Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLịch sử chủ quyền đảo Ba Bình và quá trình cưỡng chiếm...

Lịch sử chủ quyền đảo Ba Bình và quá trình cưỡng chiếm trái phép hòn đảo này của Đài Loan

Ba Bình là đảo có diện tích lớn nhất nằm trong cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, song đã bị Đài Loan chiếm đóng trái phép từ năm 1956 cho đến nay.

Đảo Ba Bình thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Nguồn: AMTI)

Năm 1946, vào lúc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra thì hạm đội của Trung Hoa Dân Quốc gồm bốn chiến hạm xuất phát từ cảng Ngô Tùng tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây ngày 29/11. Lúc này Trung Quốc còn gọi Hoàng Sa là Đoàn Sa, chưa phải mang tên Nam Sa. Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp trên của Trung Hoa Dân Quốc và ngày 17/10/1947, thông báo hạm Tonkinois của Pháp được phái đến Hoàng Sa để yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút nhưng họ không rút. Pháp gửi một phân đội lính trong đó có cả quân lính “quốc gia Việt Nam” đến đóng một đồn ở đảo Pattle (Hoàng Sa).

Năm 1950, quân Tưởng rút khỏi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa. Thủ hiến Trung phần là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa. Lợi dụng tình hình rối ren Nhật đầu hàng đồng minh, quân Tưởng Giới Thạch được giao phó giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc theo hiệp định Postdam đã lại chiếm giữ đảo Phú Lâm (Ile Boisée) cuối năm 1946 thuộc quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa vào đầu năm 1947. Đến năm 1950, khi quân Trung Hoa Dân Quốc đã rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa và hòa ước San Francisco buộc phát xít Nhật từ bỏ sự chiếm đóng hai quần đảo này, thì thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại đã tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam.

Sau năm 1950, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn quân nước ngoài chiếm đóng ngoài lực lượng trú phòng Việt Nam của Chính quyền Bảo Đại. Hiệp định Genève ký kết năm 1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Điều 1 qui định đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17). Đường ranh tạm thời này cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của hiệp định. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chính của phía chính quyền quản lý miền Nam. Như thế, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới sự quản lý hành chính của chính quyền Việt Nam cộng hòa, lúc ấy hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp.

Ngày 01/6/1956, Ngoại trưởng Chính quyền Việt Nam cộng hòa Vũ Văn Mẫu ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Ngày 22/8/1956, lực lượng hải quân của chính quyền Việt Nam cộng hòa đã đổ bộ lên các hòn đảo chính của nhóm Trường Sa, dựng một cột đá và trương cờ. Tháng 10/1956, hải quân Đài Loan đến chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba). Cũng năm 1956, Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo này. Sau khi Hoàng Sa thất thủ vào tháng 01/1974, đầu tháng 2/1974, Chính quyền Việt Nam cộng hòa quyết định tăng cường phòng thủ các đảo ở quần đảo Trường Sa, đưa lực lượng ra đóng ở năm đảo thuộc Trường Sa. Qua đại sứ ở Philippines, Chính quyền Sài Gòn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngày 01/2/1974, đoàn đại biểu của Việt Nam cộng hòa ra tuyên bố tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Luật biển Caracas khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo, tố cáo Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa. Ngày 30/3/1974, đại biểu chính quyền Việt Nam cộng hòa khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội đồng kinh tài Viễn Đông họp tại Colombia.

Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao Chính quyền Việt Nam cộng hòa công bố Sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa. Đảo Ba Bình có độ cao chừng 4m, thấp hơn Nam Yết một chút, diện tích 489.600m2 (gần 50ha). Đảo này có điều kiện sinh hoạt tốt nhất, đất đai màu mỡ, trồng được khoai mì, rau cải, chuối… Ngày 20/5/1956, Đài Loan đã xây dựng cơ sở quân sự kiên cố tại đây. Hiện ở đây có một sân bay nhỏ và cầu tàu cho các chiến hạm cặp bến. Phía Tây Nam cụm Nam Yết có hòn Đá Chữ Thập (Fiery Cross or N.W, Kagilingan Reef, 9O353 vĩ B, 114O542 kinh Đ), là chỗ cao nhất của một bãi cạn dài 25km, rộng tối đa 6km, bị quân Trung Quốc chiếm đóng, biến nơi đây là cơ sở quân sự quan trọng. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, chế độ bảo hộ Pháp có viên khâm sứ đứng đầu Trung kỳ chịu trách nhiệm quản lý quần đảo Hoàng Sa. Trong khi Nam kỳ quản lý quần đảo Trường Sa, lại ở dưới chế độ thuộc địa Pháp, song thực chất tất cả đều thuộc chế độ đô hộ kiểu trực trị của Pháp. Mọi quyền hành trong tay Pháp. Chính quyền Nam triều chỉ có trên danh nghĩa. Song trên thực tế chính quyền thuộc địa Pháp cũng đã có những hành động cụ thể củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phản ứng trước thông tin Đài Loan (Trung Quốc) diễn tập bắn đạn thật xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Từ năm 2018 đến nay, Đài Loan đã liên tục gia tăng các hoạt động quân sự và dân sự tại các đảo chiếm đóng ở Biển Đông. Trong đó, Đài Loan đã hơn chục lần tổ chức tập trận bắn đạn thật tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông nhằm nâng cao khả năng sử dụng vũ khí, huấn luyện thực chiến của hải quân. Giới chuyên gia cho rằng chính sách về Biển Đông hiện nay của Chính quyền Đài Loan do bà Thái Anh Văn đứng đầu đang chịu nhiều tác động, một mặt Đài Loan đang tích cực theo đuổi các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, mặt khác Đài Loan cũng chịu sức ép từ Chính quyền trung ương Trung Quốc. Hồi tháng 1/2018, trong “Báo cáo về tình hình khu vực Nam Hải (2016-2017)” do Viện Nghiên cứu Nam Hải và Trung tâm An ninh Đại học Chính trị Đài Loan công bố, trong đó chỉ trích phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) và cảnh báo Chính quyền Đài Loan cần có thái độ tích cực hơn để duy trì lợi ích chung giữa Hai bờ.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình, cũng như các hoạt động tập trận trái phép của Đài Loan ở Biển Đông. Khẳng định mọi hoạt động của Đài Loan tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm cả việc diễn tập bắn đạn thật đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới