Monday, May 6, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để đánh bóng hình ảnh...

TQ đang lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để đánh bóng hình ảnh và thu lợi bất chính

Trong bối cảnh các nước phương Tây và Mỹ đang vật lộn chống dịch bệnh, Trung Quốc lại tìm cách đánh bóng hình ảnh, trách nhiệm và nghĩa vụ của Bắc Kinh đối với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng y tế kém chất lượng để thu lợi bất chính.

Sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, nước này bắt đầu triển khai và thực hiện kế hoạch “thu lợi” từ dịch bệnh.

Đầu tiên, Trung Quốc dùng dịch bệnh để đánh bóng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Theo báo Thế giới của Đức, từ đầu tháng 3, Bộ Ngoại giao và Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức đã gửi thư cho các bộ để cảnh báo về những nỗ lực vận động hành lang để các quan chức chính phủ Đức ca ngợi các biện pháp chống dịch của Trung Quốc; đồng thời khuyến cáo rõ các cơ quan chức năng của Đức không làm theo các câu hỏi và vận động hành lang của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức cho biết, các quan chức Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy chính sách tuyên truyền về việc họ chống dịch bệnh COVID-19. Mục đích của việc này là cố gắng làm lung lay nhận thức của bên ngoài về Trung Quốc là nguồn gốc của dịch bệnh; đồng thời nhấn mạnh động thái của Trung Quốc cung cấp viện trợ cho các nước phương Tây, “từ đó thể hiện hình ảnh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như một đối tác đáng tin cậy trong việc bình tĩnh đối phó với cuộc khủng hoảng”.

Thứ hai, mở rộng ảnh hưởng chính trị. Vào lúc Âu Mỹ khốn khổ vì thiếu khẩu trang và máy trợ thở, truyền thông tại Bắc Kinh rầm rộ đưa tin những chuyến máy bay chở đầy ắp hàng made in China đã đáp xuống các phi trường quốc tế. Đấy là những kiện hàng chính quyền Trung Quốc “gửi tặng”, của hãng điện thoại Xiaomi hay của nhà tỷ phú chủ nhân Alibaba, của một giáo hội công giáo nào đó ở Trung Quốc gửi tới nhằm giảm bớt áp lực virus corona gây nên. Ý, Pháp, Tây Ban Nha cùng nhiều nước Đông Âu đã nhận khẩu trang sản xuất từ Trung Quốc. Ngày 12/03/2020, chuyến bay đầu tiên từ Tứ Xuyên đáp xuống Roma với khoảng một chục bác sĩ và y tá. Cùng với kinh nghiệm dập dịch tại Hồ Bắc còn có cả 2 triệu khẩu trang y tế bình thường, 100.000 khẩu trang cao cấp, 50.000 kit xét nghiệm, và 1.000 máy hô hấp. Trước đó, hãng điện thoại Xiaomi trên Facebook thông báo gửi vài chục ngàn khẩu trang sang Ý để cảm ơn nước này đã mở rộng vòng tay cho Xiaomi vào Ý hoạt động. Với Paris, Bắc Kinh cũng đã có cử chỉ hào phóng tương tự. Trung Quốc gửi tặng Pháp 1 triệu khẩu trang, nhưng không thấy nhắc lại rằng trước đó đúng một tháng Pháp đã chuyển 17 tấn trang thiết bị y tế đến Trung Quốc.

Đại diện cao cấp của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết, trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã quyên tặng hoặc bán các vật tư chống dịch bệnh thiết yếu cho nhiều nước châu Âu như Italy , Pháp và Đức; nhấn mạnh động thái này của Trung Quốc là có ý đồ nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị. Trong khi đó, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (Fondation pour la Recherche Stratégique) nhấn mạnh, các cử chỉ hào phóng đó của Bắc Kinh trước hết bao hàm một ý nghĩa chính trị rất lớn. Trung Quốc tìm cách xóa tội đã ỉm thông tin về tầm mức nguy hiểm của virus corona chủng mới, để rồi, cả thế giới rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình muốn “ghi một bàn thắng” quan trọng với công luận trong nước rằng Trung Quốc không chỉ giúp đỡ các nước chậm phát triển, mà ngay cả những nền công nghiệp hàng đầu của thế giới, như Ý hay Pháp trong câu lạc bộ G7 cũng phải chịu ơn Bắc Kinh.

Thứ ba, dùng dịch bệnh để bôi nhọ, tác động chính sách của các nước. Trung Quốc gần đây đã ráo riết mua quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và sử dụng một sách lược tiến công trên mạng nhằm cố gắng tạo dựng hình ảnh tích cực của họ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19. Theo giới nghiên cứu, các hành động mà Trung Quốc đã thực hiện bao gồm mua quảng cáo trên Facebook để quảng bá các bài viết trên các cơ quan truyền thông chính thức bằng tiếng Anh hoặc đăng lên Twitter. Trong một số trường hợp, điều này gây hại tới các nỗ lực chống lại căn bệnh COVID-19 của Mỹ. Theo Recorded Future, một công ty tư vấn an ninh mạng của Mỹ, hoạt động của Trung Quốc chủ yếu trên Facebook và Twitter. Từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, các nền tảng mạng xã hội có liên quan đến truyền thông chính thức Trung Quốc đã đăng hơn tới 3.300 bài mỗi ngày, nhiều hơn ba lần so với lúc bình thường. Các nhà nghiên cứu nói Trung Quốc vung tiền mua quảng cáo, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội để tác động đến quan điểm của các nước nói tiếng Anh về Trung Quốc.

Thứ tư, tăng cường quyền lực mềm và thúc đẩy bẫy nợ kinh tế. Hiện các doanh nghiệp, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư và cho vay lớn trên thế giới, bao gồm những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, những quốc gia đang phát triển không thể trả nổi khoản vay với lãi suất cao để thực hiện dự án cơ sở hạ tầng, buộc phải trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát tài sản của nước mình. Báo cáo năm 2018 của 2 nhà nghiên cứu Sam Parker và Gabrielle Chefitz thuộc Đại học Harvard (Mỹ) chỉ đích danh 16 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi là đối tượng nằm trong chính sách ngoại giao sổ nợ của Trung Quốc. Trong đó, Pakistan, Djibouti và Sri Lanka có nguy cơ vỡ nợ cao nhất. Báo cáo nhận định Trung Quốc lợi dụng những quốc gia không thể trả những khoản nợ khổng lồ để “thâu tóm tài sản chiến lược hoặc gây sức ép chính trị” nhằm mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cô lập các đồng minh của Mỹ và củng cố vị thế ở Biển Đông.

Thứ năm, thu lợi từ việc bán trang thiết bị y tế kém chất lượng. Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu trang thiết bị y tế lớn nhất thế giới. Kể từ ngày 1/3 đến nay, với đơn đặt hàng từ hơn 50 quốc gia, Trung Quốc đã xuất khẩu gần 4 tỷ khẩu trang, hơn 37 triệu bộ quần áo bảo hộ, 16.000 máy thở và gần 3 triệu bộ dụng cụ thử nghiệm COVID-19. SCMP cho biết hơn 7.500 công ty Trung Quốc đã lắp đặt dây chuyền sản xuất khẩu trang sau khi được chính phủ bật đèn xanh cho phép xuất khẩu, đẩy sản lượng khẩu trang mỗi ngày lên 160 triệu chiếc. Tuy nhiên, hàng loạt quốc gia như Hà Lan, Philippines, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha đã phàn nàn về các sản phẩm y tế không đạt tiêu chuẩn hoặc bị lỗi xuất xứ từ Trung Quốc. Hà Lan đã thu hồi 600.000 khẩu trang trong lô hàng 1,3 triệu chiếc từ Trung Quốc vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tây Ban Nha cũng từ chối hàng nghìn bộ kit xét nghiệm nhanh từ một công ty chưa được cấp phép của Trung Quốc sau khi nhận thấy chúng không đáng tin cậy. Tại Philippines, một quan chức thuộc Bộ Y tế nước này cũng đặt câu hỏi về chất lượng của các bộ xét nghiệm do Trung Quốc viện trợ. Điều này khiến Bắc Kinh tức giận, dẫn tới việc Bộ Y tế Philippines phải lên tiếng đính chính và khẳng định những kit này đạt chuẩn WHO.

RELATED ARTICLES

Tin mới