Saturday, December 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMục tiêu hoàn thành COC vào năm 2021: Chiêu trò hoãn binh...

Mục tiêu hoàn thành COC vào năm 2021: Chiêu trò hoãn binh và đầy cạm bẫy của Bắc Kinh đối với các nước

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 03/11/2019 kêu gọi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào năm 2021. Tuy nhiên, giới chuyên gia khu vực nhận định động thái này của Bắc Kinh thực chất là nhằm lợi dụng vị trí điều phối viên của Philippines để đạt được thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc.

COC là chủ đề các nước ASEAN, đặc biệt các nước ven Biển Đông rất quan tâm. Nhưng Trung Quốc thì tùy. Cuộc đàm phán về COC bắt đầu được các bên tiến hành vào năm 2013, mười một năm sau khi có DOC (Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông). Nghĩa là rất chậm, vì Trung Quốc không muốn COC, họ coi DOC là đủ rồi. Tổng thư ký của tổ chức ASEAN lúc đó than phiền rằng tổ chức này không thể lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc thảo luận thực chất. Bắt đầu rồi mà như chưa bắt đầu, cứ như sên bò vậy. Bằng cách đó Trung Quốc muốn cho mọi người thấy rằng họ cơi nới chưa xong, họ còn phải mang vũ khí đặt lên đấy đã,… Không thể lộ liễu hơn, Trung Quốc chơi trò câu giờ. Trong 7 bãi đá (Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Gaven, Vành Khăn, Xubi) mà Trung Quốc cơi nới thì đá Chữ Thập đã được mở rộng tăng kích thước lên gấp 11 lần, lớn hơn cả đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa/Nam Sa mà Đài Loan đang chiếm giữ. Cho đến trước khi mở rộng, Trung Quốc là bên duy nhất không có đường băng ở Trường Sa (Đài Loan có ở Ba Bình, Philippines có ở Thị Tứ, Malaysia có ở đá Hoa Lau, Việt Nam có ở đảo Trường Sa Lớn) thì bây giờ đường băng đã xuất hiện ở Chữ Thập, Vành Khăn, Xubi. Câu giờ đủ rồi, Trung Quốc mới quay sang COC. Trong hai năm 2017, 2018 họ công bố rằng “văn bản duy nhất” của COC đã được các bên cùng đọc. Thế nào là văn bản duy nhất? Theo các nguồn tin, đây là 11 văn bản do 11 quốc gia đưa ra và nó còn quá xa cách nhau về nội dung, nhất là những vấn đề cơ bản như: phạm vi các thực thể địa lý được đề cập, các yếu tố chế tài trên cơ sở pháp luật quốc tế… Theo ông I. Storey từ Viện ISEAS (Singapore) “Hà Nội và một số nước đưa ra một danh sách dài những điều mà họ muốn COC cấm nhưng thật ra lại là những điều Trung Quốc đã làm trong những năm qua”. Nhà phân tích M.J. Valencia thì nói với South China Morning Post: “Rất ít khả năng có được một COC có hiệu lực pháp lý như mong muốn”. Tờ Nikkei (Nhật) thì cho rằng, mặc dù bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không muốn bị coi như kẻ ngoài vòng pháp luật do vậy quan tâm đến COC có thể giúp họ hóa giải tình trạng này?

Các nước ASEAN có lẽ muốn có sự chế tài trên cơ sở luật pháp quốc tế thông qua Bộ quy tắc ứng xử. I. Storey cho rằng, COC muốn có giá trị pháp lý thì phải trình lên Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh lại không chấp nhận. Còn Ngoại trưởng Philippines Locsin thì bảo “Chấp nhận những yêu sách của Trung Quốc là gián tiếp công nhận bá quyền của Trung Quốc, như cho con voi vào phòng khách”

Có một điều chắc chắn là COC không phải để giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc luôn cho chủ quyền các đảo, đá là vấn đề song phương mà COC chỉ có thể kiểm soát ổn thỏa những bất đồng phát sinh từ Biển Đông, bản nâng cấp chút đỉnh của DOC mà thôi.Thực tế cũng có thể không hẳn như vậy, vì thế nào là “bất đồng” và phạm vi những bất đồng ấy là gì và kiểm soát thì như thế nào. Chưa nói, Trung Quốc muốn COC không có sự can thiệp của bên ngoài trong tiến trình thảo luận (cũng vì vậy mà tiến trình này được bảo mật) nhưng các nước “bên ngoài” lại rất muốn tham gia vì vấn đề tự do hàng hải. Mà vấn đề này lại liên quan đến thế nào là phi quân sự hóa đang được các bên tranh cãi. Trung Quốc cho rằng phi quân sự hóa là tàu quân sự đi qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo “của họ” phải có sự xin phép, còn Mỹ và các nước nói chung thì coi việc Trung Quốc xây dựng sân bay, đưa vũ khí khí tài ra các đảo đá được xây đắp, mở rộng đã là quân sự hóa rồi.

Việc tìm được sự đồng thuận giữa các bên về các vấn đề chủ chốt không hề đơn giản. Có hai luồng dư luận: một, COC chưa chắc đã cải thiện tình hình hiện nay; hai, có COC vẫn hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố tại Hội nghị về các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á năm 2014: “Việc điều hành công việc, giải quyết các vấn đề châu Á, bảo vệ an ninh châu Á là giành cho người châu Á”. Và Trung Quốc yêu cầu trong văn kiện COC thì việc thăm dò và phát triển dầu khí và tài nguyên biển nói chung ở các vùng tranh chấp sẽ do các nước trong khu vực tiến hành, không hợp tác với các quốc gia bên ngoài. Cũng như sẽ không có các cuộc tập trận chung với các quốc gia ngoài khu vực. Yêu cầu này cho thấy, COC sẽ có thể tạo ra một dàn xếp mang tính độc quyền, trái với công ước Liên hiệp quốc về luật biển. Bà Dewi Fortuna Anwar, nhà quan sát người Indonesia đặt câu hỏi: “Làm thế nào để đảm bảo rằng COC sẽ không thể chế hóa mối quan hệ rất bất đối xứng gây bất lợi không chỉ cho các nước ASEAN mà còn cho các bên liên quan rộng lớn hơn ở Biển Đông, bao gồm cả việc không chú ý đến tất cả các điều khoản của UNCLOS? Các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines đã khẳng định COC sẽ không bao gồm bất kỳ điều gì gây ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ của các bên theo luật pháp quốc tế…” Trung Quốc đã từng viện dẫn đoạn 4 của DOC quy định về giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa các bên liên quan để phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài và chỉ trích Philippines đã vi phạm DOC. Nhưng DOC chỉ là một tuyên bố ứng xử lỏng lẻo, thế nào mới được gọi là đàm phán, mà Trung Quốc lại chỉ muốn song phương mà thôi.

Trong khi làm ra vẻ thúc đẩy COC Trung Quốc luôn luôn nói rằng tình hình Biển Đông vẫn yên ổn thì thực tế đã xảy ra nhiều chuyện bất ổn. Một tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào tháng 6/2019 và hơn hai chục ngư dân lênh đênh giữa biển khiến dư luận nước này sôi sục, ba tháng sau họ mới có lời xin lỗi. Và suốt từ tháng 7 đến cuối tháng 10/2019 tàu thăm dò và hải cảnh Trung Quốc liên tục cản trở, quấy phá Việt Nam hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của mình, bãi Tư Chính, dù Việt Nam nhiều lần lên án và dư luận quốc tế phản đối. Trước đó, các tàu này cũng đã thường xuyên cản trở hoạt động của Malaysia ở bãi Luconia. Và sau đó, cho đến tận đầu tháng 1/2020, hải cảnh và tàu cá Trung Quốc liên tục thâm nhập hải phận Bắc Natuna của Indonesia.

Bắc Kinh tuyên bố yêu sách đối với phần lớn diện tích của Biển Đông, được giới hạn bằng “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”. Tháng 7/2016, trong vụ kiện do phía Philippines đệ đơn, tòa trọng tài quốc tế tại Hague, Hà Lan, đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Theo phán quyết dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đường 9 đoạn không có cơ sở luật pháp quốc tế. Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết của tòa án dù nước này là thành viên ký kết UNCLOS. Rõ ràng, Bắc Kinh cho rằng có thể sử dụng COC để giải thoát chính mình khỏi phán quyết năm 2016.

