Thursday, May 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNga - Việt: Cần giải quyết tranh chấp ở biển Đông theo...

Nga – Việt: Cần giải quyết tranh chấp ở biển Đông theo luật pháp quốc tế

Tại Đối thoại chiến lược Ngoại giao – Quốc phòng – An ninh Việt Nam và Nga (6/3), hai bên khẳng định ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử tại biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực và hiệu quả.

Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, triển khai thực hiện Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Nga giai đoạn 2019-2020, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Titov đã thăm Việt Nam ngày 6/3/2020 để tham dự Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh Việt Nam-Nga lần thứ 11.

Tại Đối thoại, hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga thời gian qua; đánh giá cao các hoạt động phong phú, đa dạng trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam 2019-2020, nhân 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 25 năm ngày ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga. Hai bên cùng nhau rà soát việc thực hiện các thỏa thuận cấp cao đã đạt được trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức Liên bang Nga vào năm 2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như các tiếp xúc, trao đổi cấp cao khác. Bên cạnh đó, hai bên nhấn mạnh quyết tâm duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ đà phát triển năng động của hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế – thương mại, quốc phòng – an ninh, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch, hợp tác địa phương nhằm khai thác tối đa tiềm năng của mỗi nước. Hai bên nhất trí cần thực hiện hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu để sớm đạt kim ngạch thương mại song phương ở mức 10 tỷ USD; cùng nỗ lực thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ, thỏa thuận và dự án hợp tác ưu tiên đã thỏa thuận.

Ngoài ra, hai bên đánh giá tình hình thế giới và khu vực đang có những biến chuyển sâu sắc, nhất trí cho rằng cần tăng cường hơn nữa trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020. Hai bên khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ tại Liên hợp quốc cũng như tại các diễn đàn đa phương khác, cùng nhau đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai bên hoan nghênh các phát triển tích cực của quan hệ ASEAN-Nga trong thời gian qua, nhấn mạnh Việt Nam và Nga sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nga đã được thiết lập, phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử tại biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực và hiệu quả.

Được biết, Nga không phải một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng Nga có những lợi ích ở vùng này. Do đó, Nga muốn tất cả các vấn đề trong khu vực được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua cuộc đàm phán giữa các nước có tranh chấp; khẳng định Nga dứt khoát chống lại sự leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, chống lại việc gia tăng quân sự hóa trong khu vực; cho rằng, lối thoát tốt nhất và duy nhất ra khỏi tình trạng này là việc tổ chức cuộc đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời Nga kêu gọi giữ bình tĩnh, kiềm chế và không để những cuộc tranh chấp biến khu vực này thành một “điểm nóng” trên thế giới. 

Ngoài ra, lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông là, tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm con đường giải quyết bằng chính trị ngoại giao mà các bên đều có thể chấp nhận được; nhận định chỉ có đàm phán – con đường mà Trung Quốc và ASEAN đã đi, mới có thể mang lại kết quả cho các bên, đó chính là một thỏa thuận mà các bên chấp nhận được. Không những vậy, Nga cho rằng việc tham vấn và đàm phán về những vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được tiến hành trực tiếp giữa các bên liên quan với hình thức phù hợp nhất do các bên tự xác định. Nga sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Việc Nga ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế là do Nga chịu tác động, chi phối bởi nhiều yếu tố trong vấn đề Biển Đông. Đầu tiên, hòa bình, ổn định ở Biển Đông tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga.Vị thế địa chính trị của Nga ảnh hưởng quyết định đến sự phụ thuộc cố hữu tình trạng quan hệ quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ một sự ngắt quãng về môi trường an ninh ở Biển Đông sẽ có ảnh hưởng lên toàn bộ Tây Thái Bình Dương. Sự bất ổn định có thể tác động lên phía Bắc và đến các quốc gia Đông Bắc Á. Điều quan trọng hơn đó là vùng Viễn Đông của Nga giáp với Thái Bình Dương. Hợp tác công nghiệp, quan hệ thương mại khu vực và đầu tư từ các nền kinh tế châu Á là điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng có chất lượng ở vùng phía Đông của nước Nga. Một khi khu vực Biển Đông trở nên căng thẳng, mất ổn định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển kinh tế của vùng Viễn Đông của Nga. Theo thống kê, xuất khẩu dầu của Nga từ cảng Kozmino sang Đông Nam Á phải đi qua Biển Đông. Trong đó, xuất khẩu sang Malaysia chiếm 6,5%, Thái Lan chiếm 5,7%, Philippines chiếm 5,3% và Singapore chiếm 4,5% tổng xuất khẩu của Nga. Việc hội nhập vùng Viễn Đông của Nga với châu Á – Thái Bình Dương cũng phụ thuộc nhiều vào việc đảm bảo tự do hàng hải ở Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, trong số các quốc gia xung đột lãnh thổ với Trung Quốc còn có Việt Nam, đối tác chiến lược toàn diện của Nga và Nga đang có các dự án lớn về năng lượng đang triển khai trên thềm lục địa của nước này.

Thứ hai, quan hệ Nga – Trung ảnh hưởng lớn đến chính sách của Nga. Hiện nay, quan hệ Nga – Trung Quốc đang ngày càng được thắt chặt. Trung Quốc đang trở thành nhà nhập khẩu quốc phòng lớn nhất của Nga. Hai bên cũng đã ký các hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá hàng tỷ USD. Mối liên hệ kinh tế quan trọng này tác động không nhỏ đến quan điểm của Nga về tranh chấp Biển Đông cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, Nga cũng mong muốn giữ mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế. Việc châu Âu và Mỹ đóng cửa thị trường tài chính đối với Nga đã buộc phần lớn các công ty lớn của Nga phải tìm đến với Trung Quốc, thị trường duy nhất có khả năng tài chính ngang ngửa với phương Tây. Bên cạnh đó, trong số các nước phản đối Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông còn có cả các đối thủ của Nga trên trường đối ngoại. Theo giáo sư Carl Thayer, Nga cần thị trường để xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là khí đốt. Trung Quốc đã ký các thỏa thuận lớn để nhập khẩu khí đốt Nga và Bắc Kinh cũng là thị trường lớn nhập khẩu vũ khí và công nghệ Nga. Tuy nhiên, căng thẳng ở Biển Đông có ảnh hưởng đến lập trường Nga. Đầu tiên, Nga nói không đứng về bên nào trong tranh chấp và ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình tranh chấp trực tiếp giữa các bên liên quan dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Nga đồng thời phản đối bên thứ ba ngoài khu vực can thiệp vào tranh chấp. Bởi theo Tổng thống Nga V. Putin, “điều này sẽ chỉ làm tổn thương cách giải quyết vấn đề… gây bất lợi và phản tác dụng”. Nhưng hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa đến tự do hàng hải, hàng không của các tàu thuyền và máy bay trong khu vực. Có thể hiểu là ông Putin ủng hộ tự do hàng hải đối với hải quân Nga nhưng không quan tâm nếu Trung Quốc gây khó dễ đối với Mỹ. 

Thứ ba, Nga ngăn Mỹ can thiệp quá sâu vào các vấn đề của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nga cho rằng, việc Mỹ mượn cớ có lợi ích tại Biển Đông để củng cố, phát triển lực lượng hải quân và tìm cách thâu tóm các nguồn tài nguyên. Để ngăn cản Mỹ bành trướng, Nga sẽ phải hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, hoặc sẽ phải nhường Trung Quốc trên chính trường quốc tế để tìm kiếm sự đồng thuận của Bắc Kinh trong các sự kiện có lợi cho lợi ích quốc gia của Nga. Tuy nhiên, Nga cũng sẽ không hoàn toàn im lặng nếu Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ của hai quốc gia. 

Thứ tư, quan hệ Nga – Việt Nam cũng có tác động không nhỏ đến chính sách của Nga đối với vấn đề Biển Đông. Việt Nam là đối tác thân nhất với Nga và là đồng minh của Nga ở Đông Nam Á. Hơn thế nữa, Việt Nam còn là một trong những bạn hàng mua trang thiết bị vũ khí lớn nhất của Nga và là đối tác mang lại lợi ích đáng giá cho các hoạt động của các tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực như khai thác dầu khí, chế tạo máy móc, sản xuất năng lượng… Ở tầm cao hơn, quan hệ của Nga với Việt Nam còn được thúc đẩy do nhu cầu xác lập địa vị của Nga ở khu vực.

Thứ năm, các doanh nghiệp của Nga đang hợp tác khai thác dầu khí với nhiều nước Đông Nam Á.Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông, nó sẽ tác động lớn đến chương trình hợp tác khí đốt giữa Nga với Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nga và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện. Việt-Nga đang phát triển đề án chung về dầu khí ở Biển Đông và Nga cũng mong muốn trở lại Cam Ranh, đồng thời bán cho Việt Nam các vũ khí tiên tiến giúp Việt Nam nâng cao khả năng quốc phòng.

Thứ sáu, Đông Nam Á là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn của Nga. Nga muốn thu lợi từ những hợp đồng năng lượng, hạ tầng cơ sở và vũ khí. Nhờ tăng cường hợp tác với Việt Nam, kể cả hợp tác về công nghệ quân sự, xuất khẩu vũ khí, liên doanh trong các đề án năng lượng, Nga tạo ra một sự cân bằng lực lượng và quyền lợi chung ở Biển Đông và đồng thời đa dạng hóa được quan hệ đối tác với các nước châu Á. Giới chuyên gia phân tích quân sự nhận định Nga đang triển khai chính sách hai mặt đối với vấn đề Biển Đông, trong đó: Nga đang dựa vào buôn bán vũ khí để tăng nguồn thu; bán vũ khí là động lực của “kim ngạch thương mại” Nga – Trung và thậm chí có thể là nòng cốt của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước. Ngoài ra, Nga đang âm thầm tiến hành ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như các thỏa thuận mua bán vũ khí và năng lượng trị giá hàng tỷ USD với các bên tranh chấp khu vực. Điều này cho thấy Nga có các mục tiêu chiến lược, lợi ích và cả những hành động trực tiếp liên quan tới diễn biến tranh chấp ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới