Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ và nguy cơ hủy...

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của TQ và nguy cơ hủy hoại môi trường Biển Đông

Trong quá trình thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã hủy hoại môi trường đến đâu là câu hỏi được các nhà nghiên cứu quan tâm. Theo dõi những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong 10 năm qua, người ta đều nhận thấy Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn ở đâu đều gắn liền với việc phá hoại môi trường biển.

Các nghiên cứu cho thấy Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở bất kỳ nơi nào thì trước đó đều có đội tàu khai thác ngao của Trung Quốc xuất hiện ở đó.

Bắt đầu từ những năm 2010, những ngư dân Trung Quốc khai thác ngao đã tỏa đi khắp Biển Đông trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ nhưng lại được sự hộ tống bởi những tàu cỡ lớn đóng vai trò là tàu mẹ. Họ đi xa hơn nhiều khỏi vùng biển của Trung Quốc, đến tất cả các vùng biển trong phạm vi “đường lưỡi bò” do họ tự vẽ ra một cách mơ hồ ở Biển Đông, thậm chí đến cả những vùng biển rõ ràng thuộc về các nước láng giềng.

Khi hạm đội tàu đánh cá của Trung Quốc tìm thấy một rạn san hô, ngư dân lên những chiếc thuyền nhỏ và sử dụng những cánh quạt máy bằng đồng khuấy nát các rạn san hô cho đến khi những con ngao lộ ra. Công việc tìm kiếm này không dễ nhưng lợi nhuận mang lại lớn đã khiến họ bất chấp tất cả. Những con ngao khổng lồ có thể rộng đến 1,2m, cân nặng lên tới 180kg, có giá lên đến hàng chục nghìn USD trên thị trường Hải Nam. Đặc biệt, những chiếc vỏ ngao khổng lồ sau khi được chế tác thành những tác phẩm điêu khắc tinh xảo còn có thể bán được cả triệu USD.

Giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami, Mỹ, ông John McManus cho biết, có tới hơn 25.000 rạn san hô đã bị tàu thuyền Trung Quốc phá hủy theo cách này. Phát hiện của McManus là một trong những bằng chứng được Tòa Trọng tài xem xét khi đưa ra phán quyết trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc.

Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc ngày càng đông và hiện đại hơn và ảnh hưởng tồi tệ hơn đối với hệ sinh thái, sinh sản và sinh tồn của các loài cá.

Các đội tàu cá thường được Trung Quốc sử dụng như một đội quân tiên phong trong việc thực hiện tham vọng mở rộng quyền kiểm soát tuyến đường biển quan trọng bậc nhất thế giới ở Biển Đông với sự bảo vệ bởi các tàu vũ trang của lực lượng hải cảnh, kiểm ngư và dân quân biển của Trung Quốc … hòng đẩy ngư dân các nước láng giềng ra khỏi ngư trường truyền thống của họ.

Sau một thời gian các tàu cá chiếm lĩnh ngư trường thì động thái tiếp theo thường là quân đội Trung Quốc tiến hành nạo vét các bãi cạn, rạn san hô rồi bồi đắp, mở rộng và xây dựng các đảo nhân tạo, xây dựng đường băng, cầu cảng cỡ lớn, bố trí trên đó các thiết bị quân sự, thậm chí là cả tên lửa

Đánh giá về cách làm của Trung Quốc, ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng, việc thu hoạch ngao khổng lồ phục vụ chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền kiểm soát biển, đáy biển và không phận phía trên vùng biển đó; bất kỳ nơi nào Trung Quốc có ý định bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép thì đội tàu khai thác ngao đều xuất hiện ở đó trước tiên.

Sau khi cơ bản hoàn tất việc quân sự hóa các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng tại Trường Sa thì mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới là biến bãi cạn Scarborough thành căn cứ quân sự để tạo thành tam giác chiến lược khống chế toàn bộ Biển Đông.

Năm 2012, rất nhiều tàu cá Trung Quốc đã đến khu vực bãi cạn Scarborough để khai thác ngao khổng lồ, để xua đuổi ngư dân Philippines và các nước khác ra khỏi khu vực này. Tiếp đó, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã khống chế và chiếm luôn bãi cạn Scarborough, đồng thời Trung Quốc lên kế hoạch bồi đắp, mở rộng bãi cạn này thành đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này.

Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc chưa thể thực hiện được ý đồ xây đảo và quân sự hóa ở khu vực này do gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của công luận và quyết liệt của Mỹ, đồng minh của Philippines. Mỹ đã mắc sai lầm khi tin vào cam kết của Trung Quốc khuyên Philippines rút tàu ra khỏi bãi cạn Scarborough năm 2012 để rồi Trung Quốc khống chế và chiếm luôn bãi cạn này từ đó. Đây là bài học để Mỹ phải có thái độ quyết liệt hơn khi Trung Quốc có ý đồ quân sự hóa Scarborough.

Qua vụ việc tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của tàu hải cảnh hoạt động đánh bắt trái phép trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia cuối tháng 12/2019, đầu tháng 1 vừa rồi là một biểu hiện cho thấy Trung Quốc đang lấn tới cả những vùng biển xa hơn ở phía Nam Biển Đông.

Câu chuyện ở đây không đơn thuần chỉ là bảo tồn loài ngao khổng lồ mà là việc cứu toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông – nơi cung cấp khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu. Nếu đây vẫn tiếp tục là một phần trong chiến thuật của Trung Quốc để kiểm soát Biển Đông thì mục tiêu giữ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Mỹ, Nhật, Úc, Ấn đang thúc đẩy càng đối mặt với nhiều thách thức hơn. Rõ ràng Mỹ đã nhận thức rõ vấn đề nên ngày càng tỏ thái độ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trên vấn đề Biển Đông cả trong lời nói lẫn bằng hành động thực tế (FONOP).

Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye được cho là đòn giáng mạnh vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông khi bác bỏ hầu hết các đòi hỏi của Trung Quốc trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Toà Trong tài đã làm sáng tỏ các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc là vi phạm nghĩa vụ của nước này bảo vệ và bảo tồn môi trường biển bao gồm nghĩa vụ của nước này phải tiến hành đánh giá ảnh hưởng đến môi trường cho các hoạt động đã được lên kế hoạch phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và phải công bố kết quả của việc đánh giá đó; các hoạt động xây dựng của Trung Quốc cũng phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã phớt lờ tất cả, tiếp tục cho các tàu cá xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng, tiếp tục các hoạt động phá hoại môi trường biển ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Đông, các quốc gia ven Biển Đông cần cùng nhau góp tiếng nói chung, lên án hành vi hủy hoại môi trường của Trung Quốc, yêu cầu họ tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế về bảo tồn môi trường ở Biển Đông.

Cần phải nêu vấn đề môi trường mạnh mẽ hơn ở các diễn đàn quốc tế, kể cả Liên hợp quốc để cho những người cầm quyền ở Bắc Kinh biết rằng, họ đang hủy hoại những tài sản chung của cả nhân loại và để cả cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất bá quyền, bành trướng của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới