Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhuyến nghị của giới học giả: Cộng đồng quốc tế cần chung...

Khuyến nghị của giới học giả: Cộng đồng quốc tế cần chung tay đối phó với TQ

Trung Quốc liên tiếp có những việc làm ngang ngược và phi pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định trong khu vực. Để ngăn chặn những hành vi trên, cộng đồng quốc tế, nhất là những nước có lợi ích trong khu vực cần đoàn kết, chung tay đối phó với Trung Quốc.

Từ đầu tháng 3 đến nay, Trung Quốc liên tục có các hành vi khiêu khích, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực như cho tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, tàu tàu thăm dò vào hoạt động trái phép trong vùng biển của các nước ven Biển Đông, tăng cường tuần tra, tập trận trên biển, thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông, trong đó phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam… Những hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và làm căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông của Trung Quốc liên tiếp diễn ra trong bối cảnh các quốc gia khu vực và cả thế giới đang dồn hết sức lực nhằm chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19). Đại dịch này bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc và lây lan ra toàn thế giới, khiến 2.572.603 người mắc và 178.548 người tử vong trên toàn thế giới. Hàng loạt hành động gây căng thẳng và phức tạp tình hình Biển Đông vừa qua của Trung Quốc cho thấy rõ quốc gia này đang gia tăng các hoạt động xâm chiếm Biển Đông bất chấp phản đối của quốc tế. Rõ ràng Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan ở Biển Đông để ngang ngược có những hành vi phi pháp, gây căng thẳng trong bối cảnh cả khu vực và thế giới đều đang căng sức, gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19.

Trước những hành động trên của Trung Quốc, giới nghiên cứu khu vực và quốc tế đã đưa ra một số khuyến nghị về biện pháp đối phó với Trung Quốc. Trong đó, giới chuyên gia cho rằng là siêu cường thế giới, Mỹ có vai trò và lợi ích khi dự phần vào an ninh khu vực. Việc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực là đúng đắn nhưng chưa đủ. Mỹ cần kết hợp gây áp lực lên Trung Quốc và phát triển quan hệ gắn bó hơn với ASEAN. Mỹ giúp ASEAN “chống đỡ” trước áp lực của Trung Quốc và ngược lại, khối này là bệ đỡ chính danh cho sự hiện diện và lợi ích của Mỹ ở Biển Đông. Mỹ cũng cần ủng hộ vai trò của ASEAN và siết chặt quan hệ với tổ chức này hơn bao giờ hết. Nếu Mỹ chậm chân, đại dịch sẽ khoét sâu khoảng trống quyền lực, tạo cơ hội để Trung Quốc thể hiện “tinh thần hào hiệp” nhằm củng cố ảnh hưởng và thắt chặt vòng kìm kẹp ở Biển Đông. Hơn nữa, khi dấu chân quân sự của Trung Quốc hiện diện rộng khắp ở Biển Đông thì ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm đáng kể. Do đó, để thúc đẩy tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ cần tăng cường tuần tra hàng hải để gây áp lực lên Trung Quốc. Những động thái gần đây chứng tỏ Trung Quốc có thể gia tăng quân sự hóa Biển Đông trong thời gian tới. Nên sự hiện diện quân sự của Mỹ và các thành viên còn lại trong “tứ giác kim cương” là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc có thể tạo gọng kìm chặt hơn để giới hạn cũng như làm suy yếu các hành vi khiêu khích của Trung Quốc.

Ngoài ra, quân đội Mỹ không thể giải quyết vấn đề này. Hải quân Mỹ có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs), gia tăng số lượng tàu mà Mỹ triển khai đến khu vực, đồng thời giúp đỡ các quốc gia ven biển xây dựng năng lực đảm bảo an ninh hàng hải. Tất cả việc làm này đều cần thiết nhưng thực tế là chưa đủ (để đối trọng Trung Quốc). Nhà Trắng cần phải can thiệp và chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đầu, thực hiện một chiến dịch quốc tế nhằm định danh và vạch trần (lối hành xử phạm pháp của) Trung Quốc về mặt ngoại giao, kêu gọi sự đồng thuận, tham gia từ châu Âu và các nước khác. Chính phủ Mỹ cũng cần phải huy động Bộ Tài chính nước này vào cuộc, chí ít là có thể xem xét trừng phạt các cá nhân và tàu thuyền của lực lượng dân quân biển Trung Quốc hành xử phạm pháp ở Biển Đông, tương tự như cách mà Mỹ đã trừng phạt các lực lượng dân quân của Nga ở Ucraina. Chính phủ Mỹ cũng cần phải tìm cách khắc phục những thiệt hại hay đổ vỡ trong mối quan hệ đồng minh giữa nước này và Philippines. Điều này nhằm tạo điều kiện để các lực lượng quân đội của Mỹ có thể quay lại tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines như được thể hiện trong “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” (gọi tắt là EDCA) giữa Philippines và Mỹ năm 2014.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể giúp Việt Nam có khả năng kêu gọi tăng cường đàm phán đa phương. Bởi lẽ đàm phán đa phương giúp ASEAN có thêm sức mạnh thương lượng. Với các quốc gia trong khu vực, đương đầu trực diện với Trung Quốc không phải là lựa chọn khôn ngoan. Đại dịch càng diễn biến phức tạp, Trung Quốc càng tiếp tục các hoạt động bành trướng ở biển Đông. Việt Nam có thể trên cơ sở đó để làm “cầu nối”, khuyến khích quan hệ gắn kết hơn giữa ASEAN và Mỹ.  Việc này được thực hiện thông qua các sáng kiến đa phương và các hành động phối hợp ở Biển Đông với sự can dự và vai trò lớn hơn của các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc. 

Việt Nam nên dùng vai trò chủ tịch ASEAN để kêu gọi các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Indonesia, Malaysia và Philippines, để chí ít là cùng nhau lên tiếng một cách trung thực về sự quấy rối (từ phía Trung Quốc) mà những quốc gia này đang phải đối mặt trên biển. Việt Nam cũng nên yêu cầu tổ chức một cuộc đàm phán riêng, song song với đàm phán về Quy tắc ứng xử biển Đông (COC – giữa ASEAN và Trung Quốc), để các quốc gia có tuyên bố chủ quyền có thể đạt được thỏa thuận về quản lý đánh bắt hải sản, nguồn tài nguyên dưới đáy biển và những vấn đề khác nằm ngoài phạm vi COC. Không những vậy, Việt Nam nên yêu cầu tổ chức các chương trình thảo luận hiệu quả về các vấn đề gai góc nhất thuộc phạm vi COC, bao gồm: Liệu bộ quy tắc này có được áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa hay không, hay liệu rằng COC sẽ bao gồm các chế tài hay cơ chế giải quyết tranh chấp hay không. Nếu câu trả lời là “không” (như phía Trung Quốc mong muốn) thì các chương trình đối thoại sẽ thất bại. Vì vậy, trong trường hợp đó, tốt hơn là nên chấm dứt ngay lập tức việc đàm phán từ sớm để không phải tốn thêm khoảng thời gian vài năm nữa.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã thống kê khoảng chừng 3.000 thực thể ở Biển Đông, với một số dự án tôi biết cũng đã được thực hiện lâu rồi. Việt Nam cũng nên tập hợp dữ liệu, những thực thể nào của mình thì mình đặt tên cho nó, công bố tên gọi cũng như bản đồ chính thức cho quốc tế. Ngoài mục đích nâng cao nhận thức cho người dân trong nước thì việc này cũng góp phần củng cố tuyên bố với thế giới rằng những thực thể đó thuộc chủ quyền Việt Nam.

Các sáng kiến của ASEAN dù được thể chế hóa nhưng thiếu vắng sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh chủ chốt sẽ khó tạo sức ép toàn diện lên Trung Quốc. Vì vậy, những nỗ lực phối hợp có thể góp phần hạn chế các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, làm giảm áp lực của Trung Quốc trong các quan hệ song phương. Những hành vi “lợi mình, hại người” gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đang nhắc nhở các quốc gia về tâm thế luôn luôn cảnh giác trong bảo vệ chủ quyền. Các quốc gia ASEAN và Mỹ đang bị đe dọa bởi cuộc chiến “không có tiếng súng” của Trung Quốc ở Biển Đông. Một nỗ lực phối hợp và thống nhất để ngăn chặn các hành động bá quyền khu vực của TQ đang trở nên cấp thiết. Hành động can dự rõ nét, có tính phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh song hành cùng quyết tâm lớn hơn của ASEAN có thể giúp kiềm chế chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cũng có ý kiến cho rằng các tuyên bố chỉ trích không thường xuyên, đặc biệt khi chúng chỉ xuất phát từ phía Mỹ, Việt Nam hay thi thoảng từ Nhật Bản, Úc sẽ không đủ (khiến Trung Quốc sợ hãi). Cách duy nhất để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc là tập hợp sức ép quốc tế, có thể bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế, từ đó buộc Trung Quốc hiểu rằng việc bắt nạt ở Biển Đông đang làm suy yếu lợi ích toàn cầu của họ. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì phải cần đến sự lên tiếng và ủng hộ lâu dài từ phía châu Âu và các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông (đặc biệt là Philippines) cũng như các nước khác vốn đã im hơi lặng tiếng từ năm 2016. Mỹ và Việt Nam không thể đơn độc làm tất cả điều này.

Trong khi đó, giới học giả Việt Nam cho rằng Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, biết rõ cái giá của chiến tranh nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh vì độc lập tự do và bảo toàn chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng trên Biển Đông. Công hàm ngày 30/3/2020 và các tuyên bố khác của Việt Nam luôn khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý đúng đắn để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam luôn cùng các nước đấu tranh để đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực pháp lý, nhằm ngăn ngừa những hành động không tôn trọng luật quốc tế, làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam luôn kêu gọi  các nước hợp tác, tìm kiếm một giải pháp hòa bình, cơ bản và lâu dài cho vấn đề Biển Đông. Mặt khác Việt Nam cần luôn cảnh giác và đẩy mạnh xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc phòng của đất nước, sẵn sàng với mọi tình huống có thể xảy ra.

Được biết, trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông gần đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (21/4) cho biết là quốc gia ở Biển Đông và thành viên ASEAN, Việt Nam quan tâm, theo dõi sát tình hình. Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới