Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao chính phủ Malaysia sụp đổ trong hai năm

Vì sao chính phủ Malaysia sụp đổ trong hai năm

Sự kiện đó được coi như một bước ngoặt lịch sử – kỳ bầu cử lật đổ một đảng đã cầm quyền hơn 60 năm.

Nhưng chưa đầy hai năm sau đó, tân chính phủ ra đi, và đảng từng cầm quyền trước đó quay trở lại nắm quyền.

Tại sao liên minh giành chiến thắng vốn đã đánh bùng lên những hy vọng thay đổi tại Malaysia lại sụp đổ nhanh chóng đến vậy?

Đảng Umno trở lại nắm quyền từ một cuộc ‘đào tẩu’

Malaysia có tân thủ tướng sau một tuần biến động, bất định chưa từng thấy trong đời sống chính trị nước này.

Ông Muhyiddin Yassin là một chính trị gia có sự nghiệp khiêm tốn, từng bị đảng cầm quyền trước đây, Umno, chối bỏ hồi 2016.

Ông gia nhập lực lượng chính trị nặng ký của các ông Mahathir Mohammad và Anwar Ibrahim để thành lập một đảng đa phái, một liên minh đa sắc tộc có tên là Pakatan Harapan (PH).

Cùng nhau, họ vượt qua cơn sóng gió giận dữ của công chúng về tình trạng tham nhũng để giáng cho liên minh Barisan Nasional (BN) do Umno dẫn đầu cú thất bại đầu tiên.

Nhưng các sự kiện hồi cuối tuần trước – qua đó ông Muhyiddin hạ đổ chính phủ bằng cú đào tẩu cùng với hơn 30 dân biểu khác để thành lập một liên minh với đảng cũ của mình – đã trở thành một cú đánh dữ dội vào những ai coi kỳ bầu cử 2018 như một khởi đầu mới cho đất nước.

“Tôi xin lỗi là đã làm quý vị thất vọng. Tôi đã cố gắng. Tôi đã thực sự cố gắng chặn họ,” Syed Saddiq, một chính trị gia trẻ trung người Malay viết trên Twitter. Ông này đã giành chiến thắng ngoạn mục với ghế dân biển ở Johor hồi 2018, được coi như biểu tượng của khát khao thay đổi.

Là thành viên của đảng của ông Muhyiddin, Syed Saddig khước từ việc cùng ông hợp tác với Umno.

Đã có những cuộc biểu tình nổ ra nhằm phản đối cái được gọi là một “chính phủ cửa hậu”.

“Đây là một sự phản bội hoàn toàn,” luật sư đồng thời là nhà hoạt động Fadya Nadwa Fikri nói. “Nhân dân không bỏ phiếu cho thứ đó.”

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Nhiều người không chấp nhận việc thay đổi mới đây, và gọi đó là “sự phản bội”

Pakatan, liên minh chính trị của ông Mahathir

Pakatan là một liên minh tập hợp đảng cải cách Keadilan của ông Anwar Ibrahim, đảng DAP chủ yếu gồm người Hoa, và hai đảng bài trừ Umno Malay là Amanah và Bersatu.

Đảng phái cuối cùng do cựu thủ tướng kỳ cựu Mahathir Mohamad dẫn dắt, và sự hậu thuẫn của ông đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo với người sắc tộc Malay rằng việc từ bỏ đảng cầm quyền là điều an toàn.

Pakatan cũng được hậu thuẫn bởi một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự vốn đã vận động nhiều năm chống lại nạn tham nhũng và lạm quyền.

Ngay trước ngày bầu cử 9/5/2018, họ vẫn không chắc liệu mình có thắng trước Barisan hay không. Nhưng đã có tâm trạng phấn khích về việc có thể chiến thắng.

Ông Mahathir đã tiến hành vận động tranh cử đầy dí dỏm với việc nêu thủ tướng khi đó, ông Najib Razak và phu nhân, bà Rosmah, như một cặp trộm cắp.

Sinh hoạt phí tăng, nhất là khoản thuế bán hàng rất không được lòng dân, đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phe đối lập.

Và lá phiếu của người Malay, thường là ủng hộ chính phủ, đã bị chia làm ba, giữa Pakatan, Baristan và đảng PAS Hồi giáo.

Khi tôi gặp mặt, những người ở các phòng phiếu cho tôi xem các thẻ Umno kỳ cựu của họ, nhưng nói họ sẽ bỏ cho phe đối lập.

Ông Najib thất bại vào ngày hôm sau. Mọi người hân hoan. Ông là thủ tướng đầu tiên của đảng thua cử.

Những gập ghềnh của chính quyền Pakatan

Vậy đã có điều gì không ổn đối với chính phủ Pakatan?

Đó luôn là một liên minh không dễ dàng gì.

Ông Mahathir và ông Anwar Ibrahim có cả một quá trình lịch sử gập ghềnh suốt 30 năm.

Ông Anwar, từng là đệ tử và được trông đợi sẽ kế nhiệm ông Mahathir, đã đổ lỗi cho ông Mahathir về thời gian năm năm đầu tiên ngồi tù của mình.

Hai người cuối cùng hòa giải và đồng ý rằng ông Mahathir Mohamad, người dẫn dắt chiến dịch vận động tranh cử, sẽ trở thành thủ tướng nếu họ giành chiến thắng, nhưng rồi sẽ trao quyền lại cho ông Anwar sau hai năm. Thế nhưng cụ thể là trao thế nào, vào thời điểm nào thì lại không được nêu cụ thể.

Đã có những va chạm về tính cách, và những khác biệt trong việc liên minh nên xử lý thế nào trước tình hình kinh tế ngày càng khắc nghiệt.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Mối quan hệ giữa ông Anwar và ông Mahathir có từ nhiều thập niên trước

Nền chính trị sắc tộc ở Malaysia

Malaysia đã được định hình bằng chính trị sắc tộc kể từ khi độc lập, 1957, và từ việc tạo ra một liên bang vào năm 1963.

Người Malay chiếm trên nửa dân số, được gọi là “bumiputera”, gồm các nhóm bản xứ trên bán đảo Malay và trên đảo Borneo, chiếm chừng 68%.

Nhóm thiểu số lớn nhất và thành công nhất là người Hoa, vốn di cư sang Malaysia trong thời nơi này còn là thuộc địa Anh.

Các cuộc bạo loạn sắc tộc hồi 1969 khiến chính phủ thấy việc có các chính sách ưu đãi cho nhóm người bumiputera, nhất là người Malay, là điều thiết yếu.

Umno tự định hình mình thành đảng phái vì quyền lợi của người Malay, vốn ít thành công về mặt làm ăn kinh tế hơn so với người Hoa.

Thời gian 22 năm cầm quyền của ông Mahathir Mohamad trong thập niên 1980 và 1990 được đánh dấu với các dự án hào phóng phục vụ người Malay, với ngân khoản tài trợ lấy từ mức tăng trưởng đầy ấn tượng có được nhờ hoạt động xuất khẩu.

Mặt tiêu cực là nạn con ông cháu cha và tham nhũng tăng mạnh. Nhưng người Malay vẫn trông đợi chính phủ vào sự hào phóng của chính phủ.

Một phần có sự lo sợ là chính phủ Pakatan, với thành phần người Hoa chiếm đông, có thể cắt giảm mức hào phóng và do đó sẽ giảm bớt mức hỗ trợ cho người Malay.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Nhiều người Malay sợ rằng tân chính phủ không đối xử hào phóng đối với họ

Tuy uy tín của Umno đã bị tổn hại nặng nề sau vụ thất thoát các khoản tiền bạc khổng lồ khỏi bê bối tài chính 1MDB, mà có một số khoản rơi vào tài khoản ngân hàng của cá nhân ông Najib, nhưng đảng này đã nhanh chóng khai thác tâm trạng bất mãn của dân chúng trước tình trạng kinh tế.

Cho nên không mấy ngạc nhiên khi Pakatan đã thua năm trong sáu kỳ bầu cử bổ sung giữa kỳ.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông Najib bị cáo buộc biển thủ tiền nhà nước

Trong một lần như thế, tại bang Johor chiến lược, PH đã mất tới hơn nửa số phiếu.

Cuộc khủng hoảng nổ ra quanh việc chọn người kế nhiệm.

Ông Anwar Ibrahim và các ủng hộ viên của ông ép ông Mahathir nêu ra ngày chuyển giao, với việc đề cập đến thời điểm tròn hai năm sau kỳ thắng cử sẽ là tháng Năm tới đây. Ông thủ tướng từ chối.

Nhóm của ông Anwar lui bước, để việc ra quyết định cho bác sỹ Mahathir.

Nhưng căng thẳng gia thăng trong nội bộ liên minh khiến cho ông Muhyiddin ly khai và phối hợp với phe đối lập.

Cũng giống như mọi cuộc khủng hoảng từng xảy ra trong 40 năm qua, đã có giả thuyết ở trong và cả ngoài Malaysia rằng bất kể điều gì xảy ra thì ông Mahathir Mohamad, bậc thầy lũng đoạn tình thế, sẽ rút dây để khai thác mọi cơ hội trong bối cảnh mọi thứ diễn ra đầy kịch tính, nhằm đảm bảo rằng ông thoát ra ở thế thượng phong.

Khi ông khiến cả nước ngạc nhiên bằng quyết định đệ đơn từ chức, nhiều phe phái chính trị đã vội vã ngỏ ý ủng hộ việc ông ở lại nắm quyền.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Các nhân vật chính: Mahathir Mohamad (phải), chính trị gia Anwar Ibrahim (giữa) và Muhyiddin Yassin (trái)

Thậm chí ông Anwar cũng đảm bảo với các ủng hộ viên của mình, khác với những đồn đoán, rằng ông Mahathir không đứng sau cái mà ông gọi là cuộc đảo chính chống lại liên minh.

Nhưng đến cuối tuần rồi, mọi sự đã rõ ràng – chính trị gia lão luyện 94 tuổi đã tính toán sai lầm.

Vị vua theo hiến pháp của Malaysia hiện nay, Quốc vương Abdullah, người có vai trò mời một ứng viên đứng ra thành lập chính phủ, đã tuyên bố rằng ông Muhyiddin sẽ tuyên thệ trở thành thủ tướng thứ tám của đất nước.

Ông Mahathir thách thức quyết định này và có thể sẽ cố tìm cách lật đổ tân chính phủ một khi quốc hội nhóm họp trở lại. Nhưng việc được trao quyền và được nhà vua tôn kính chấp nhận là những tài sản đầy sức mạnh đối với ông Muhyiddin, và tất nhiên nó cũng sẽ kéo theo những người ủng hộ tập hợp quanh ông.

“Quốc vương không thể ra các quyết định chính trị,” Mustafa Izzuddin từ Đại học Quốc gia Singapore nói.

“Nhưng ông ấy có thể đóng vai trò trung gian trung thực, đưa các bên lại với nhau, Ngay cả khi đó là điều vô tiền khoáng hậu ở Malaysia.”

“Quốc vương có thể đã nhìn nhận rằng ông Muhyiddin là ứng viên trung thực nhất, ổn định nhất.”

Cũng nên nhắc lại rằng ông Mahathir có lịch sử xung đột với các sultan Malaysia, và điều đó có thể cũng là một nhân tố tác động tới lựa chọn của Quốc vương.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Quốc vương Pahang đóng vai trò trung gian

Nay, sau chưa đầy hai năm để quyền lực trong tay phe đối lập, Umno đang quay trở lại. Có những lo sợ có thể hiểu được, rằng các cuộc điều tra và các phiên tòa xét xử ông Najib, người vẫn là một gương mặt quan trọng của đảng, có thể sẽ bị gác lại.

Ông Anwar, người tin rằng ông được số phận định đoạt để trở thành thủ tướng từ thời thập nên 1990 và tin rằng ông đã được hứa hẹn sẽ trao chức trong năm nay, một lần nữa lại thất vọng.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông Mahathir đã tính toán sai nước cờ khi từ chức

Và ông Mahathir, một trong những chính trị gia đáng chú ý nhất trong thời hiện đại, có vẻ như đã đi đến cuối con đường.

Trước khi tròn 95 tuổi, ông có lẽ cũng đến lúc thực sự nghỉ hưu.

RELATED ARTICLES

Tin mới