Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ phóng tên lửa ở biển Philippines: Răn đe các hành...

Mỹ phóng tên lửa ở biển Philippines: Răn đe các hành động phi pháp của TQ

Từ đầu Tháng 3 đến nay, Mỹ liên tục tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực nhằm thể hiện cam kết về việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Ngay sau khi Hạm đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ thăm Việt Nam, tiến hành tuần tra, tập trận với nhiều tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tuần dương hạm USS Shiloh đã phóng tên lửa đối không SM2 (với tầm bắn gần 170 km) trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Philippines. Hành động trên được cho là răn đe, cảnh cáo các hành động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Theo thông tin do Hạm đội 7 của Mỹ cung cấp, hai chiến hạm Mỹ đã phóng tên lửa trong cuộc tập trận bắn đạn thật và thực hiện chiến dịch liên quan đến thông tin tác chiến ở biển Philippines, gần Biển Đông. Hiện tàu USS Barry hiện đang thực hiện chiến dịch hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết cuộc tập trận này không phổ biến và có thể xem là một lời cảnh báo cho PLA. Mỹ đang lo lắng về tên lửa của Trung Quốc mà Bắc Kinh có thể sử dụng làm quân “át chủ bài” trong cuộc xung đột quân sự nếu có giữa hai bên trong khu vực. Hạm đội 7 muốn cảnh báo Bắc Kinh rằng họ có thể đánh chặn tên lửa từ Trung Quốc. Li Jie, chuyên gia về hải quân ở Bắc Kinh, đồng ý rằng cuộc tập trận bắn đạn thật của Mỹ là thông điệp gửi đến Trung Quốc và xa hơn là Nga. Theo đó, “Hải quân Mỹ muốn nói với Trung Quốc rằng họ có thể chống lại tên lửa tiên tiến của PLA”. Trong khi đó, Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh hàng hải, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Mỹ, cho biết các bản nâng cấp hệ thống chiến đấu của Mỹ là rất quan trọng, vì PLA đang cố gắng thu hẹp khoảng cách phần cứng, phần mềm và đào tạo so với quân đội Mỹ. Ông Koh cho biết thêm khi Mỹ chuyển trọng tâm sang Ấn Độ – Thái Bình Dương, Biển Philippines sẽ là một chiến trường quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Được biết, tuần dương hạm USS Shiloh thuộc lớp Ticonderoga. Tàu có chiều dài 173m; rộng 16,8m; lượng giãn nước đầy tải 9.800 tấn. Tàu được trang bị 4 động cơ turbin khí General Electric LM2500 giúp đạt tốc độ tối đa 33,2 hải lý/h, tầm hoạt động 3.300 hải lý, vỏ tàu được trang bị lớp giáp Kevlar tại một số vị trí quan trọng. Ngoài ra đây cũng là lớp tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống Aegis với các radar mảng pha AN/SPY-1 lắp vào phần thượng tầng. Ngoài radar AN/SPY-1, tuần dương hạm lớp Ticoderoga còn được trang bị nhiều loại radar khác như radar cảnh giới đường không AN/SPS-49, radar kiểm soát hỏa lực AN/SPG-62. Vũ khí trang bị trên tuần dương hạm lớp Ticonderoga bao gồm: 2 pháo hạm Mk-45 cỡ nòng 127mm, 8 tên lửa hành trình chống hạm Harpoon bố trí phía sau đuôi tàu. Ban đầu, các tàu lớp Ticonderoga được trang bị 2 bệ phóng Mk-26 với 68 tên lửa phòng không SM-2 nhưng sau này Hải quân Mỹ đã tiến hành nâng cấp khả năng chiến đấu cho con tàu bằng việc thay thế 2 bệ phóng Mk-26 bằng 2 cụm bệ phóng thẳng đứng Mk-41 với tổng cộng 122 ống phóng sử dụng cho nhiều loại vũ khí như họ tên lửa SM (SM-2, SM-3), tên lửa Sea Sparrow, tên lửa hành trình Tomahawk. Ngoài ra, các tuần dương hạm Ticonderoga còn trang bị 2 hệ thống CIWS Phalanx, 2×3 ống phóng ngư lôi Mk-32 cỡ 324mm cùng các tên lửa chống ngầm bố trí trong bệ phóng Mk-41, ở đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng săn ngầm SH-60B.

Trong khi đó, PLA đã phát triển 2 loại tên lửa có thể gây ra mối đe dọa lớn cho Hải quân Mỹ, gồm sát thủ tàu sân bay DF-21D và sát thủ đảo Guam DF-26. Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, có vận tốc lên tới Mach 10, mang đầu đạn hạt nhân 300 Kiloton hoặc mang theo 900 kg đầu đạn, tầm bắn 2.000 km, có thể lắp nhiều đầu đạn, bán kính sát thương của nó có thể đạt 300-500 m. Hiện DF-21D được Trung Quốc triển khai dọc bờ biển ở các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông và Liêu Ninh để răn đe các tàu chiến của Hải quân Đài Loan, Nhật Bản, thậm chí là của Hạm đội 7 Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan. Tên lửa có chiều dài khoảng 10 m, trọng lượng phóng khoảng 15 tấn, tầm bắn khoảng 1.450km, bán kính lệch mục tiêu CEP khoảng 40m.

DF-26 từng được truyền thông Trung Quốc và các chuyên gia quốc phòng đặt cho biệt danh “Kẻ giết người Guam”, khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 – 1,8 tấn, tên lửa DF-26 là một trong những loại vũ khí tiên tiến nhất của TQ; tên lửa được dẫn đường bằng radar, có khả năng cơ động để bám sát các mục tiêu đang di chuyển; tầm bắn khoảng 4.500km, tên lửa này có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ ở phía Đông và Indonesia ở phía Tây. DF-26 được đưa vào sử dụng tháng 4/2017 và lần đầu được biết tới trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2015. Với tầm bắn như vậy, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng DF-26 tấn công thẳng vào lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam hoặc có thể dùng DF-26 để nhắm mục tiêu vào các tàu chiến trên biển, trong trường hợp có chiến tranh. Ngoài ra, những quả tên lửa khổng lồ (nặng khoảng 20 tấn) này cũng có khả năng đe doạ các tàu sân bay lớp Nimitz, thậm chí các siêu tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Ford của Mỹ. Trong khi đó, theo phân tích của tờ National Interest (Mỹ), có ít nhất 2 phiên bản của tên lửa DF-26, bao gồm DF-26A và DF-26B. Các phiên bản này có trang bị đầu đạn khác nhau, cũng như các thiết bị dẫn đường riêng biệt. Trong đó, một phiên bản có lẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu cố định trên mặt đất và có khả năng trang bị kép đầu đạn thông thường/hạt nhân với độ sai lệch khoảng 150 – 450m. Tuy nhiên, một biến thể tên lửa DF-26 chống hạm sẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu trên biển và trên bộ với độ chính xác cực kỳ cao. Theo đó, độ sai lệch sẽ là rất nhỏ, ước tính có thể chỉ vào khoảng 10m. Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước.Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động.

RELATED ARTICLES

Tin mới