Truyền thông Trung Quốc cho rằng tàu ngầm không người lái HSU001 của Bắc Kinh được tiết lộ trong cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm của quân đội Trung Quốc vào ngày 1/10/2019 có khả năng mang bom, ngư lôi để tấn công dưới đáy biển.
Trung Quốc phát triển tàu ngầm không người lái phục vụ ý đồ quân sự
HSU001 là tàu ngầm không người lái đầu tiên được Trung Quốc tiết lộ. Tuy nhiên, nước này không công bố các thông tin chi tiết cụ thể về thiết kế thực tế của tàu như không có dữ liệu nhất định về chiều dài, chiều rộng, trọng lượng, độ sâu lặn, tốc độ… Những bức ảnh có sẵn từ cuộc diễu hành cho thấy tàu dài khoảng năm mét và chiều rộng có lẽ là 1,5 mét. Thiết kế này được giống như tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar (Type 949) của Liên Xô về hình dạng, tất nhiên là nhỏ hơn rất nhiều lần. Nó cũng được cho là khá giống với thiết kế UUV của Đức. Thân tàu cũng có những điểm tương đồng nhất định liên quan đến khả năng cơ động của UUV Harpsichord của Nga. Theo National Interest, yêu cầu được đưa ra là tối đa hóa sự ổn định và làm giảm tiếng ồn. Ngoài ra, tàu có thể chứa các ngư lôi, mìn được gắn bên ngoài.
Theo bài báo của Trung Quốc, HSU001 có khả năng chiến đấu kiểu bầy đàn và hoạt động theo nhóm sẽ tăng cường khả năng răn đe. Việc Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo và phát triển tàu ngầm không người lái là nhằm phục vụ các mục tiêu, ý đồ quân sự trên biển, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang bị Mỹ kiềm chế trên biển.
Theo đó, tàu HSU001 chú trọng đến khả năng tác chiến dưới đáy biển. Con tàu không đặc biệt lớn, nhưng nó có cấu trúc đơn giản và độ tin cậy cao, cho phép nó ở dưới đáy đại dương trong thời gian dài quan sát thụ động môi trường xung quanh, một phần cũng vì vấn đề nguồn điện là một hạn chế trên hầu hết các UUV. Có ý kiến cho rằng các nhiệm vụ quan sát yên tĩnh như vậy có thể diễn ra trong hơn 30 ngày, mở rộng khả năng tình báo của PLA. Bên cạnh đó, một khu vực nhiệm vụ có khả năng gây rắc rối thứ hai của HSU001 được thảo luận trong bài viết này liên quan đến việc hỗ trợ các hoạt động đặc biệt. Phân tích cho thấy một con tàu Mỹ có cấu hình tương tự có thể chứa 6 người nhái (lực lượng đặc biệt của hải quân) và hoạt động trong 8 giờ.
Đáng chú ý, cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc chế tạo tàu ngầm không người lái còn phục vụ các mục tiêu nghiên cứu khoa học, theo dõi sự thay đổi môi trường và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển; theo dõi, ngăn chặn và tấn công các lực lượng Mỹ trên các vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương; thu thập tình báo, trinh sát, đặt thủy lôi và tiến hành các cuộc tấn công cảm tử kiểu ‘kamikaze’ vào các mục tiêu có giá trị cao trên biển như tàu ngầm, tàu sân bay, tàu chiến và các giàn khoan dầu mỏ. Ngoài ra, nó còn nhằm các mục tiêu tuyên truyền, quảng bá sức mạnh hải quân Trung Quốc.
Trước đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng đây dẫn nguồn tin từ các nhà khoa học giấu tên cho biết Trung Quốc đang triển khai kế hoạch xây dựng một hạm đội tàu ngầm lớn, thông minh và có chi phí thấp để đi khắp các đại dương. Các tàu ngầm trên sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ hoạt động độc lập và hỗ trợ cho các hạm đội tàu chiến hiện có. Hiện Trung Quốc đã xây dựng cơ sở thử nghiệm lớn nhất thế giới dành cho các tàu không người lái trên mặt nước ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến, nước này sẽ triển khai tàu ngầm AI vào đầu thập niên 2020.
Có thông tin cho rằng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc nặng 50 kg, do Đại học công nghiệp Tây Bắc hợp tác thiết kế, chế tạo. Hiện Trung Quốc đã ký 20 đơn đặt hàng và 40 đơn hàng khác đang chờ xem xét. Tàu được cho là có khả năng lặn sâu 100 m trong vòng 14 tiếng, tốc độ 5,4 km/h. Các tàu ngầm AI được đồn đại được trang bị động cơ diesel-điện.Nhật báo Thanh Đảo của Trung Quốc (29/6/2019) đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân đã hoàn thành cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu ngầm không người lái Haiyan ở Biển Đông. Trong cuộc thử nghiệm, Haiyan đã hoạt động liên tục trong 21 ngày và lặn xuống độ sâu 1.094 m. Haiyan dài 1,8 m, rộng 0,3 m, nặng khoảng 70 kg, hình dáng giống ngư lôi và có thể di chuyển với tốc độ dưới nước tối đa gần 6 km/h, hoạt động tối đa 30 ngày dưới nước, trong khu vực có khoảng 1.000 km.
Theo giới thiệu, tàu ngầm không người lái sẽ tự triển khai các kế hoạch, tự xử lý nhiệm vụ được giao và trở về căn cứ riêng. Chúng có thể liên lạc với chỉ huy ở mặt đất theo định kỳ để cập nhật thông tin, nhưng hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đến sự can thiệp của con người. Các chuyên gia nghiên cứu quân sự của Trung Quốc cũng đang phát triển một hệ thống hỗ trợ giúp các chỉ huy đưa ra những nhận định nhanh và chính xác trong tình huống chiến đấu. Theo thiết kế, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ rất khó bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) dò tìm được. Chúng có thể xâm nhập cảng biển của đối phương trong tình hình đối phương không hề cảnh giác. Ngoài ra, một trong những ưu thế chính của tàu ngầm tự lái là chi phí vận hành tương đối thấp, bởi vì mọi chi phí để tạo ra môi trường cho phép con người có thể tồn tại trong tàu ngầm được loại bỏ. Điều này cho phép tàu hoạt động linh hoạt hơn. Hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép tàu xác định tình hình xung quanh và không cần quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng thủy thủ bên trong tàu.
Tuy nhiên, tàu ngầm không người lái cũng có hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai và do các mẫu khí tài không người lái, dưới nước hiện nay hầu hết có kích thước tương đối nhỏ, hạn chế về tầm hoạt động và trọng tải tối đa. Việc triển khai và thu hồi chúng về căn cứ đòi hỏi sự điều động thêm tàu nổi hoặc tàu ngầm khác. Không những vậy, các tàu ngầm không người lái còn phải tự dự vào trí tuệ nhân tạo để đối phó với môi trường phức tạp trên biển. Chúng phải tự quyết định liên tục: thay đổi lộ trình và độ sâu để tránh bị phát hiện; phân biệt dân thường với các tàu quân sự; chọn cách tiếp cận tốt nhất để đến được một vị trí được chỉ định.
Nhiều khả năng sẽ triển khai ở Biển Đông
Dư luận Trung Quốc nhìn chung cho rằng Trung Quốc sẽ ưu tiên triển khai HSU001 ở Biển Đông. Theo đó, với không gian rộng rãi, khả năng liên lạc, điều hướng và giữ bí mật đáng tin cậy, HSU001 có thể có vai trò to lớn trong chiến tranh đổ bộ của PLA, bao gồm cả kịch bản Đài Loan. Ngoài ra, HSU001 được cho là đặc biệt quan tâm đến căng thẳng gia tăng ở khu vực Biển Đông. Các lực lượng Mỹ với chiến dịch tự do hàng hải đang thực sự đe dọa các căn cứ tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc. Lưu ý rằng các lực lượng mặt nước của PLA có các ưu tiên khác, chẳng hạn như các nhiệm vụ huấn luyện, người ta cũng nhận thấy rằng các UUV này đặc biệt phù hợp với thách thức ở Biển Đông, vì chúng hầu như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết (ít nhất là khi khi lặn hoàn toàn). Chúng có khả năng tuần tra bền bỉ để cung cấp thông tin tình báo, cảnh báo chống lại hoạt động của người nhái…
Trong khi đó, ông Lâm Dương, Giám đốc trang bị công nghệ hải quân thuộc Viện Tự động hóa Thẩm Dương cho rằng việc Trung Quốc phát triển tàu ngầm không người lái là lời đáp trả cho những nỗ lực tương tự của Mỹ ở Biển Đông. Trí tuệ nhân tạo của con tàu sẽ giúp nó hoạt động trong lòng biển, không chỉ tránh các nguy hiểm tự nhiên mà còn có thể tìm kiếm, phân biệt địch- ta, ra các quyết định về phương hướng để tránh đối đầu tàu địch. Chúng cũng được thiết kế để hoàn tất các nhiệm vụ mà không cần quay về cảng giữa chừng, không cần hướng dẫn trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Lý Kiện cho rằng tàu ngầm không người lái tiếp tục là một mắt khâu quan trọng trong phát triển vũ khí trang bị theo hướng đa chiều, không người lái và thông minh của Mỹ. Giáo sư Luo Yuesheng, Khoa Tự động hóa thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân nhận định, các tàu trên có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các đối thủ của Trung Quốc trên biển. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc có nhiều bài cho rằng việc sản xuất hàng loạt tàu ngầm giá rẻ không người lái là “dấu chấm hết” cho sự phụ thuộc vào nước ngoài, trong đó có Mỹ, trong các hoạt động thăm dò và quốc phòng.
Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cho rằng nếu các nước triển khai tàu ngầm không người lái ở Biển Đông sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, dễ bùng phát xung đột. Chuyên gia Shawn Brimley, một cựu quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định, nếu Mỹ sử dụng lực lượng này ở Biển Đông, nó sẽ có tác động răn đe đối với các hành vi khiêu khích, leo thang của Trung Quốc.