Wednesday, May 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới học giả quốc tế: TQ coi thường luật pháp quốc tế,...

Giới học giả quốc tế: TQ coi thường luật pháp quốc tế, phá vỡ hòa bình, ổn định trong khu vực

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19, Trung Quốc lại đẩy mạnh các hoạt động bành trướng ở Biển Đông để củng cố những yêu sách phi pháp. Hành động của Trung Quốc vừa đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, vừa phá hoại hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Malaysia, Việt Nam ở phía Nam Biển Đông; ngang nhiên thành lập cái gọi là “quận Tây Sa”, “quận Nam Sa”; tự ý đặt tên gần 80 đảo, đá, bãi cạn và địa danh dưới đáy biển ở Biển Đông, trong đó có những điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam 50-60 hải lý; cho tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; tiến hành tập trận trái phép trên Biển Đông… là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực. Theo giới nghiên cứu khu vực và quốc tế, cộng đồng quốc tế cần lên án mạnh mẽ những hành vi phi pháp của Trung Quốc.

Giáo sư Jay Batongbacal – Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines nhận định: “Việc Trung Quốc thành lập các quận mới là một nỗ lực để chứng minh họ có quyền kiểm soát tuyệt đối các vùng biển tranh chấp”. Những năm gần đây, Trung Quốc đã biến các đảo nhân tạo thành “tiền đồn” chiến lược về quân sự với trang bị vũ khí hiện đại, bến cảng, đường băng, các cơ sở thông tin liên lạc… để chủ động ứng phó tình hình và mở rộng khả năng theo dõi, giám sát hoạt động của các quốc gia quanh Biển Đông. Các hành động phi pháp, nặng tính khiêu khích diễn ra với tần suất dày đặc của Trung Quốc đặt các quốc gia trong khu vực trong tình trạng “bên miệng hố chiến tranh”. Trung Quốc đang cố gắng khuấy động an ninh Biển Đông, đe dọa lợi ích hợp pháp của các quốc gia, làm xói mòn luật pháp quốc tế và thử thách tinh thần đoàn kết của các quốc gia ASEAN. Tham vọng của Trung Quốc là từng bước “gặm nhấm” toàn bộ Biển Đông. Giai đoạn trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã công bố yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp, tiến hành bồi đắp và tôn tạo trái phép các thực thể ở Biển Đông. Trung Quốc cũng công khai chối bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 khẳng định nước này không có quyền lịch sử ở biển Đông và yêu sách “đường chín đoạn” không có cơ sở pháp lý. Không chỉ tuyên bố thành lập quận “Tây Sa” và “Nam Sa”, Bộ Dân chính Trung Quốc ngày 19/4 còn công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở biển Đông. Lần này, Trung Quốc lại ngang nhiên tiến thêm một bước để theo đuổi các yêu sách phi pháp và âm mưu hiện thực hóa “đường chín đoạn” ở Biển Đông. Bất chấp đại dịch, Trung Quốc vẫn không ngừng thách thức các quốc gia và đe doạ an ninh Biển Đông. Về lâu dài, hành động của Trung Quốc là nhằm định hình nhận thức phổ quát về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông qua “đường chín đoạn”. Trung Quốc muốn chứng tỏ quốc gia này hoàn toàn có khả năng quản lý hành chính, tiến hành các hoạt động kinh tế và triển khai quân sự tại vùng biển này. 

Ông Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), đồng thời là nghiên cứu viên chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định Trung Quốc đang từng bước lấy bộ mặt dân sự che đậy các hoạt động quân sự phi pháp ở Biển Đông. Động thái mới này cũng xuất phát từ cùng một lý do giải thích hành vi trước đó của Trung Quốc, đó là: Bắc Kinh tuyên bố đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu khoa học mới trên hai thực thể ở Biển Đông hồi đầu năm nay (đó là đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam), hay như việc Trung Quốc hao tâm tổn sức trong việc tuyên truyền (cái mà nước này gọi là) dự báo thời tiết, tìm kiếm và cứu nạn, quản lý đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn những gì Trung Quốc nói. Bởi lẽ tất cả thứ đó đều là các căn cứ quân sự và những cơ quan hành chính “dân sự” (như hai quận đảo mới do Trung Quốc lập ra) trên thực thể không có gì khác biệt. Ngoài ra, Trung Quốc đang gia tăng sự kiểm soát đối với các hoạt động thời bình ở Biển Đông thông qua chiến dịch quấy rối các nước bằng lực lượng hải cảnh và dân quân biển. Chiến dịch này ngày càng trở nên nguy hiểm hơn và có thể khiến các tàu cá của ngư dân cũng như các đơn vị khai thác dầu khí thương mại (của các nước khác) phải chịu những tổn thất rất lớn để duy trì hoạt động. Rất buồn khi điều này đã xảy ra vài năm gần đây đối với một số công ty khai thác dầu khí. Nếu không làm gì đó để can thiệp để thay đổi thì Trung Quốc sẽ có thể độc quyền kiểm soát. Đến khi đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành xử vi phạm luật pháp quốc tế của họ đều sẽ không đủ và quá muộn.

Giáo sư James Kraska, Trung tâm Luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ cho rằng Trung Quốc muốn khẳng định cái gọi là “Thành phố Tam Sa” hiện đã chiếm hữu diện tích hơn 2 triệu km2, tức là Thành phố lớn nhất thế giới và lớn hơn cả diện tích nhiều nước. Việc một quốc gia ven biển tuyên bố chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ đối với vùng biển rộng quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở là bất hợp pháp. Như vậy, Trung Quốc đang xem thường các cam kết đối với UNCLOS năm 1982 mà họ đã ký.

Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye tại Honolulu, Hawaii (Mỹ), cho rằng “dường như thậm chí khi đang chiến đấu với đại dịch, Trung Quốc vẫn nuôi các mục tiêu chiến lược lâu dài”. Trung Quốc muốn tạo ra một điều bình thường mới ở Biển Đông, nơi họ muốn kiểm soát và hành động để trở nên ngày càng hung hăng hơn.

Ông Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông tại Chatham House, một tổ chức nghiên cứu của Anh, cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động gần đây của Trung Quốc; cho rằng “không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể ngập nước trừ khi chúng nằm trong vùng lãnh hải 12 hải lý. Trung Quốc không hiểu điều này hay cố tình vi phạm luật pháp quốc tế?. Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), vốn đã nói rõ những điều mà các nước có thể hay không thể tuyên bố chủ quyền. Nhưng Trung Quốc dường như cố tình đi ngược UNCLOS bằng cách khẳng định chủ quyền ở những nơi rất xa”.

Ông Grigory Loksin, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN – Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng, hành động của Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982, làm cho tình hình khu vực càng trở nên phức tạp và căng thẳng; cho rằng, ban lãnh đạo Việt Nam đã xây dựng một chính sách có trách nhiệm và hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại. Theo ông, Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, đồng thời nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp để đoàn kết ASEAN và đưa ra quan điểm chung về các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đang nỗ lực để làm rõ lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông và giành được sự ủng hộ của nhiều quốc gia. Việt Nam đã và đang kiên trì theo đuổi chính sách hội nhập cởi mở và đường lối ngoại giao đa phương. Điều này đã mang lại cho Việt Nam thành công lớn và uy tín cao trên trường quốc tế

Chuyên gia Vladimir Kolotovcho rằng hành động của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ phản tác dụng, làm leo thang tình hình căng thẳng và đe dọa sự ổn định ở khu vực Đông Á.Theo ông Kolotov, vấn đề Biển Đông cần được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế. Bên cạnh việc tận dụng lợi thế là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam có thể đồng thời đẩy mạnh ngoại giao nhân dân thông qua các tổ chức hữu nghị với các nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao – chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển và phân định biên giới cho rằng, việc chính quyền Trung Quốc phê chuẩn lập hai quận, gồm Tây Sa (đặt chính quyền ở Phú Lâm) và Nam Sa (đặt chính quyền ở đá Chữ Thập), nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam là một việc làm sai trái, làm căng thẳng tình hình, ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo đó, năm 2012, Trung Quốc lập cái gọi là thành phố Tam Sa để tự cho mình có quyền quản lý các quần đảo (Sa) nằm trong phạm vi “đường chín đoạn” phi lý ở Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016, để tránh sử dụng tên “đường chín đoạn” đã bị Tòa bác bỏ, Trung Quốc đẩy mạnh sử dụng tên gọi “Tứ Sa” kết hợp giải thích mập mờ các vùng biển theo Công ước Luật biển và chính thức yêu sách nó thông qua Công hàm ngày 23/3/2020 gửi Liên Hợp Quốc. Quyết định thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là vi phạm chủ quyền Việt Nam. Quyết định này của Trung Quốc nhằm mở rộng sự hiện diện và thiết lập hệ thống quản lý hành chính trên các bãi cạn nửa nổi nửa chìm mà họ đã mở rộng thành các đảo nhân tạo với hạ tầng thiết yếu cơ bản từ năm 2014. Việc này còn nhằm bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài và hạn chế quyền tự do đi lại của tàu thuyền các nước trên Biển Đông. Đây rõ ràng là một việc làm sai trái, làm căng thẳng tình hình, ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Không loại trừ bước tiếp theo Trung Quốc sẽ bao vây, buộc các nước rút khỏi các đảo và sẽ hợp pháp hóa ranh giới hành chính trên biển.

Chuyên gia Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định, trong bối cảnh này, Trung Quốc, với dã tâm đã có từ lâu, vẫn tìm mọi cách để độc chiếm Biển Đông. Độc chiếm Biển Đông thì họ mới có thể hoàn thành “giấc mơ Trung Hoa”, tức đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới. Mặc dù bị phản đối rất nhiều, Trung Quốc vẫn chọn những lúc như thế này, tức những lúc thế giới không dành nhiều sự chú ý cho Biển Đông vì bận xử lý việc khác, để ra tay. Việc này cho thấy dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ phai nhạt và Bắc Kinh sẽ luôn tìm mọi cách để biến nó thành hiện thực. Bên cạnh đó, việc tuyên bố thành lập “chính quyền nhân dân” này thực tế chỉ là hành động đơn phương từ phía Trung Quốc và hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Theo luật pháp quốc tế, nếu muốn tuyên bố có giá trị pháp lý quốc tế thì thứ nhất, bạn phải dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai, bạn phải có được sự công nhận của các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, những gì Trung Quốc đã và đang làm hoàn toàn đi ngược luật pháp quốc tế, cụ thể: (i) Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng việc họ sử dụng vũ lực để chiếm đóng vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, không mang lại cho Trung Quốc chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này. Việt Nam rất nhiều lần khẳng định chủ quyền lâu đời và không thể tranh cãi với hai quần đảo, được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Mới đây nhất, trong công hàm gửi lên Liên Hợp Quốcngày 30/3, chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định điều này. Ngoài ra, việc Trung Quốc tuyên bố rằng “chính quyền nhân dân” mới không những quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn quản lý vùng biển xung quanh hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982, công ước lớn nhất về luật biển mà Trung Quốc cũng là thành viên, các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng. Những thực thể ở Trường Sa, cũng như bãi Macclesfield mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Trung Sa”, đều thuộc dạng này. Về thái độ của các quốc gia liên quan, rõ ràng Việt Nam đã lên tiếng phản đối ngay lập tức và Philippines cũng lên tiếng phản đối. Tôi tin quốc gia khác cũng sẽ lên tiếng phản đối. Không những vậy, Trung Quốc đang tìm mọi cách để chiếm đoạt, không chỉ ở Trường Sa, Hoàng Sa mà họ còn lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta, vốn đã được thừa nhận theo công ước luật biển. Nếu họ đặt tên như vậy thì sau này họ sẽ rêu rao rằng đảo này, đá này là của Trung Quốc lâu đời rồi, Trung Quốc đã đặt tên rồi, vùng biển này là của Trung Quốc và nếu như chúng ta có hoạt động khai thác thì họ sẽ cho là xâm phạm. Tức là họ tìm mọi cách để biến “không” thành “có” và chúng ta phải ngăn chặn ngay từ đầu.

Giới truyền thông các nước cũng kịch liệt lên án những hành vi trên của Trung Quốc. Tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 21/4 cho rằng, hành động của Trung Quốc đã phớt lờ yêu sách của các bên liên quan trong khu vực, vi phạm các quy tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Tờ báo nhấn mạnh, mọi quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông. Cùng ngày, trang Channel News Asia nhận định, hành động của Trung Quốc là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự “đi xa” quá mức của Bắc Kinh. Trong khi đó, các hãng thông tấn và một số tờ báo lớn của Nga đã đưa lại nội dung tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc thành lập hai quận thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Được biết, trước những hành động ngang ngược, quấy phá và trái phép của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.

RELATED ARTICLES

Tin mới