Tuesday, May 7, 2024
Trang chủBiển nóngF-35 của Mỹ và J-20 của TQ đã đi vào trực chiến:...

F-35 của Mỹ và J-20 của TQ đã đi vào trực chiến: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc hàng đầu trên thế giới về mặt quân sự, kinh tế và khoa học, kỹ thuật. Để cạnh tranh ảnh hưởng và răn đe chiến lược, hai nước liên tục đưa vào biên chế các loại vũ khí hiện đại.

Phi đội F-35C đầu tiên của Mỹ đã được trực chiến

Theo đó, bắt đầu từ hôm 20/3, phi đội bay số 314 Thủy quân Lục chiến với trang bị bao gồm các phi cơ F-35C đã đạt đủ mọi chứng chỉ an toàn vận hành theo quy định của không quân Mỹ. Đây là một cột mốc đáng nhớ của lực lượng Hải quân Mỹ. Trong tương lai, các phi đội, phi đoàn F-35C sẽ bắt đầu thay thế cho các tiêm kích F/A-18A++.

Được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay, các chiến đấu cơ F-35C là phiên bản đặc biệt của dòng tiêm kích chiến đấu F-35 với khả năng cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng dây hãm đà. Ngoài ra, phiên bản F-35C còn có thiết kế cánh gập, cho phép giảm diện tích lưu kho trên tàu sân bay giống như mọi loại máy bay khác của Không quân Hải quân Mỹ phục vụ trên hàng không mẫu hạm.

So với hai phiên bản F-35 trước đây là phiên bản F-35A và F-35B, phiên bản F-35C có cánh lớn hơn, càng hạ trước được gia cố với hai bánh và có trọng lượng lớn hơn hẳn. Cụ thể, trọng lượng cất cánh tối đa của F-35C vào khoảng 22,6 tấn, trong đó nó có khả năng mang theo tối đa tới 8,9 tấn nhiên liệu – nhiều nhất trong ba phiên bản. Khả năng mang vũ khí của F-35C cũng vượt trội hơn so với các phiên bản còn lại, tối đa có thể mang theo tới 7,7 tấn vũ khí và đủ khả năng đáp ứng để thay thế cho tiêm kích F/A-18 của Không quân Hải quân Mỹ. rong khi đó, các phiên bản trước đây của F-35 bao gồm F-35A chỉ đủ khả năng để thay thế cho tiêm kích F-16 còn F-35B đủ đáp ứng yêu cầu để thay thế cho máy bay AV-8B Harrier. 

J-20 của Trung Quốc cũng đã đi vào hoạt động

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (19/1) đăng tải video về hoạt động diễn tập theo kịch bản tác chiến giả định cùng với các tiêm kích J-16 và J-10C. Theo đó, các tiêm kích J-20 của Không quân Trung Quốc đã tiến hành bay huấn luyện tác chiến theo kịch bản chiến đấu thực sự. Video cũng cho thấy lần đầu tiên tiêm kích tàng hình J-20, J-16 và J-10C cất cánh và tiến hành tập trận cùng nhau. Đội hình gồm hai chiếc J-20, hai J-16 và một J-10C đã thiết lập đội hình chiến đấu. 

Các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho biết sự kết hợp J-20 với hai loại tiêm kích ít hiện đại hơn này có thể tạo ra một đội hình tác chiến đa năng để “bảo vệ đất nước”; cho rằng các tiêm kích tàng hình J-20 “đang tiến triển êm ả” trong không quân Trung Quốc khi hoạt động tác chiến của chúng đã bước vào giai đoạn mới thể hiện năng lực tác chiến toàn diện. Chuyên gia Phó Khiêm Thiều của Trung Quốc nhận định, Không quân Trung Quốc đã thử nghiệm các chiến thuật với tiêm kích J-20 và các loại tiêm kích khác trong các cuộc bay tập trận trước đó và đã thu được một số kinh nghiệm trong việc chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và tấn công trên biển. Dù tiêm kích J-20 hiện đại hơn J-16 và J-10C, chúng cùng có các công nghệ tương tự như hệ thống điện tử hàng không và radar quét mảng pha chủ động. Với đội hình như trên, J-16 có thể dẫn đầu cuộc tấn công và công khai sử dụng radar để tìm kiếm mục tiêu, thu hút sự chú ý của địch quân, trong khi đó tiêm kích tàng hình J-20 có thể lởn vởn gần đó và bất ngờ tung ra cú tấn công bằng tên lửa khi đối phương đang nhắm bắn J-16. Một chiến thuật khác là J-20 phá hủy trung tâm chỉ huy chiến lược của đối phương, bao gồm các máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu, sử dụng khả năng tàng hình, rồi tiêm kích trang bị nhiều vũ khí tấn công lực lượng trên mặt đất của đối phương bao gồm các trạm radar di động, trong khi tiêm kích J-10C đảm bảo kiểm soát trên không.

Trước đó, Tờ South China Morning Post (SCMP, 27/7/2019) cho biết, Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ tiêm kích tàng hình J-20 đến Chiến khu Đông bộ nhằm gửi thông điệp cảnh cáo đến Đài Loan và các hoạt đông quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản trong khu vực. Theo đó, Không quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đăng tải 1 tấm ảnh lên tài khoản mạng xã hội của họ trong tuần này, cho thấy chiếc J-20 chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của nước này, với đuôi máy bay có số hiệu 62001 xuất hiện ở Chiến khu Đông bộ. Chiến khu này là đơn vị cấp Bộ Tư lệnh tác chiến Vùng (tương đương cấp Bộ) trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc có nhiệm vụ triển khai chỉ huy tác chiến liên hợp phía Đông của Trung Quốc. Phạm vi quản lý của Chiến khu Đông bộ gồm Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến. Bộ Tư lệnh đặt tại Nam Kinh. Chiến khu Đông bộ có nhiệm vụ triển khai chỉ huy tác chiến liên hợp phía Đông của Trung Quốc. Chiến khu Đông bộ chỉ chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến chứ không phải vừa quản lý xây dựng vừa chỉ huy tác chiến như các Đại Quân khu cũ trước đây. Được biết Chiến khu Đông bộ gồm Bộ Tham mưu liên hợp, Bộ Công tác Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật,Đơn vị chỉ huy tác chiến, Lục quân Chiến khu Đông bộ, Tập đoàn quân 71, Tập đoàn quân 72, Tập đoàn quân 73, Hải quân Chiến khu Đông bộ, Không quân Chiến khu Đông bộ…

Được biết, J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc, có thiết kế tương đối giống máy bay tàng hình MiG 1.44 của Nga. Máy bay trên có hai động cơ, nặng 35 tấn, dài 20,4m, sải cánh 12,8m, tốc độ tối đa Mach 2 (2470km/h), tầm hoạt động hơn 3200km. J-20 có ngoại hình rất đặc biệt với cách con vịt ở đằng mũi, ngay sau buồng lái. J-20 được thiết kế đặc biệt dành cho các nhiệm vụ đánh vào khả năng triển khai sức mạnh của không quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương cũng như thực hiện hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chỉ huy trên không, tình báo giám sát, thậm chí là mang theo tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu sân bay Mỹ. J-20 được Trung Quốc công khai lần đầu tiên vào tháng 11/2016 tại triển lãm hàng không Chu Hải. Tại triển lãm, J-20 được quảng bá là mẫu máy bay tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất, có khả năng đọ sức ngang ngửa cùng các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế vẫn nghi ngờ về khả năng thực sự của dòng máy bay này. Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong công nghệ chế tạo động cơ và phải biên chế dòng J-20 trước thời hạn bằng cách trang bị cho nó động cơ do Nga sản xuất để “chữa cháy”, khiến năng lực tác chiến của J-20 bị hạn chế đáng kể, ảnh hưởng đến tính tàng hình và khả năng cơ động của nó.

Tương quan F-35 và J-20

Giới tướng lĩnh Mỹ nhiều lần cảnh báo năng lực tác chiến của không quân Trung Quốc sẽ được cải thiện đáng kể nếu J-20 đưa vào sử dụng. Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ Charles Brown (2/5/2019) cho biết, tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu trong năm 2019. Đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể tăng cường năng lực tác chiến, cũng như mối đe dọa nhằm vào lực lượng Mỹ trên Thái Bình Dương. Tướng Brown khẳng định Mỹ sẽ đối phó bằng cách triển khai thêm siêu tiêm kích F-35 ở Thái Bình Dương và duy trì các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông. Trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định J-20 chưa đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ do chỉ có số lượng nhỏ máy bay được đưa vào sử dụng để thử nghiệm và huấn luyện. Tuy nhiên, Trung Quốc vội vàng đưa máy bay tàng hình J-20 vào biên chế hồi cuối năm 2017, nhằm đối phó việc Mỹ triển khai tiêm kích F-35 đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản nhận bàn giao các phi cơ F-35A đầu tiên. Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đầu năm 2019 tuyên bố tiêm kích tàng hình J-20 đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu sơ bộ (IOC) và đưa vào biên chế không quân. Sự kiện này được giới quân sự Trung Quốc ca ngợi là bước ngoặt thay đổi thế độc quyền của phương Tây trong lĩnh vực máy bay tàng hình, cũng như thay đổi lịch sử không quân khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng J-20 vẫn thua kém nhiều so với máy bay tàng hình F-22 và F-35 Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới