Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChỉ trích chính quyền Trung Quốc không phải là ‘bài Trung’ và...

Chỉ trích chính quyền Trung Quốc không phải là ‘bài Trung’ và phân biệt chủng tộc

Bằng cách bao bọc bản thân trong những ngôn luận hùng biện của chủ nghĩa dân tộc, Đảng Cộng sản Trung Quốc thường tuyên bố rằng việc phê phán các hành động của nó tương đương với sự phê phán chính người dân Trung Quốc. Đây là một chiến thuật tuyên truyền được cố tình dàn dựng. 

 

Trên là dòng mở đầu bài bình luận có tựa đề “Việc chỉ trích cách hành xử đối với dịch viêm phổi Vũ Hán của chính quyền Trung Quốc không phải là một hành vi phân biệt chủng tộc” của tác giả Marcus Kolga trên tạp chí Maclean’s của Canada. Kolga là một chiến lược gia về truyền thông kỹ thuật số và là một chuyên gia có hiểu biết về các mánh khóe tung tin giả của truyền thông nước ngoài. Ông là thành viên cấp cao tại Trung tâm Thúc đẩy Lợi ích của Canada ở nước ngoài trực thuộc Viện Macdonald-Laurier. Dưới đây là nguyên văn bài viết của ông:

Khi chúng ta chỉ trích hành động của các chính phủ được điều hành bởi những lãnh đạo chuyên quyền và độc tài, ví như ở Nga và Trung Quốc, chúng ta cần phải nhớ rằng người dân của những nước này không phải là đối tượng chịu trách nhiệm cho sự lạm dụng và sơ suất của chính phủ của họ; trên thực tế, họ ngược lại chính là những nạn nhân chịu hại nhiều nhất.

Chẳng hạn, người dân Trung Quốc không cần phải chịu trách nhiệm cho việc chính phủ của họ bắt giam bất hợp pháp 3 công dân Canada là Michael Kovrig, Michael Spavor và Hussein Celil. Mà đó là do sơ suất mang tính hình sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trực tiếp góp phần vào sự bùng nổ mất kiểm soát của dịch viêm phổi ở Vũ Hán, và đại dịch trên toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt ngày hôm nay. Trên thực tế, tôi rất nghi ngờ việc các gia đình nạn nhân của đại dịch này ở Trung Quốc hiện đang ăn mừng hành động của chính phủ của họ.

Khi chúng ta chỉ trích hành động của các chính phủ này, chúng ta phải rất cụ thể và chính xác trong việc hướng sự chỉ trích của chúng ta về phía những người đương quyền. Trong trường hợp của Trung Quốc, Đảng Cộng sản là người nắm quyền lực tối đa, cũng như ở Nga, là chính quyền của Putin. Trong cả hai trường hợp, người dân của các quốc gia này không có tiếng nói đáng kể trong quá trình ra quyết sách của chính phủ, ngược lại họ sẽ phải đối mặt với việc bị bắt giữ và bỏ tù nếu chỉ trích nhà cầm quyền.

 

Bằng cách khái quát hóa sự bất đồng và phẫn nộ của chúng ta thành ra nhắm vào người dân của các chính quyền này, chúng ta đang có nguy cơ làm tổn thương và bêu xấu cộng đồng người dân nước này, và điều này chính nó lại bị lợi dụng trực tiếp trong các chiến dịch tuyên truyền được các chế độ đó dựng lên chống lại thế giới phương Tây, bao gồm cáo buộc về sự “phân biệt chủng tộc”.

Các chế độ độc tài thường dán nhãn cho các chỉ trích của nước ngoài đối với các chính sách của họ là “phân biệt chủng tộc” như một cách thức để vô hiệu hóa chúng và phân cực tranh luận. Bằng cách bao bọc bản thân trong những luận điệu của chủ nghĩa dân tộc, những chế độ này thường sẽ tuyên bố rằng sự phê phán đối với hành động của chính quyền cũng bằng như sự phê phán đối với chính người dân nước đó; do đó chúng ta cần phải cẩn trọng với cách dùng từ và cảnh giác trước những nỗ lực tuyên truyền của các chế độ độc tài. Bởi đó vốn là một chiến thuật xác thực đã được dùng đi dùng lại trong bài vở của những chính quyền đó. 

Năm ngoái, Lu Shaye, cựu đại sứ Trung Quốc tại Canada, đã cáo buộc chính phủ Canada với cái mác “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng (white supremacy)”, khi Canada yêu cầu trả tự do cho những công dân bị giam giữ tại Trung Quốc, một động thái đáp trả việc Canada tuân thủ yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ đối với giám đốc tài chính Huawei bà Mạnh Vãn Châu.

Tuần trước, Liên minh châu Âu EU đã công bố một báo cáo cảnh báo rằng tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách lợi dụng đại dịch COVID-19 để gây bất ổn cho các quốc gia phương Tây và làm suy yếu liên minh của chúng ta. Báo cáo nói rằng chiến dịch tung tin giả của chính phủ Nga được thiết kế để “làm gia tăng cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở các nước phương Tây, đặc biệt bằng cách làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, từ đó ngăn chặn một chiến dịch ứng phó hiệu quả đối với dịch bệnh”.

Trong trường hợp không có bất kỳ bằng chứng nào có thể bác bỏ tuyên bố trên của EU, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov vẫn buộc tội EU với cái mác “chủ nghĩa bài Nga”, trong một nỗ lực nhằm đe dọa các nhà hoạch định chính sách, phê bình và truyền thông châu Âu để họ phải im lặng.

 

Chiến thuật tương tự cũng đã được chính phủ Nga sử dụng để làm mất uy tín các chính khách Canada, như phó thủ tướng Chrystia Freeland, khi gốc gác Ukraina của bà đã được viện dẫn như một nhân tố tác động đến các quyết sách điều hành chính phủ của bà. Những nhà phê bình Putin, ví như tôi, cũng bị dán nhãn là “người theo chủ nghĩa bài Nga” khi ủng hộ luật nhân quyền Magnitsky của Canada, một đạo luật được coi là chính sách ủng hộ người dân nước Nga nhất (không phải ủng hộ chính phủ Nga!) mà bất kỳ chính phủ phương Tây nào cũng có thể áp dụng, theo nhà lãnh đạo phe đối lập dân chủ Nga bị ám sát, Boris Nemtsov.

Tuy nhiên, mối quan tâm của những người Canada đang lo lắng về các cộng đồng dân tộc bị kỳ thị bởi đại dịch toàn cầu cũng không nên bị bác bỏ. Như tác giả Josh Rogin của tờ Washington Post gần đây có chỉ ra, cách gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc” của Tổng thống Trump gần đây, là “một cách gọi đơn giản nhưng chính xác về mặt kỹ thuật”, nhưng cách gọi này đã các nhà tuyên truyền của ĐCSTQ sử dụng nó để làm kích động tình cảm chống Trump và chống phương Tây.

Nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu Trung Quốc hiện đang định cư tại Mỹ Dương Kiến Lợi (Jianli Yang) đã nói với tôi rằng ông ấy “có thể không thích thuật ngữ ‘virus Trung Quốc’ mà Tổng thống Trump đã sử dụng trong vài ngày qua”, nhưng ông không tin rằng “cách gọi này mang bất kỳ hàm ý phân biệt chủng tộc nào của ông tổng thống”.. Ông tin rằng ông Trump đã sử dụng thuật ngữ này để kháng lại việc chính phủ Trung Quốc “chuyển hướng trách nhiệm của họ từ các hành xử lý sai lầm trong dịch bệnh dẫn đến đại dịch mang tính toàn cầu hiện nay”.

Ông Dương tin rằng, “sẽ đến lúc tất cả mọi người, các cá nhân và quốc gia bị tổn hại trong dịch bệnh này, cần phải tập hợp lại với nhau để khiến ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho việc này”.

Ở Canada, chúng ta có thể khá chắc chắn rằng cách thức phản ứng của chính phủ chúng ta trước đại dịch COVID-19, ở cả ba cấp chính quyền, đã được thiết lập trong một bối cảnh nhận thức rõ ràng các cáo buộc phân biệt chủng tộc tiềm tàng của chính quyền Bắc Kinh. Nếu không thì tại sao Canada không kiềm chế việc giới hạn hành khách nhập cảnh từ Hồ Bắc và Trung Quốc , để rồi cấm nhập cảnh đối với tất cả công dân nước ngoài (không chỉ riêng từ Hồ Bắc và Trung Quốc) chỉ vài tuần sau đó?

 

Canada không phải nước duy nhất phải đối mặt với những cáo buộc phi lý như vậy.

Ở Thụy Điển, một cựu nghị sĩ Thụy Điển có thâm niên, ông Gunnar Hökmark, đã viết trong một bài bình luận ​​gần đây rằng “các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên xin lỗi thế giới vì dịch bệnh đến từ Trung Quốc do sự thất bại của chế độ độc tài trong việc giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn động vật và bởi việc kiềm hãm sự thật và sự tự do ngôn luận của chính người dân của họ”. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Quế Tùng Hữu (Gui Congyou) đã lên án tuyên bố này và cáo buộc ông Hökmark có thái độ “bài Trung Quốc”. Đại sứ Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Hökmark, đồng nghiệp của ông Patrik Oksanen và viện chính sách của họ, Diễn đàn Thế giới Tự do Stockholm (Stockholm Free World Forum), với các buộc họ là một bộ phận của “bộ máy chính trị chống Trung Quốc”, và vì đã “tấn công, nói xấu và bôi nhọ Trung Quốc”.

Người Canada và chính phủ của chúng ta phải hết sức cẩn thận để tránh những sự khái quát hóa có nguy cơ kỳ thị người Canada gốc Trung Quốc, hoặc bất kỳ cộng đồng nào khác, trong bối cảnh chính phủ của họ cũng có những hành vi tương tự, bao gồm Nga và Iran. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cảnh giác trước những cỗ máy tuyên truyền cho những chính quyền này, những người đang tìm cách bác bỏ và bịt miệng những chỉ trích chính đáng về hành động của những chính phủ đó khi họ bôi nhọ các nhà phê bình dưới cái mác “phân biệt chủng tộc” sai lệch.

Như ông Dương Kiến Lợi đã nhấn mạnh với tôi, “Đảng Cộng sản Trung Quốc không có lý do nào để buộc tội bất kỳ ai với tội danh phân biệt chủng tộc, những người chỉ trích các hành vi che giấu sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán của nó trong giai đoạn đầu, và cuộc chiến thông tin (tung tin giả) mới nhất chống lại các nước khác của nó”.

RELATED ARTICLES

Tin mới