Mục đích và thủ đoạn của Trung Quốc đã quá rõ ràng.

Thứ nhất, Trung Quốc đang đàm phán với 10 quốc gia thành viên riêng lẻ, chứ không làm việc với ASEAN như một tổ chức. Văn bản thỏa thuận trong giai đoạn đầu tiên được soạn thảo dưới dạng 11 đề xuất riêng biệt, một từ Trung Quốc và một từ mỗi quốc gia thành viên ASEAN (thay vì hai đề xuất, một từ Trung Quốc và một từ ASEAN). Trung Quốc dành nhiều tâm huyết để làm việc với các nước ASEAN khi tiến hành đàm phán COC. Điều này phản ánh quan điểm của Bắc Kinh, cho rằng tranh chấp tại Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc với riêng bốn quốc gia thành viên ASEAN. Cách tiếp cận nói trên giúp Trung Quốc phát huy tối đa sức mạnh và sử dụng biện pháp cứng rắn, nếu cần thiết, để đạt được mục đích của mình.Bằng cách kêu gọi giải quyết vấn đề song phương với từng quốc gia, Trung Quốc hy vọng có thể sử dụng đòn bẩy kinh tế và chính trị với từng nước riêng lẻ, vốn có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn khi hợp tác cùng nhau.

Thứ hai, Trung Quốc đơn phương đặt ra thời hạn ba năm để hoàn tất bản thảo COC. Khung thời gian được coi là yếu tố then chốt, bởi các nước thành viên ASEAN luân phiên giữ vị trí điều phối viên, chủ trì các cuộc họp ngoại giao của tổ chức trong nhiệm kỳ ba năm. Philippines là điều phối viên của ASEAN để đối thoại với Trung Quốc từ năm 2018. Bắc Kinh dường như muốn hoàn tất soạn thảo COC trước khi Philippines hết nhiệm kỳ vào năm 2021.Zhao Jianhua, Đại sứ Trung Quốc tại Manila, gần đây tuyên bố Bắc Kinh muốn hoàn tất đàm phán khi Philippines vẫn là điều phối viên. Điều này cho thấy Manila có thể mang lại thỏa thuận có lợi hơn cho Bắc Kinh so với các điều phối viên khác. Khác với người tiền nhiệm có quan điểm cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra mềm mỏng hơn với hy vọng giành được viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh. Ông Duterte nhậm chức tổng thống ngay trước khi tòa trọng tài quốc tế tuyên bố phán quyết chống lại yêu sách của Trung Quốc năm 2016. Trung Quốc đã lợi dụng thái độ mềm mỏng của Tổng thống Duterte đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định chắc chắn có thể hoàn tất COC trong giai đoạn này, ngay cả khi thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc.

Thứ ba, tiến trình đàm phán đã kéo dài 21 năm, kể từ năm 1996. Đến năm 2002, DOC được ký kết nhưng không có tính ràng buộc. Giờ đây, 17 năm sau DOC, dường như các bên vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, nước này ngày càng mong muốn hoàn tất đàm phán COC và ngăn chặn các bên ngoài khu vực khai thác dầu khí tại châu Á. Theo nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc có ba yêu cầu cơ bản liên quan đến COC. Một là COC không được dựa theo quy định trong UNCLOS. Hai là những cuộc tập trận chung với các quốc gia ngoài khu vực phải có sự thống nhất trước của tất các bên tham gia thỏa thuận. Và cuối cùng, các nước ký kết không được phát triển nguồn tài nguyên với những quốc gia ngoài khu vực. Bắc Kinh muốn tự thiết lập COC nhằm đạt mục đích riêng của họ là hướng tới gây khó khăn cho việc thực thi UNCLOS. ASEAN không thể chấp nhận những yêu cầu này bởi chúng sẽ vô hiệu hóa phán quyết của tòa án đối với đường 9 đoạn mà Bắc Kinh tuyên bố. Đồng thời, những yêu cầu này cũng nhằm mục đích ngăn chặn Mỹ và châu Âu gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới