Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nội dung chính tại Hội nghị quan chức cấp cao...

Một số nội dung chính tại Hội nghị quan chức cấp cao trù bị (Prep-SOM)

Nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 (AEM hẹp 26), đại diện các SEOM của ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Cộng đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (BAC)… đã tham dự Hội nghị quan chức cấp cao trù bị (Prep-SOM).

Tại Hội nghị, giới chức các nước đã thảo luận, rà soát các nội dung quan trọng, dự kiến sẽ được rà soát, thông qua và tiếp tục triển khai trong Năm ASEAN 2020, do Việt Nam làm chủ nhà, trong đó bao gồm các ưu tiên của Việt Nam về nội dung kinh tế trong hợp tác ASEAN để báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (dự kiến được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 06-09/4/2020).

Tại phiên họp SEOM trù bị, các Quan chức kinh tế đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để báo cáo lên AEM hẹp 26, bao gồm những nội dung như:  Thảo luận và thông qua các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020;  Rà soát và thống nhất các ưu tiên thường niên năm 2020 của ASEAN trong kênh kinh tế; Thảo luận nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại trong hợp tác nội khối ASEAN và ASEAN với các đối tác ngoại khối… Tại Hội nghị, Việt Nam đã đề xuất một số ưu tiên dựa trên 3 định hướng chính: Thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN;  Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; và  Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề xuất ASEAN cần có hành động chung nhằm duy trì chuỗi cung ứng trong ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khoẻ con người mà còn nền kinh tế của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Ngoài việc chuẩn bị cho Hội nghị AEM hẹp 26, phiên họp SEOM trù bị cũng đã rà soát, cập nhật tình hình triển khai, quan điểm của từng nước ASEAN đối với tất cả các nội dung chính kể từ sau phiên họp SEOM lần thứ nhất, được tổ chức vào tháng 01 vừa qua tại Hà Nội. Việc rà soát này nhằm đảm bảo công tác xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được triển khai đúng tiến độ mà các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã chỉ đạo và/hoặc các vấn đề khác cần lưu ý, chú trọng để sớm có giải pháp thỏa đáng.

Tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ ủng hộ các sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong năm 2020, trong đó có Kiểm điểm giữa kỳ thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, khởi động trao đổi về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN, tổ chức Diễn đàn đối thoại Mê Công mở rộng, các hoạt động liên quan tới trao quyền cho phụ nữ… Bên cạnh đó, các đại biểu đến từ các nước ASEAN cơ bản thống nhất chương trình hoạt động, nghị sự và dự kiến các văn kiện của Hội nghị Cấp cao. Theo ông Hau Khan Sum, đại biểu Myanmar, các hội nghị lần này có vai trò rất quan trọng trong việc thảo luận, ghi nhận ý kiến, chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sắp tới. Đây là cơ hội để đại diện các nước bàn thảo thêm các vấn đề trong chương trình nghị sự mà Việt Nam đã chuẩn bị với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020. Các nước sẽ chia sẻ khối lượng công việc của Chủ tịch ASEAN 2020 đồng thời khẳng định sẽ phối hợp chặt với Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 36.    

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng Cộng đồng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Thúc đẩy thực hiện các cam kết thành lập AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, năm 2020 là năm Việt Nam chủ trì hợp tác ASEAN nên đây càng được đặt là ưu tiên lớn thông qua việc Việt Nam đề xuất và tăng cường triển khai các nội hàm của AEC. ASEAN đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Với lợi thế là một khu vực phát triển năng động, gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đang và sẽ chắc chắn tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới