Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tăng tốc chế tạo tàu đổ bộ Type-075 nhằm chuẩn bị...

TQ tăng tốc chế tạo tàu đổ bộ Type-075 nhằm chuẩn bị đối phó các xung đột trên biển

Việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa hải quân, nhất là chế tạo các loại tàu đổ bộ cỡ lớn cho thấy nước này không chỉ muốn giới hạn trong các cuộc tấn công chớp nhoáng như đối với các xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan, mà thậm chí sẽ hoạt động xa bờ, mang tính viễn chinh rộng ra khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngay sau khi thông tin Trung Quốc chuẩn bị hạ thủy tàu đỏ bộ cỡ lớn thứ hai Type 075, giới chuyên gia và truyền thông khu vực, quốc tế cho rằng việc này cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong nỗ lực thúc đẩy hiện đại hóa hải quân đủ năng lực tác chiến tại các vùng biển xa.

Type 075 của hải quân Trung Quốc dài 250m, chiều rộng 30m, mớn nước 8m, lượng giãn nước đầy tải 40.000 tấn, và có thể di chuyển với vận tốc tối đa khoảng 23 hải lý trên giờ tương đương với khoảng 42,5 km/h. Tàu có khả năng mang 30 trực thăng các loại trong khoang chứa phía trong, ngoài ra có 4 thang máy nâng hạ để phục vụ việc đưa máy bay từ trong ra ngoài mặt boong. Những loại trực thăng dự kiến sẽ được Trung Quốc đưa lên tàu đổ bộ Type 075 bao gồm trực thăng săn ngầm hạng nhẹ Z-9D hoặc loại hạng trung Z-20, đi kèm trực thăng vận tải hạng nặng Z-8.Đặc biệt, Z-9 còn có thể phóng tên lửa đối không và tích hợp cả khả năng săn tàu ngầm. Chính vì thế, tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Z-8 hay Z-9 có thể được triển khai cho các hoạt động tấn công đảo, đổ bộ tấn công quy mô lớn vào đất liền. Ngoài ra, Type 075 còn có khả năng triển khai lính thủy đánh bộ theo cách truyền thống thông qua xuồng đệm khí và xe thiết giáp lội nước.

Theo Tiến sỹ Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định tốc độ đóng mới tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng thứ 2 thuộc Type-075 phản ánh nhiều thực tế trong việc hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc. Dường như dự án tàu vận tải đổ bộ lớp Type-071 đang bị chững lại – dù đã đóng được 7 chiếc. Qua đó, nhiều khả năng hải quân Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển tàu đổ bộ cỡ lớn, mà Type-075 đóng vai trò trọng tâm nhằm tăng cường cả khả năng đổ bộ lẫn tấn công. Thực tế, đến nay thì các tàu vận tải đổ bộ loại nhỏ hơn vẫn đang đóng vai trò chủ chốt đối với hải quân Trung Quốc. Nhưng đây là mô hình có từ thời Chiến tranh Lạnh, nên có lẽ không còn phù hợp với tham vọng mà Bắc Kinh đặt ra. Việc tập trung phát triển tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn như Type-071, rồi tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075 phản ánh rõ hơn mục tiêu thể hiện sức mạnh mà hải quân Trung Quốc hướng đến. Ngoài ra, nó còn cho thấy Bắc Kinh không chỉ muốn giới hạn trong các cuộc tấn công chớp nhoáng như đối với các xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan, mà thậm chí sẽ hoạt động xa bờ, mang tính viễn chinh rộng ra khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cảnh báo dù trong lúc cả thế giới đang ứng phó với dịch Covid-19 thì cũng đừng nên bỏ lơ mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc gần đây không hề giảm bớt tần suất tăng cường quân sự. Bằng chứng là việc đang không ngừng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chiếc thứ hai thuộc lớp tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075. Đây là loại khí tài mang theo một lượng binh sĩ lớn cùng nhiều loại vũ khí hạng nặng mà có thể dùng đến cho các cuộc tấn công nhằm vào một số quốc gia ven Biển Đông, hay bên kia eo biển Đài Loan và thậm chí là mục tiêu xa hơn ở Ấn Độ Dương. Những chiếc tày Type-075 thể hiện cho tham vọng đó của Bắc Kinh.

Được biết, trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khiến cho quân đội nước này trở nên hùng mạnh, hiệu quả và tiến bộ hơn về công nghệ để trở thành lực lượng hàng đầu trong vòng 30 năm tới. Với ngân sách tăng vọt trong thập kỷ qua, PLA đã được xếp vào hàng ngũ các quân đội hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có trí tuệ nhân tạo và tên lửa đạn đạo chống hạm. Các chuyên gia cảnh báo rằng sau khi được hiện đại hóa, quân đội Trung Quốc có thể trở nên quyết đoán hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tăng cường sức ép đối với Đài Loan và tiếp tục quân sự hóa các đảo bị tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Đáng chú ý, tiến trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc được đặc biệt chú trọng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Theo đo, ông Tập Cận Bình đã tập trung thực hiện những thay đổi lớn về mặt cơ cấu. Những cải cách quan trọng nhất của ông bao gồm việc sáp nhập các vùng tác chiến, cắt giảm mạnh về nhân sự và cải thiện hợp tác dân sự-quân sự. Ông đang đẩy mạnh chuyển đổi PLA từ một lực lượng chủ yếu hoạt động trên đất liền thành một thế lực hùng mạnh trên biển. Hải quân Trung Quốc đã được mở rộng với tốc độ đầy ấn tượng, trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính về số lượng tàu. Năm 2016, Hải quân Trung Quốc đã đưa 18 tàu vào hoạt động, trong khi đó Hải quân Mỹ mới chỉ có 5 tàu. Chất lượng tàu của PLA cũng đã được cải thiện: Theo ghi nhận của tổ chức RAND, hơn 70% hạm đội của PLA có thể được xếp vào loại hiện đại trong năm 2017, tăng so với mức dưới 50% trong năm 2010. Các chuyên gia cho biết với quân số ước tính 250.000 binh sĩ đang tại ngũ, Hải quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng chiếm ưu thế tại các vùng biển gần Trung Quốc và đang tiến hành nhiều hoạt động hơn ở những vùng biển xa hơn. Một trong những ưu tiên của Trung Quốc trong công cuộc hiện đại hóa quân sự là trang bị thêm tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Trung Quốc có hai tàu sân bay, trong khi đó Mỹ có 11 tàu. Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được chế tạo trong nước và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022.

RELATED ARTICLES

Tin mới