Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAnh và EU “bất đồng nghiêm trọng” về mối quan hệ trong...

Anh và EU “bất đồng nghiêm trọng” về mối quan hệ trong tương lai

Sau vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên về một thỏa thuận mới thời hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier đã lên tiếng thừa nhận tồn tại “những bất đồng nghiêm trọng” giữa Anh và EU về mối quan hệ song phương trong tương lai.

Tiến trình đàm phán được khởi động chỉ hơn một tháng sau khi Anh rời EU. Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên từ ngày 2 đến 5-3 vừa qua tại Brussels (Bỉ). Mục tiêu mà Anh và EU đặt ra khi đàm phán là phải đạt được một thỏa thuận về quan hệ song phương trong tương lai trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 31-12-2020, từ đó tạo điều kiện để các nội dung trong thỏa thuận này bắt đầu được khởi động từ năm 2021. Sự tham gia của đội ngũ quan chức và chuyên gia đàm phán lên đến hơn 200 người phần nào cho thấy quyết tâm của cả Anh và EU trong việc đạt được một thỏa thuận toàn diện.

Sau khi vòng đàm phán đầu tiên kết thúc, ông Michel Barnier nhấn mạnh hiện vẫn còn 4 điểm khác biệt lớn giữa EU và Anh. Một là, phía Anh không muốn đưa ra các quy tắc chung ràng buộc về mặt pháp lý trong lĩnh vực cạnh tranh và kinh doanh. Hai là, Anh từ chối chấp nhận nghĩa vụ thực thi Công ước châu Âu về quyền con người, đồng thời không công nhận các quyết định của Tòa án Công lý châu Âu trên lãnh thổ nước mình, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hợp tác giữa cảnh sát EU và Anh. Ba là, Anh muốn ký kết một loạt thỏa thuận với EU về các lĩnh vực hợp tác khác nhau trong khi EU đề xuất tập hợp thành một thỏa thuận liên kết bao trùm toàn bộ. Cuối cùng là về đánh bắt cá, EU muốn đưa ra chi tiết hạn ngạch cho các vùng biển và các loài cá, còn phía Anh đề nghị tuân thủ nguyên tắc tiếp cận bình đẳng với vùng biển của nhau. “Những khác biệt giữa hai bên không có gì là đáng ngạc nhiên, nhất là chỉ sau một vòng đàm phán. Tôi nghĩ một thỏa thuận vẫn khả thi, dù cho rất khó khăn”, AP dẫn lời ông Michel Barnier.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Chính phủ Anh nhận định, vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra trên tinh thần xây dựng và nghiêm túc, song một thỏa thuận là “khó khăn”. Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan tuyên bố EU và Anh khởi động tiến trình đàm phán về mối quan hệ trong tương lai đã giúp bầu không khí được cải thiện sau nhiều tuần London đưa ra những bình luận tiêu cực.

Theo AP, vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại thủ đô London của Anh vào ngày 18-3 tới. Cứ khoảng 2-3 tuần, hai bên sẽ tiến hành một vòng đàm phán luân phiên giữa London và Brussels cho đến ngày 30-6 tới, như mốc thời gian đề ra trong thỏa thuận Brexit. Anh và EU dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới để quyết định xem liệu có cần phải tiếp tục đàm phán hay không.

Lịch trình đàm phán gấp gáp như vậy đang là sức ép bởi Anh và EU phải vượt qua các bất đồng không hề nhỏ để vừa đạt được thỏa thuận, vừa kịp triển khai đúng thời gian. Nhiều chuyên gia cảnh báo Anh và EU sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay nếu hai bên không chịu nhân nhượng. Trong trường hợp này, cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là Anh và Ireland-thành viên EU phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại với London. Theo tính toán của các chuyên gia từ Liên hợp quốc, nếu không đạt được thỏa thuận nào với EU, nước Anh sẽ mất đến 29 tỷ euro (32 tỷ USD) doanh thu xuất khẩu mỗi năm khi EU là điểm đến của gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Anh.

RELATED ARTICLES

Tin mới