Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại những đề xuất sửa đổi Hiến pháp, củng cố và...

Nhìn lại những đề xuất sửa đổi Hiến pháp, củng cố và khẳng định chủ quyền quốc gia trong Thông điệp Liên bang Nga năm 2020

Tổng thống Nga Putin đã trình bày Thông điệp Liên bang lần thứ 16 hôm 15/01/2020, trong đó đưa ra những đề xuất về sửa đổi Hiến pháp là các biện pháp tiếp theo nhằm củng cố và khẳng định chủ quyền quốc gia của nước Nga. Với một cường quốc như Nga, việc người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh vấn đề chủ quyền quốc gia, đã cho thấy xu thế chung của các nước hiện nay.

Trong Thông điệp Liên bang năm 2020, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga là một quốc gia có chủ quyền và quyền chủ quyền, đó là yếu tố vô điều kiện. Theo Tổng thống Putin, nước Nga đã làm được rất nhiều việc để khôi phục sự thống nhất đất nước và chấm dứt tình trạng một số chức năng quyền lực nhà nước bị chiếm đoạt bởi các tập đoàn “gia đình trị”. Hiện nay, cần phải tiếp tục đổi mới kinh tế – xã hội và sửa đổi hiến pháp để tạo dựng hệ thống chính trị ổn định, vững chắc, tin cậy, độc lập, không thể bị tổn thương do tác động từ bên ngoài nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia của Nga. Đây là điều kiện nhất thiết phải có để phát triển bền vững đất nước và bảo vệ lợi ích của nước Nga.

Tổng thống Putin khẳng định, nước Nga hiện nay không cần chạy đua vũ trang với bất kỳ quốc gia nào mà vẫn có tiềm lực quốc phòng mạnh hơn bao giờ hết, đủ khả năng vô hiệu hóa mọi nguy cơ xâm lược để bảo đảm môi trường hòa bình và an ninh nhằm tập trung phát triển đất nước. Đồng thời, nước Nga đã trở lại vũ đài chính trị thế giới như một quốc gia có chủ kiến mà các nước không thể không tính đến. Với vị thế đó, Nga đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm chống lại chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc lịch sử về Chiến tranh thế giới thứ hai và về vai trò của Liên Xô trong cuộc đấu tranh nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nước Nga khẳng định chủ quyền quốc gia của mình. Trên cơ sở đó, Tổng thống Putin đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Hiến pháp của Liên bang Nga nhằm tiếp tục khẳng định Nga là một quốc gia có chủ quyền, trong đó tự do, nhân quyền, phẩm giá của con người và hạnh phúc của nhân dân là những giá trị cao quý nhất.

Khoản 4 Điều 15 của Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua năm 1993 quy định: “Những nguyên tắc và tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đã được thừa nhận cùng với các hiệp ước quốc tế mà Nga ký kết cũng là bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật của Nga. Nếu hiệp ước quốc tế do Liên bang Nga ký kết quy định những điều luật khác với luật pháp Nga thì sẽ áp dụng các điều luật của hiệp ước quốc tế”. Với những quy định này, chủ quyền quốc gia của Nga đã bị hạ thấp. Do đó, Tổng thống Putin đề nghị sửa đổi nội dung điều khoản này như sau: “Những yêu cầu của luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế, cũng như các quyết định của các cơ quan quốc tế chỉ có thể có hiệu lực trên lãnh thổ Nga một khi chúng không hạn chế các quyền lợi và quyền tự do của công dân Nga, không mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang Nga”. Đề xuất của Tổng thống Putin về những sửa đổi này trong Hiến pháp Liên bang Nga nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của Nga trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây không ngừng đơn phương đưa ra các quyết định nhằm chống phá Nga. Như sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014, Mỹ và các nước phương Tây đơn phương áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, hoàn toàn trái với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thậm chí loại Nga ra khỏi Nhóm các nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) và Hội đồng châu Âu.

Khoản 1 Điều 62 của Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “Theo luật pháp liên bang hoặc hiệp ước quốc tế, công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch nước ngoài (quốc tịch kép)”. Khoản 2 Điều 62 quy định: “Việc các công dân Nga có quốc tịch nước ngoài sẽ không hạn chế quyền và quyền tự do của họ, cũng không loại bỏ trách nhiệm công dân Nga của họ nếu không có những quy định khác trong luật pháp liên bang hoặc trong hiệp ước quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết”. Về những điều khoản này, Tổng thống Putin đề xuất sửa đổi để bảo đảm an ninh quốc gia và chủ quyền của đất nước. Nội dung sửa đổi là: “Các công dân Nga là những người đứng đầu các chủ thể của Liên bang Nga, các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Hạ viện Nga, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng Liên bang, người đứng đầu các cơ quan hành pháp và tư pháp liên bang khác không được có quốc tịch nước ngoài, không được có giấy phép cư trú hoặc bất kỳ loại giấy tờ nào khác cho phép họ cư trú thường xuyên trên lãnh thổ một quốc gia khác”. Riêng đối với những người muốn ra tranh cử Tổng thống Liên bang Nga, Tổng thống Putin đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn, theo đó những người đó phải cư trú thường xuyên trên lãnh thổ Nga không dưới 25 năm, không có quốc tịch nước ngoài hoặc giấy phép cư trú ở quốc gia khác không chỉ trong thời gian tham gia bầu cử mà còn cả những thời gian trước đó. Những đề xuất sửa đổi này trong Hiến pháp của Nga có ý nghĩa như là “quốc hữu hóa” giới tinh hoa chính trị của Nga.

Nội dung sửa đổi này trong Hiến pháp Liên bang Nga nhằm hiến định Đạo luật được thông qua ngày 14/7/2006 cấm các quan chức trong các cấp chính quyền của Nga có quốc tịch thứ hai hoặc quyền định cư ở nước ngoài. Do Đạo luật này đã không được thực thi nghiêm nên tính đến ngày 14/5/2019 vẫn có nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nga có quốc tịch thứ hai hoặc quyền định cư ở nước ngoài và nhiều quan chức khác của Chính phủ, Quốc hội Nga cũng có quyền tương tự. Theo nhận định của Anatoli Zyganov, Phó Giáo sư Khoa Chính trị thế giới (Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow), Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự, thuộc Viện Nghiên cứu chính trị – quân sự của Nga, một khi các quan chức cao cấp trong hệ thống chính trị của Nga có quốc tịch hoặc quyền định cư ở nước ngoài thì họ sẽ không làm việc và hành động vì lợi ích của nước Nga nữa mà sẽ vì lợi ích cá nhân của chính họ. Lợi dụng điểm này, trong Đạo luật cấm vận Nga của Quốc hội Mỹ đã đưa ra các biện pháp đe dọa đóng băng tài khoản của các quan chức trong hệ thống chính trị của Nga nếu họ không hành động chống lại Tổng thống Putin.

Ngoài ra, ông Putin còn đề xuất bổ sung một số nội dung trong Hiến pháp Liên bang Nga, theo đó tăng thêm quyền lực và trách nhiệm cho Quốc hội Nga trong việc lựa chọn các thành viên nội các và hạn chế một số quyền lực của Tổng thống nhằm xây dựng một hệ thống chính trị cân bằng quyền lực giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp theo thể chế nghị viện – tổng thống. Theo Tổng thống Putin, với lãnh thổ rộng lớn, cấu trúc lãnh thổ quốc gia phức tạp, với tính đa dạng của truyền thống văn hóa và lịch sử, nước Nga không thể phát triển bình thường nếu tồn tại dưới hình thức chế độ cộng hòa đại nghị đơn thuần mà phải là một quốc gia theo thể chế cộng hòa – tổng thống mạnh mẽ. Theo đó, Tổng thống Nga cần phải giữ quyền xác định các nhiệm vụ và ưu tiên hoạt động của Chính phủ, cũng như quyền bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng trong trường hợp thực thi nhiệm vụ không đúng hoặc làm mất niềm tin; quyền lãnh đạo trực tiếp các lực lượng vũ trang và toàn bộ hệ thống thực thi pháp luật.

Ngay sau khi kết thúc Thông điệp Liên bang lần thứ 16, Tổng thống Putin chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Dmitry Medvedev và bổ nhiệm nội các mới do ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng. Theo tuyên bố của ông Medvedev, nội các từ chức nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống Putin tiến hành cải cách hệ thống chính trị. Trước mắt, nhiệm vụ của nội các mới sẽ thực hiện các định hướng phát triển kinh tế – xã hội đề ra trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin. Còn về lâu dài, nội các mới sẽ đưa Nga phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, mặc dù nước Nga vẫn bị Mỹ và một số nước phương Tây cấm vận. Với những cải cách đó, Nga sẽ tiếp tục phát triển bền vững cả về kinh tế và chính trị, tạo tiền đề cho sự chuyển giao quyền lực êm thấm vào năm 2024 khi đương kim Tổng thống Putin sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới