Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang tranh thủ dịch Covid-19 để tăng cường hoạt động lấn...

TQ đang tranh thủ dịch Covid-19 để tăng cường hoạt động lấn lướt ở Biển Đông

Đúng như giới chuyên gia đã cảnh báo, ngay sau khi tuyên bố khống chế được ổ dịch Vũ Hán, Trung Quốc tranh thủ lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là ở Mỹ và Châu Âu để triển khai nhiều hoạt động mới ở Biển Đông.

Trên thực địa, các tàu của Trung Quốc di chuyển liên tục từ phía đảo Hải Nam xuống bảy cứ điểm họ đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa để chứng minh mình có sự hiện diện thường xuyên trên Biển Đông. Trung Quốc không hề ngưng nghỉ kể cả giữa lúc họ phải đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi virus corona.

Đầu tháng 3/2020, Trung Quốc đã đưa máy bay quân sự tới Biển Đông tiến hành diễn tập chống tàu ngầm để đáp trả các hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông thời gian gần đây. Bản tin hàng ngày của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngang nhiên thông báo các cuộc tập trận chung của không quân và hải quân Trung Quốc mô phỏng các cuộc chạm trán trực diện với “máy bay và tàu chiến nước ngoài xâm lược” Biển Đông; cuộc tập trận bao gồm tìm kiếm máy bay nước ngoài không xác định với sự trợ giúp của tàu mặt nước và đuổi máy bay địch ra khỏi không phận, thậm chí, bắn hạ bằng tên lửa để ngăn chúng tấn công tàu chiến Trung Quốc.

Ngày 20/3/2020, Tân Hoa Xã đưa tin, Trung Quốc vừa khánh thành hai trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef), thuộc quần đảo Trường Sa. Hai cơ sở này sẽ theo dõi, đo đạc các thay đổi về sinh thái địa chất, môi trường tại các vùng biển này. Hai cơ sở này cùng với tổ hợp với một trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc xây dựng trước đó ở Đá Vành Khăn ở Trường Sa tăng cường công tác nghiên cứu ở Biển Đông. Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang núp dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học để củng cố, tăng cường hiện diện ở Biển Đông.

Ngày 26/3/2020, truyền hình Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc đã khai thác 861.400 mét khối khí tự nhiên từ khí metan, trong một tháng sản xuất thử nghiệm ở Biển Đông; cho rằng đây là bước quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa khí metan. Metan đã được xác định là một nguồn khí đốt mới tiềm năng cho Trung Quốc và Biển Đông được cho là có chứa một số lượng khí metan dồi dào nhất trên thế giới.

Trong dòng twitter đăng tải hôm 29/3 đi kèm với hình ảnh, công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) có trụ sở tại Israel cho biết máy bay Y-8 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống đá Chữ Thập và có thể mang theo hàng tiếp tế; Hoạt động của máy bay vận tải Y-8 cho thấy hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng virus corona tại nước này.

Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang “ngư ông đắc lợi” trong đại dịch virus corona toàn cầu. Lợi thế có vẻ đang thiên về Bắc Kinh. Trung Quốc đang từng bước thoát khỏi dịch Covid-19 trong khi cả thế giới đang dốc hết sức lực chống dịch, từ Mỹ đến Anh, Pháp, cả Châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ cũng như các nước Đông Nam Á. Thực tế cho thấy Trung Quốc đang tranh thủ thời điểm toàn thế giới gồng mình chống dịch Covid-19 để tiến những nước cờ ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trấn an rằng nhiệm vụ hàng đầu của quân đội Mỹ vẫn là bảo vệ người dân Mỹ, đất nước và lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài bị xáo trộn do chiến lược chống dịch của mỗi nước.

Khắp nơi trên thế giới, quân nhân Mỹ phải ở lại trong doanh trại, mọi ra vào đều được kiểm tra nghiêm ngặt thông qua trình báo sức khỏe, đo thân nhiệt hoặc cách ly người bị nhiễm virus corona. Từ đầu tháng 3/2020, quân nhân Mỹ bị cấm du lịch hoặc về thăm nhà do đã có nhiều trường hợp nhiễm virus corona. Để phòng chống Covid-19, hải quân Mỹ đã điều nhiều nhóm y tế và thiết bị cần thiết đến các tàu USS Theodore Roosevelt (CVN 71), US Blue Ridge (LCC 19) và USS America (LHA 6) để có thể xét nghiệm ngay trên tàu mà không cần gửi mẫu bệnh phẩm lên bờ.

Bác sĩ quân y Christine Sears khi trả lời trang America’s Navy cho biết “toàn bộ đội ngũ quân nhân Hạm đội 7 rất chú ý đến dịch Covid-19 ngay từ đầu và triển khai nhiều biện pháp bảo đảm y tế cộng đồng. Lực lượng nhân viên y tế tăng viện còn giúp tăng cường thêm khả năng chống dịch” của Hạm đội 7. Rõ ràng là trong khi đang phải chống chọi với sự lây lan chóng mặt của Covid-19, Mỹ không thể giúp đỡ gì các nước châu Á khác đối phó với Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng thế giới có thể sẽ lơ là về những tranh chấp, kể cả Biển Đông, khi ưu tiên chống dịch Covid-19. Điều này sẽ tạo ra một khoảng trống để Trung Quốc nhảy vào. Bắc Kinh sẽ tận dụng triệt để cơ hội này, chắc chắn họ sẽ không ngừng những hành động lấn chiếm, gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông trong giai đoạn này nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh đang chịu nhiều sức ép nội bộ do kinh tế giảm sút và đang bị chỉ trích mạnh mẽ trong cách xử lý dịch bệnh. Những người cầm quyền ở Bắc Kinh sẽ gia tăng các hoạt động ở Biển Đông để “xì hơi” trong nội bộ. Đây là cách thức mà những người lãnh đạo Bắc Kinh thường dùng mỗi khi gặp khó khăn.

Chiến lược của Trung Quốc là luôn luôn quan tâm tận dụng thế thời. Có lẽ đây là lúc họ cho rằng thế thời mạnh nhất, họ phải nhanh chóng hành động để đạt mục đích. Những hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Đánh giá về hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Hoàng Việt – thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông nhấn mạnh: “Thực ra từ lúc xảy ra dịch cho đến nay, Trung Quốc không hề ngưng nghỉ trên Biển Đông. Ban đầu họ có vẻ hơi rối trong nước khi tâm dịch bùng phát ở Vũ Hán với số người chết quá lớn. Tuy rối nhưng những hành động bên ngoài, nhất là Biển Đông không hề giảm sút, cũng không tăng. Sau này, khi thế giới, bao gồm cả Mỹ bắt đầu bùng phát dịch, Trung Quốc bắt đầu ổn thì nước này lại tiếp tục hành động ở Biển Đông”; “dựa trên tất cả những gì Trung Quốc đã làm như ngang nhiên xây những trạm thí nghiệm; tập trận mạnh mẽ hơn để trả đũa việc tập trận của Mỹ… thì rõ ràng Trung Quốc không hề giảm sự chú ý ở Biển Đông”.

Những hành động nói trên hoàn toàn trái ngược với những phát biểu về hòa bình, ổn định của Bắc Kinh đối với ASEAN cũng như thế giới. Chính những hành động này khiến nhiều nhà quan sát tình hình Đông Nam Á, tình hình khu vực Biển Đông lo ngại rằng trong những ngày sắp tới giới cầm quyền Bắc Kinh sẽ còn có những hoạt động hung hăng mới nghiêm trọng hơn ở Biển Đông.

Dịch Covid cũng làm nhiều diễn đàn quốc tế phải trì hoãn từ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ (dự kiến tại Mỹ) đến Hội nghị cấp cao ASEAN thường niên (dự kiến trong tháng 4 ở Hà Nội) và Diễn đàn An ninh khu vực Shangri-La hàng năm (các diễn giả từ chính khách đến các học giả hàng năm đều lên tiếng mạnh mẽ phê phán hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông tại diễn đàn này). Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ tính toán rằng trong thời điểm hiện tại không chỉ các nước sẽ không quan tâm đến hành động của họ ở Biển Đông mà hành vi của họ sẽ không bị đem ra mổ xẻ, phê phán, chỉ trích tại các hội nghị, diễn đàn do bị trì hoãn.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo mục tiêu độc chiếm Biển Đông của những người lãnh đạo Bắc Kinh là xuyên suốt, không thay đổi, do vậy không vì đại dịch toàn cầu mà Trung Quốc tạm ngưng mưu đồ bành trướng của mình. Ngược lại, Bắc Kinh coi đây là “cơ hội vàng” để thực hiện tham vọng của mình, họ sẽ còn gia tăng áp lực mạnh hơn trên Biển Đông.

Virus corona không chỉ đem đến cái chết cho hàng vạn người và đang đe dọa cuộc sống của hành triệu người trên khắp hành tinh mà nó đang ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới