

Yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc ở Biển Đông và chiến lược pháp lý lừa bịp

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện đầu năm 2013. Phán quyết bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở cả khía cạnh về quyền lịch sử lẫn những điều khoản quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Mặc dù công khai tuyên bố không chấp nhận và không thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài, song Trung Quốc đã huy động các chuyên gia pháp lý của mình nghiên cứu tìm kiếm cách thức mới để biện hộ cho yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông. Yêu sách “Tứ Sa” được ra đời trong bối cảnh đó.

Trong một cuộc họp kín với các viên chức Bộ Ngoại giao Mỹtrong 2 ngày 28 và 29/08/2017 tại Boston, ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), Cục phó Cục Hiệp định và Pháp luật của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã lần đầu tiên khẳng định“quyền lịch sử của Trung Quốc tại Nam hải chư đảo “Tứ Sa””.

Theo ông Mã Tân Dân, Trung Quốc cóg“chủ quyền và quyền hàng hải” kéo dài xung quanh bốn nhóm đảo ở Biển Đông là Đông Sa (Dongsha, tức Pratas Islands mà Đài Loan đang đóng giữ), Tây Sa (Xisha, tức Hoàng Sa), Nam Sa (Nansha, tức Trường Sa), Trung Sa (Zhongsha, tức bãi cạn Macclesfield, là một bãi ngầm nằm cách Hoàng Sa khoảng 75 hải lý). Bắc Kinh gọi chung là “Tứ Sa” và đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh nhóm đảo này.

Về thực chất đây không phải là một khái niệm gì mới mà chỉ là cách họ đưa ra để giải thích cho các yêu sách về vùng biển của họ ở Biển Đông. Tuyên bố về lãnh hải năm 1958 của Trung Quốc đã đề cập đến “chủ quyền” đối với “Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”.Luật về lãnh hải và đường tiếp giáp của Trung Quốc năm 1992 đã tuyên bố lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả “Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”; Sách Trắng công bố năm 2016 khi vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc sắp đến hồi kết cũng khẳng định chủ quyền “Nam Hải chư đảo” (tức các đảo trên Biển Đông) gồm bốn nhóm đảo trên, kể cả “các đảo, rạn san hô, bãi cạn, thực thể có số lượng và kích thước khác nhau”.

Điểm khác biệt so với trước đây là lần này Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo nói trên là một thực thể pháp lý đơn nhất để đòi hỏi yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh các nhóm đảo này. Cách diễn giải này của Trung Quốc đã làm các quan chức Mỹ tham dự cuộc họp hết sức ngạc nhiên trước mưu kế mới của Trung Quốc để đòi quyền kiểm soát Biển Đông.

Sau cuộc họp, khi được hỏi về yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins nói rằng Washington không thừa nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các thực thể, cấu trúc địa lý vừa nêu; nhấn mạnh vùng biển nơi qua lại của lượng hàng hóa trị giá ước lượng khoảng 3,37 nghìn tỷ USD hàng năm, là biển quốc tế. Phát biểu của ông Justin Higgins thể hiện quan điểm của Mỹ bác bỏ yêu sách “Tứ Sa”.

Một số nhà phân tích chỉ ra ba nguyên nhân vì sao Trung Quốc sử dụng khái niệm “Tứ Sa” với đòi hỏi vô lý của họ:

Một là,nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể đã nhận ra rằng “đường lưỡi bò” bị Tòa Trọng tài bác bỏ, bị cả thế giới lên án đã trở nên một gánh nặng về ngoại giao, trở thành mục tiêu bị quốc tế phê phán buộc Bắc Kinh phải tìm cách khác để biện hộ cho các yêu sách quá đáng của họ ở Biển Đông.

Hai là, khi sử dụng một thuật ngữ có vẻ giống như trong UNCLOS 1982 Trung Quốc có thể tránh né được những chỉ trích (thực chất là Trung Quốc đã bóp méo, vận dụng hoàn toàn sai lệch những điều khoản của UNCLOS 1982).

Ba là, Bắc Kinh đưa ra yêu sách “Tứ Sa” để chuẩn bị cho “chiến tranh pháp lý” và “chiến tranh thông tin”, hai trong 3 nội dung của “Tam chủng chiến pháp” do Quân ủy Trung ương đưa ra từ năm 2003. Bắc Kinh trông cậy vào đội ngũ đông đảo các luật sư và nhà nghiên cứu Trung Quốc để quảng bá chiến lược mới này với cộng đồng quốc tế.

Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu quốc tế, thì yêu sách “Tứ Sa” là nguy hiểm hơn cả, bởi phạm vi của nó rộng lớn hơn nhiều so với yêu sách “đường lưỡi bò” – vốn đã chiếm tới 80% Biển Đông. Việc tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của tàu hải cảnh xâm nhập, đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc khu vực quần đảo Natuna của Indonesia cuối tháng 12/2019, đầu tháng 1 vừa rồi minh chứng rõ ràng cho việc Trung Quốc đã mở rộng yêu sách theo “Tứ Sa” vượt quá “đường lưỡi bò”.

Tuy nhiên, về cơ bản, yêu sách “Tứ Sa” chỉ là sự biến tướng của “đường lưỡi bò” đã bị quốc tế bác bỏ, thực chất chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Khải niệm “Tứ Sa” cũng không đưa ra được những lập luận bảo vệ cho yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này chỉ thể hiện rõ hơn dã tâm thôn tính độc chiếm Biển Đông của giới cầm quyền Bắc Kinh.

Có học giả còn đưa ra nhận xét thủ đoạn “Tứ Sa” chỉ là biến tướng của kế sách “dương Đông kích Tây”, một “món võ cổ truyền” của người Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng đối phương mỗi khi gặp phải trở ngại. Trong trường hợp này, khi mà “đường lưỡi bò” đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ thì Bắc Kinh tìm kiếm khái niệm mới “Tứ Sa” hòng lừa bịp cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ý đồ của Trung Quốc ngay lập tức bị lộ rõ trong một thế giới dựa trên luật pháp quốc tế.

Yêu sách “đường lưỡi bò” cần đến một Tòa Trọng tài để ra phán quyết bác bỏ, còn yêu sách “Tứ Sa” có lẽ không cần đến một phiên tòa để bác bỏ vì chỉ cần nghiên cứu UNCLOS 1982 và Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài là đủ để thấy rõ yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Như vậy, có thể kết luận với việc đưa ra yêu sách “Tứ Sa”, Bắc Kinh đang tiến hành một chiến thuật pháp lý lừa bịp cộng đồng quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới