Friday, May 3, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChiến lược dự trữ dầu mỏ của TQ: Tranh thủ giá dầu...

Chiến lược dự trữ dầu mỏ của TQ: Tranh thủ giá dầu giảm để tích trữ số lượng lớn

Sau khi Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, để duy trì tốc độ phát triển kinh tế, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược dự trữ năng lượng quốc gia nhằm đảm bảo nguồn năng lượng ổn định để đảm bảo vận hành nền kinh tế phát triển bền vững.

Một số kho dầu dự trữ của Trung Quốc

Xây dựng các kho dự trữ dầu chiến lược là bài học kinh nghiệm mà các nước rút ra trong cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973. Khi đó, trong lúc Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu lửa lớn điêu đứng vì thiếu nhiên liệu thì Mỹ lại an toàn do có dự trữ lượng lớn dầu lửa. Kể từ đó, hầu hết các nước đều xây dựng kho xăng dầu dự trữ. Từ năm 1993, khi Trung Quốc bắt đầu chuyển từ nước xuất dầu sang nước nhập dầu, Trung Quốc đã đưa ra phương án dự trữ dầu, nhưng tới năm 2004 mới phê duyệt với tổng đầu tư trên 100 tỉ NDT.

Phương án này chia làm 3 giai đoạn và hoàn thành trong 15 năm. Nội dung cơ bản của chiến lược này gồm 3 phương thức: Thu mua dầu trên thị trường đưa về nước làm nguồn dự trữ ở các kho chứa trong nước. Theo quy hoạch, các kho này có thể đảm bảo cung cấp đủ dầu lửa trong 6 tháng khi có khủng hoảng dầu lửa. Thứ hai, các công ty dầu mỏ của Trung Quốc ở nước ngoài có nhiệm vụ dành ra lượng dầu dự trữ nhất định để cung cấp khi trong nước cần huy động và thứ ba, các công ty dầu mỏ ở trong nước luôn phải dành lượng dầu lửa làm dự trữ khi nhà nước cần huy động. Nhìn chung, phương thức đầu tiên vẫn là chủ yếu vì dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện rất hùng hậu. Theo đó, tổng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tính đến cuối tháng 3/2012 đã lên đến 3.305 tỷ USD. Trước mắt, Trung Quốc đã xây thêm các kho dự trữ dầu chiến lược tại các khu vực kinh tế trọng điểm ở Triết Giang, Đại Liên, Sơn Đông và Quảng Đông.

Tân Hoa xã từng tiết lộ thông tin, Cục thống kê quốc gia của Trung Quốc cho biết nước này có 31,97 triệu tấn dầu dự trữ quốc gia vào đầu năm 2016. Số dầu này đang trữ tại tám cơ sở chiến lược ở Zhoushan, Zhenhai, Dalian, Huangdao, Dushanzi, Lanzhou và Tianjin, cũng như trong một số cơ sở của doanh nghiệp. Theo các số liệu do Viện Nghiên cứu kinh tế và công nghệ thuộc tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), số dầu dự trữ trên tương đương mức nhập dầu trong 36 ngày, tức mức dự trữ thấp hơn nhiều so với của Mỹ (700 triệu thùng) và Nhật Bản (500 triệu thùng). Thế nhưng thông báo chính thức của phía Trung Quốc hoàn toàn không chính xác. Theo báo Washington Post của Mỹ, công ty Orbital Insight chuyên cung cấp hình ảnh vệ tinh vừa cho biết có thể tìm thấy lời giải cho bí mật dầu dự trữ của Trung Quốc thông qua việc phân tích hình ảnh chụp từ trên không. Phía Orbital Insight khẳng định lượng dầu dự trữ hiện tại của Trung Quốc là 600 triệu thùng (tương đương 85,7 triệu tấn) tức nhiều hơn hẳn mức công bố chính thức lẫn mức các chuyên gia quốc tế vẫn suy đoán, và gần bằng lượng dầu dự trữ chiến lược của Mỹ. Công ty Orbital Insight giải thích rằng họ không chỉ đếm số bồn chứa mà còn dùng kỹ thuật hình ảnh để tính ra trong những bồn chứa ấy có bao nhiêu dầu. Thông tin từ Orbital Insight, nếu chính xác, thì điều đó cho thấy Trung Quốc tạo được lượng dự trữ nhiều hơn những phỏng đoán trước đây, có nghĩa là vấn đề về nhu cầu dầu thô trong thời gian gần đây không phải do sức tiêu thụ cao thực tế mà do Trung Quốc có kế hoạch về chiến lược mua trữ.

Mới đây nhất, khi giá dầu thô trên thế giới chạm đáy chưa đến 28 USD/thùng trong ngày 02/4/2020, thấp nhất trong 11 năm qua, Trung Quốc bắt đầu ồ ạt mua dầu thô dự trữ. Chính quyền Bắc Kinh yêu cầu các cơ quan chính phủ phối hợp để nhanh chóng bơm đầy các kho dầu dự trữ, đồng thời sử dụng một số công cụ tài chính cần thiết nhằm mua ồ ạt dầu thô với giá rẻ như hiện nay. Ngoài các kho dự trữ nhà nước, Trung Quốc cũng tận dụng các kho thương mại để trữ dầu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong nước bơm đầy bể chứa. Mục tiêu ban đầu của Bắc Kinh là tăng lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược lên tương đương 90 ngày nhập khẩu và sẽ mở rộng ra thành 180 ngày nhập khẩu nếu tính cả dự trữ thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc SIA Energy và Wood Mackenzie ước tính Trung Quốc có thể bổ sung 80-100 triệu thùng dầu vào kho dự trữ trong năm nay. Tính đến ngày 31/3, quốc gia này sở hữu khoảng 996 triệu thùng dầu dự trữ tại các kho chiến lược và thương mại. Trong khi đó, Mỹ – nền kinh tế số 1 thế giới – hiện có khoảng 635 triệu thùng dầu trong kho dự trữ chiến lược.

Được biết, hiện sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ bên ngoài của Trung Quốc lên tới 55%, tình hình Trung Đông ngày càng căng thẳng không tránh khỏi ảnh hưởng tới giá dầu và hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc. Trước tình hình này, Trung Quốc chỉ có thể nhanh chóng xây dựng hệ thống nhập khẩu dầu mỏ đa nguyên hoá, giảm phụ thuộc nhập khẩu dầu từ Trung Đông, tăng cường nhập khẩu từ các nước khác, trong đó có Nga. Vài năm trở lại đây, Trung Quốc cũng có nhiều nỗ lực, nhưng không gian lựa chọn không nhiều, trong khi tìm kiếm đa dạng hoá nguồn nhập khẩu dầu mỏ cũng hết sức khó khăn. Thời gian gần đây, sản lượng khai thác dầu mỏ của Trung Quốc chỉ duy trì ở mức 500 triệu tấn/năm, số còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.

RELATED ARTICLES

Tin mới