Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nhận định về xu thế và tác động cạnh tranh...

Một số nhận định về xu thế và tác động cạnh tranh Nga – Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện nay

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, quan hệ Nga – Mỹ mặc dù vẫn có mặt hợp tác, nhưng sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc này chưa bao giờ ngừng lại, nhất là khi nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin đã dần lấy lại vị thế cường quốc. Trong 5 năm trở lại đây, mức độ hợp tác Nga – Mỹ không tiến triển mà còn bị thu hẹp. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế và cả các chính khách của hai nước đều nhận định, quan hệ Nga – Mỹ “đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”.

Biểu hiện rõ nhất của sự suy giảm mức độ hợp tác song phương là việc hai nước đã cắt giảm quy mô cơ quan đại diện và nhân viên ngoại giao của mình tại nước kia, cũng như giảm số đại diện của mình trong các tổ chức quốc tế mà hai bên đóng vai trò chủ chốt. Trên hầu hết các lĩnh vực, cả Nga lẫn Mỹ đều coi nhau như đối thủ cạnh tranh hơn là đối tác hợp tác, sự mở rộng ảnh hưởng của nước này, trong cách tiếp cận của bên còn lại sẽ thu hẹp lợi ích của bên kia. Đối đầu trực diện bằng quân sự ít có khả năng xảy ra bởi hai bên đều hiểu rõ cái giá phải trả. Cạnh tranh ảnh hưởng Nga – Mỹ có tác động mạnh mẽ đến tình hình thế giới nói chung cũng như cục diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng. đó có Nga và Mỹ, đều có những điều chỉnh chính sách đối với khu vực.

Thứ nhất, tác động đến sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ. Có thể nói, nước Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Chính quyền của Tổng thống Obama đã dành nhiều quan tâm đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động trong chiến lược “tái cân bằng” sang khu vực này, nhất là trên các lĩnh vực quân sự và kinh tế – thương mại. Tuy nhiên, kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai, Chính quyền của Tổng thống Obama đã có những điều chỉnh theo hướng quan tâm hơn đến các khu vực khác, đặc biệt là châu Âu. Chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ và cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài trong khu vực châu Âu đã tác động không nhỏ đến khả năng quân sự của NATO, làm gia tăng nguy cơ phụ thuộc về kinh tế – thương mại vào Nga của EU, tiềm ẩn nguy cơ “độc lập” xa rời Mỹ của châu Âu. Mỹ đã sớm nhận ra điều này và cuộc khủng hoảng tại Ucraina được coi là cơ hội để Mỹ thực hiện hiệu quả hơn chính sách “tái cân bằng chiến lược” giữa hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Mỹ, một mặt, đẩy mạnh chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương; mặt khác, thực hiện chiến lược “tái cân bằng” và cài đặt lại quan hệ Mỹ – châu Âu.

Thứ hai, tác động đến điều chỉnh chiến lược của Nga. Cuộc khủng hoảng tại Ucraina, nhất là sự kiện bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga năm 2014 đã khiến quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây trở nên hết sức căng thẳng, ở trạng thái xấu nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khó khăn trong quan hệ với Mỹ và châu Âu do cuộc khủng hoảng Ucraina đã khiến Nga đẩy mạnh “Chính sách hướng Đông”, tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Nga đặc biệt coi trọng quan hệ với Trung Quốc. Nga đẩy mạnh hợp tác năng lượng với các nước ở châu Á nhằm chống lại những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây và sự sụt giảm giá dầu mỏ. Việc tái cơ cấu hoạt động cung cấp năng lượng của Nga bắt đầu được thực hiện với hai thỏa thuận về cung cấp khí đốt giữa Nga và Trung Quốc được ký kết vào năm 2014. Nga cũng có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí lớn chạy từ đảo Sakalin của nước này tới bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc – nước nhập khẩu khí đốt lớn thứ hai trên thế giới đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với kế hoạch này của Nga, cũng như các sáng kiến khác nhằm kết nối mạng lưới giao thông của nước này với tuyến đường sắt xuyên Siberi.

Việc Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp cấm vận đã khiến Nga càng củng cố mối quan hệ chiến lược với các nước và khu vực khác, nhất là với Trung Quốc. Quan hệ Nga – Trung Quốc sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, bởi cả Nga lẫn Trung Quốc đều có chung “đối thủ” cũng như những mối lo chung, và dường như đó là cơ sở cho sự hợp tác thuận lợi. Quan hệ song phương Nga – Nhật Bản đang dần tan băng, hai nước đang tích cực đàm phán, đẩy nhanh tiến trình giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà Kuril. Ngày 17/3/2017, các quan chức cấp cao hai nước đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về khả năng tiến hành các hoạt động kinh tế chung trên bốn hòn đảo đang tranh chấp. Trước đó, tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Abe (12/2016), hai bên đã nhất trí khởi động đàm phán về các hoạt động kinh tế chung, hướng tới giải quyết tranh chấp quần đảo và ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Nga cũng sẽ đẩy mạnh quan hệ kinh tế, chính trị – ngoại giao với các nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong triển khai “chính sách hướng Đông”, Nga coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên số một và luôn tìm cách duy trì mối quan hệ Nga – Trung Quốc ở giới hạn có thể.

Thứ ba, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga với Mỹ và phương Tây đã tác động tiêu cực không chỉ đối với các nền kinh tế châu Âu, kinh tế Nga mà còn đối với nhiều nền kinh tế ở các khu vực khác trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khiến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế này chậm lại, tốc độ phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế thế giới bị gián đoạn và ảnh hưởng tới vị thế của đồng USD trong cán cân thanh toán quốc tế. Chính vì vậy, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) cùng với nhiều nước khác đã ký kết một số hiệp định, trong đó quy định việc sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán các hoạt động thương mại song phương, đơn cử như các hiệp định giữa Trung Quốc và Nga, giữa Trung Quốc và Brazil, giữa Nga và Iran, giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Iran… Hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD có nguy cơ bị phá sản.

Thứ tư, mặc dù là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…, song trên thực tế Nga chưa phát huy vai trò thực sự tại các diễn đàn, hội nghị này. Hệ lụy từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây khiến Nga bị hạn chế “sức mạnh mềm”, không thể hiện được thực lực tài chính của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như viện trợ kinh tế, mở rộng hợp tác đầu tư… Hoạt động thương mại của Nga tại khu vực chỉ chiếm 1% tổng thương mại khu vực và hơn 2% thương mại quốc tế của Trung Quốc. Hơn nữa, không ít cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga trong giải quyết các vấn đề quốc tế, như tình hình Syria, hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, cuộc khủng hoảng Ucraina… cùng chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, củng cố quan hệ đồng minh truyền thống, tăng cường can dự công việc khu vực, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hoặc triển vọng chiến lược với không ít nước vốn là bạn bè truyền thống của Nga… đã cản trở nước này thực hiện mục tiêu chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ năm, nguy cơ đụng độ quân sự trong khuôn khổ quan hệ Nga – Mỹ là không cao nhưng khó có thể loại trừ hoàn toàn do sự tồn tại của các mâu thuẫn và những mâu thuẫn này có thể bị châm ngòi bởi các sự cố hoặc thiếu lòng tin bất cứ khi nào. Đồng thời, mặc dù nguy cơ chiến tranh quy mô lớn, trực diện giữa các nước lớn có thể không cao nhưng chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh cục bộ hay các loại hình chiến tranh mới, như chiến tranh mạng, chiến tranh hỗn hợp, xung đột “phi vũ trang” lại tăng lên, tác động đến an ninh, hòa bình, ổn định của khu vực.

Thứ sáu, cạnh tranh địa – chiến lược Nga – Mỹ sẽ làm cho quá trình tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở nên phức tạp hơn. Mỗi nước trong khu vực sẽ chịu tác động của các lực “kéo”, “đẩy” mạnh hơn; các yếu tố “cân bằng”, “đối trọng” sẽ giảm đi, yếu tố “phòng bị” sẽ tăng lên. Một số nước có mối quan hệ truyền thống với Nga hoặc Mỹ sẽ khó khăn hoặc bị kiềm chế trong việc lựa chọn hợp tác với nước còn lại và ngược lại.

Cạnh tranh địa chính trị chiến lược Nga – Mỹ được dự báo sẽ phát triển theo xu thế sau:

Một là, về tổng thể, cạnh tranh địa chính trị chiến lược giữa Nga và Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Mặc dù Nga đang để ngỏ khả năng và luôn tìm kiếm cơ hội đối thoại để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ với Mỹ và phương Tây, song do giữa Nga và Mỹ có sự đối kháng về lợi ích cũng như mục tiêu chiến lược nên khó có thể thu xếp với nhau trong ngắn hạn. Trong khi Mỹ đang tìm cách làm suy yếu Nga để bảo vệ vị thế siêu cường duy nhất và trật tự thế giới do Mỹ sắp đặt, Nga lại hướng đến xây dựng trật tự thế giới mới đa cực – các quốc gia hành động trên cơ sở luật pháp quốc tế, đòi hỏi Mỹ phải tôn trọng Nga. Hơn nữa, nhân tố chống Nga trong nội bộ Mỹ không những chưa giảm đi mà còn đang có chiều hướng tăng lên, nhất là hiện nay khi Đảng Dân chủ đang nắm đa số ghế ở Hạ viện. Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, cạnh tranh quyền lực Nga – Mỹ tiếp tục bộc lộ rõ trên các mặt quân sự, đối ngoại và kinh tế, trong đó điểm mấu chốt là cạnh tranh về quân sự tại một số địa bàn chiến lược để khẳng định vị thế là nước nắm ưu thế vượt trội hơn, đủ sức áp chế đối phương.

Hai là, về quân sự, Mỹ tiếp tục phát triển NATO về phía Đông và biển Ban-tích để củng cố tiềm lực vây hãm Nga. Chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ sẽ gia tăng về mức độ do Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), phá vỡ cán cân chiến lược, buộc Nga tham gia cuộc đua “bất đắc dĩ” để giữ vị thế cường quốc quân sự trước Mỹ và phương Tây. Theo các nhà phân tích, điều này sẽ đẩy Mỹ và Nga bước vào giai đoạn căng thẳng mới với một cuộc chạy đua phát triển, đổi mới kho vũ khí tấn công chiến lược. Theo một số nhà phân tích, mâu thuẫn trong quan hệ Nga – Mỹ tiếp tục được đẩy sang nước thứ ba để “tranh tài” về sức mạnh quân sự. Hệ quả tất yếu là Nga – Mỹ vẫn “mắc kẹt” trong các xung đột địa – chính trị mà cả hai có lợi ích chiến lược, song cả hai đều ý thức điều chỉnh chính sách để tránh đối đầu trực diện.

Ba là, về chính trị, Đạo luật H.R.3364 áp đặt các lệnh trừng phạt vẫn được Mỹ duy trì như một công cụ tấn công buộc Nga phải chấp nhận hoặc theo Mỹ hoặc bị suy yếu và sụp đổ. Mỹ sẽ đẩy cao các mối đe dọa đối với Nga để lôi kéo, tập hợp lực lượng ở khu vực châu Âu, nhất là các nước Đông Âu. EU dù muốn cải thiện quan hệ với Nga song chưa thể tự quyết định khi Mỹ chưa đồng ý, bởi EU phụ thuộc an ninh vào Mỹ và NATO.

Bốn là, về kinh tế, Mỹ và phương Tây tiếp tục dùng các công cụ cấm vận và trừng phạt kinh tế để áp đặt Nga. Cuối năm 2018, EU đã gia hạn thêm 6 tháng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và Mỹ cũng áp đặt thêm trừng phạt đối với 18 cá nhân, tổ chức của Nga. Điều đó cho thấy, Mỹ và EU sẽ khó từ bỏ sức ép về kinh tế, khiến Nga gặp khó khăn, phải đối phó các thách thức mới cả ở trong lẫn ngoài nước.

Tóm lại, nhìn tổng thể từ nay đến năm 2025, những khác biệt trong lợi ích quốc gia của Nga và Mỹ sẽ chiếm ưu thế gần như tuyệt đối so với những điểm đồng lợi ích giữa hai nước. Do đó, các chuyên gia cho rằng, đây sẽ tiếp tục là nhân tố chi phối đến quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới và cạnh tranh sẽ tiếp tục là yếu tố chủ yếu trong quan hệ song phương. Thế nhưng, liệu cạnh tranh Nga – Mỹ trên thế giới trong thời gian tới có dẫn đến một cuộc đối đầu trực diện bằng quân sự giữa hai cường quốc này hay không vẫn đang là câu hỏi được dư luận hết sức quan tâm. Dù không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp trong tương lai, song có thể thấy nguy cơ này ít có khả năng xảy ra bởi thực tế cả Nga và Mỹ đều không mong muốn xảy ra một kịch bản như vậy. Tuy nhiên, dù khó xảy ra đối đầu quân sự trực diện, nhưng cạnh tranh Nga – Mỹ sẽ còn diễn ra gay gắt trên nhiều mặt trận trong thời gian tới. Việc quan hệ Nga – Mỹ vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017 đã cho thấy những khác biệt trong lợi ích quốc gia của Nga và Mỹ là quá lớn và khó có thể dung hòa, bởi dù ai lên nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng cũng rất khó làm đảo chiều những căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Nga, làm giảm thái độ chống lại Nga vốn đang ngự trị tại cả hai viện của Quốc hội Mỹ.

Bên cạnh đó, châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục trở thành khu vực trọng điểm trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của Nga và Mỹ thời gian tới. Từ sau cuộc khủng hoảng U-crai-na, những căng thẳng trong quan hệ với phương Tây đã khiến Nga đẩy mạnh triển khai “chính sách hướng Đông”, tăng cường ảnh hưởng và mở rộng hợp tác với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, châu Á – Thái Bình Dương ngày càng được đánh giá là quan trọng đối với an ninh quốc gia và lợi ích của Mỹ, chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ tuy có thể bị gián đoạn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ D.Trump, song đó chỉ là sự gián đoạn tạm thời bởi chiến lược này nhận được sự ủng hộ của cả hai viện của Quốc hội Mỹ. Cạnh tranh Nga – Mỹ trên các lĩnh vực chính trị ngoại giao, kinh tế thương mại, quốc phòng an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ diễn ra ngày càng sôi động. Bên cạnh đó, cạnh tranh Nga – Mỹ trên cả các khía cạnh của cả “quyền lực cứng” lẫn “quyền lực mềm” tại khu vực Trung Đông cũng diễn ra ngày càng quyết liệt. Hai bên đều đang không ngừng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, nhất là trong giải quyết các vấn đề Syria và vấn đề hạt nhân của Iran.

RELATED ARTICLES

Tin mới