Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mới‘Khẩu chiến’ Thái-Trung: Ngoại giao ‘Chiến lang’ và ngũ mao TQ đuối...

‘Khẩu chiến’ Thái-Trung: Ngoại giao ‘Chiến lang’ và ngũ mao TQ đuối lý

Một cuộc tranh luận kéo theo rất nhiều cư dân mạng ở cả Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông… vào cuộc.

Nguồn cơn bắt đầu từ việc bạn gái của nam diễn viên người Thái đang được ưa chuộng tại Trung Quốc, Vachirawit Chivaaree (còn gọi là Bright), thích một bài viết trên mạng nói về virus Vũ Hán mà người Trung cho là bôi nhọ họ. Thêm vào đó, khi Bright khen ngợi bạn gái xinh như cô gái Trung Quốc thì cô tỏ ý không hài lòng. Và khi một người khác hỏi phong cách cô đang mặc là gì, cô trả lời đó là phong cách Đài Loan. Trước đó, Bright đã thích một bức ảnh trên Twitter liệt kê Hồng Kông là một quốc gia, khiến người hâm mộ Trung Quốc tấn công anh trên mạng, đòi “sửa sai” cho nam diễn viên này.

Mặc dù Bright đã có lời xin lỗi, nhưng cư dân mạng Trung Quốc vẫn chưa nguôi tức giận. Lòng tự tôn dân tộc thái quá và lệch lạc bắt đầu động tới những vấn đề chính trị và dân tộc của Thái Lan và Đài Loan, khiến người dùng mạng của hai quốc gia này cũng như Hồng Kông vào cuộc.

 Một cuộc khẩu chiến xảy ra và người theo dõi dễ dàng nhận thấy sự khác biệt quá xa giữa người sử dụng mạng Trung Quốc với thế giới văn minh còn lại.

Người dùng mạng Trung Quốc chủ yếu dùng những lời lăng mạ hạ thấp Thái Lan và các nước Đông Nam Á nói chung. Khi tìm cách lăng mạ người Thái, họ chuyển tới những chủ đề tồi tệ nhất mà họ có thể tưởng tượng, nhưng tầm hiểu biết của họ thể hiện rõ sự giới hạn đằng sau bức tường lửa kiểm duyệt Internet. Họ bắt đầu thóa mạ chính phủ Thái Lan, nhưng thay vì phẫn nộ như họ mong chờ, người dùng mạng Thái Lan nói rằng họ đã lên án chính phủ của mình từ lâu rồi, không cần người Trung Quốc nói hộ.

Nhà lập pháp Hồng Kông Nathan Law đã viết: “Thật buồn cười khi xem quân đội trực tuyến thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ý nói lực lượng ngũ mao – 5 hào – chuyên định hướng dư luận để nhận lương) đang cố tấn công Bright. Họ nghĩ rằng mọi người dân Thái Lan đều phải như họ, những người yêu hoàng đế Tập (chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình). Điều họ không hiểu là, những người hâm mộ của Bright rất trẻ và tiến bộ, và lực lượng ngũ mao luôn thực hiện các cuộc tấn công sai lầm”.

Một số ví dụ cho thấy sự khác biệt giữa người dùng mạng Thái Lan và Trung Quốc trong cuộc khẩu chiến này: Khi người Trung Quốc nói “chính phủ của các người thật sự tồi tệ”, người Thái đáp trả “chúng tôi biết điều đó 6 năm trước rồi”. Người Trung Quốc nói “Các người không hiểu biết lịch sử”, người Thái đáp lời “Bạn đang nói về sự kiện Thiên An Môn 1989?”. Người Trung Quốc nói “Vua của các người xấu tệ”, người Thái nói “Gấu Pooh của các bạn thật dễ thương” (gấu Pooh là một nhân vật hoạt hình bị cấm tại Trung Quốc chỉ vì có người đã để hình của chú gấu này cạnh hình ông Tập cho thấy sự giống nhau về ngoại hình). Khi người Trung Quốc nói “Đài Loan là một phần của Trung Quốc”, người Thái nói “Pattaya là một phần của Thái và chúng tôi không cần visa để đến đó” (ngụ ý châm biếm người Trung Quốc phải xin visa nếu muốn đến Đài Loan).

Tác giả James Griffiths đã viết trên trang CNN rằng, “trong nhiều năm, những người theo chủ nghĩa dân tộc trên Internet ở Trung Quốc đã vượt qua Bức tường lửa vĩ đại để theo đuổi những lời chỉ trích về đất nước họ trên các trang truyền thông xã hội bị cấm (ở Trung Quốc) như Facebook và Twitter. Họ đã tấn công các trang được điều hành bởi chính phủ Đài Loan, các nhóm ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ và các doanh nghiệp được coi là đã xúc phạm Trung Quốc, bằng các bài viết mang tính bắt nạt và làm tắc nghẽn các tài khoản mạng xã hội”.

 Theo Griffiths, trên nền tảng xã hội của Trung Quốc, cuộc đấu khẩu này đã thu hút hơn 1,4 triệu bài đăng và khoảng 4 tỷ lượt xem. Hoàn cầu Thời báo (Global Times), một tờ báo được nhà nước hậu thuẫn cũng vào cuộc: “Không có gì gọi là thần tượng khi nói đến những vấn đề quan trọng của đất nước chúng ta”.

Tác giả phân tích rằng, thái độ giận dữ của những “tiểu phấn hồng” (cách nói về thế hệ thứ hai của hồng vệ binh, những người có tinh thần dân tộc cực đoan) thể hiện một chủ nghĩa dân tộc dễ bị xúc phạm, liên kết tình yêu đất nước với yêu Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của họ. Và lực lượng này đang gia tăng đáng kể trong những năm gần đây với sự hỗ trợ của cơ quan kiểm duyệt.

Lực lượng này không thể hiểu được rằng ở thế giới bên ngoài bức tường lửa, người dân các nước hầu hết đều không cảm thấy bị xúc phạm khi chính phủ của họ bị chế giễu.

Griffiths cho rằng “giới hạn của trí tưởng tượng chính trị đã bị hạn chế bởi sự kiểm duyệt và tuyên truyền”.

Và không chỉ các “tiểu phấn hồng”, quan chức ngoại giao Trung Quốc gần đây cũng đang thể hiện các chính sách ngoại giao “Chiến lang” rất kỳ dị. Họ hoạch họe các chính khách phương Tây, các cơ quan truyền thông nước ngoài cất tiếng nói tự do về dịch bệnh Vũ Hán.

 Đối với sự việc khẩu chiến Thái-Trung lần này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok cũng không ngồi yên. Hôm 13/4, tài khoản mạng xã hội của Đại sứ quán đã đăng một dòng trạng thái dài bằng 3 thứ tiếng (Trung, Anh, Thái) bày tỏ quan điểm, nhưng lại nhận về lượng lớn bình luận chê trách.

Đại sứ quán khẳng định nguyên tắc Một Trung Quốc là bất di bất dịch, người dùng mạng Thái nói lại: “Người một nhà sẽ không bao giờ đe dọa nhau, nhưng các vị đã chọn cách đàn áp tự do ngôn luận..” (ý nói ở Đài Loan, Hồng Kông) – (Jeffrey Mais).

Đại sứ quán Trung Quốc ca ngợi tình bạn giữa Trung Quốc và Thái Lan, người Thái lại nói rằng: “Thật tốt khi có bạn bè, nhưng các vị có chắc là mình luôn đúng không? Tự do tư tưởng của chúng tôi đâu? Tự do ngôn luận của chúng tôi đâu? Các vị nên xấu hổ về bài đăng này” – (Jazz Suksathapron).

Cho tới bây giờ, cuộc tranh luận vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng có vẻ trong con mắt công luận quốc tế, ai là người thua cuộc đã rõ ràng.

RELATED ARTICLES

Tin mới