Monday, June 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐài Loan phóng thử tên lửa hành trình tấn công mặt đất...

Đài Loan phóng thử tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa: Thông điệp cứng rắn gửi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Viện Khoa học và Công nghệ Trung ương Chung-Shan của Đài Loan (NCSIST, 15/4) đã phóng thử một tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa (LACM) mới mang tên Yun Feng. Đây được coi là động thái mới của Đài Loan nhằm đáp trả những lời đe dọa thống nhất từ Trung Quốc.

Theo thông tin trên, Viện Khoa học và Công nghệ Trung ương Chung-Shan (15/4) đã phóng thành công tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa (LACM) có tầm bắn từ 1.500 đến 2.000 km, tại căn cứ Jiupeng ở Pingtung, miền Nam Đài Loan. Theo các thông tin công khai, tên lửa Vân Phong sử dụng Động cơ phản lực dòng thẳng (động cơ Ramjet) làm động cơ chính để tránh xung đột với Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, tên lửa này còn được tích hợp 4 động cơ nhiên liệu rắn của tên lửa Thiên Cung 2 để làm bộ đẩy gia tốc. Trong quá trình phóng, 4 bộ đẩy này sẽ phụ trách việc đưa tên lửa đến độ cao tiêu chuẩn, sau đó lợi dụng luồng khí tốc độ cao để khởi động động cơ ramjet. Cấu trúc này tương đối đơn giản và có thể duy trì tên lửa đạt được vận tốc siêu thanh. Tên lửa mang đầu đạn nổ phân mảnh thông thường hoặc đầu đạn giữ chậm nhằm xuyên sâu xuống các hầm ngầm vững chắc rồi mới phát nổ. Vũ khí này có kết cấu khung thân vững chắc và có thể đạt tốc độ Mach 3 (khoảng 3.704 km/h). Tên lửa Vân Phong trước đây sử dụng bệ phóng cố định trên mặt đất, tuy nhiên thông qua cải tiến, tên lửa này đã có thể phóng từ các xe phóng di động của tên lửa phòng không Thiên Cung 2, nhưng góc phóng đã bị giảm đáng kể. Mỗi xe chỉ có thể bố trí 1 quả tên lửa Vân Phong,

Theo báo cáo, kể từ sự thất bại của tên lửa phòng không tầm xa Thiên Cung 3, cơ quan này đã liên tục thử nghiệm tên lửa ở vùng biển phía đông Đài Loan, vào các này 5, 6, 12, 13, 14, 15, 18 và 19/4. Trọng tâm của hoạt động này là vào ngày 14 và 15/4, tại khu vực biển từ Thái Bình Dương đến khu vực ngoài khơi Nghi Lan, độ cao thử nghiệm là không giới hạn. Đối với hoạt động thử nghiệm lần này, Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan khẳng định, việc phát triển và thử nghiệm các loại vũ khí khác nhau đều đưa ra các cảnh báo rộng rãi theo đúng quy định và luật pháp hiện hành của quốc tế, hoạt động thử nghiệm này là “bí mật quốc phòng” nên cơ quan này sẽ không cung cấp thêm thông tin.

Giới truyền thông Đài Loan cho biết, nước này đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại hình tên lửa tấn công tầm xa. Tháng 8 năm 2019, NCSIST đã bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa Vân Phong và họ đã được cấp 450 triệu USD để sản xuất ít nhất 20 tên lửa này cùng với 10 bệ phóng di động. Được biết, từ năm 2017, truyền thông Đài Loan đã tiết lộ kế hoạch nghiên cứu và phát triển tên lửa Vân Phong, theo kế hoạch, đây là tên lửa đất đối không tầm trung, được phát triển trong 10 năm, dự án này được liệt vào danh sách các dự án có tính bí mật cấp cao nhất, Đài Loan dự định phát triển 2 biến thể, một loại có tầm phóng 1.200 km và loại còn lại có tầm phóng lên đến 2.000 km, Bắc Kinh, Thượng Hải, thậm chí là đập Tam Hiệp hoàn toàn nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa này.

Theo báo cáo, Quân đội Đài Loan có ba kế hoạch phát triển tên lửa tấn công mặt đất, gồm: Tên lửa hành trình Hùng Phong-2E; tên lửa đạn đạo tầm ngắn – biến thể của tên lửa phòng không Thiên Cung, gọi là “Dự án Thanh Phong”, tên lửa này có tầm phóng 1.000 km; dự án Vân Phong, tên lửa này cũng được phát triển trên cơ sở tên lửa Thiên Cung, dự án này nhằm nâng cao khả năng răn đe chiến lược của Đài Loan trước các hành động bao vây ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc. Ngoài tên lửa Vân Phong, Hùng Phong-2E cũng được coi là một trong những vũ khí “sát thủ” của Đài Loan. Hùng Phong-2E có tầm bắn 600 km, và là biến thể tên lửa hành trình Hùng Phong duy nhất được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công mặt đất. Hùng Phong-2E có bộ tăng tốc nhiên liệu rắn và động cơ phản lực nhiên liệu lỏng. Nó được cho là có độ chính xác 15 mét CEP, có nghĩa là, 50 % tên lửa bắn sẽ rơi trúng trong phạm vi 15 mét hoặc gần hơn so với mục tiêu. Nó mang một đầu đạn phân mảnh hoặc xuyên giáp.

Chuyên gia Su Tzu-yun, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (INDSR) cho biết, tên lửa có thể được triển khai để làm suy yếu khả năng chiến đấu của Trung Quốc. Vũ khí này được cho là có thể tấn công các mục tiêu chiến lược bao gồm sân bay, bến cảng và căn cứ chỉ huy ở miền Trung Trung Quốc. Theo ông Su Tzu-yun, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, vùng lãnh thổ này sẽ có khả năng tự vệ tốt hơn nếu có thể tiến hành cuộc tấn công vào các căn cứ không quân Trung Quốc. Trong khi đó, chuyên gia Tống Trung Bình của Hồng Công nhận định Đài Loan đang tập trung vào việc tăng cường tự vệ và xây dựng mạng lưới phòng thủ toàn diện trên không và trên biển, nhằm chống lại các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc đại lục.

Được biết, Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Bắc Kinh và thực thi chính sách “Một nhà nước hai chế độ” đối với vùng lãnh thổ này. Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đang gia tăng áp lực cả về quân sự, ngoại giao, kinh tế, chính trị để thống nhất với Đài Loan.

Phát biểu tại buổi kỷ niệm 40 năm ban hành Văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1/2019) cho rằng, trải qua 70 năm chia tách, mối quan hệ xa cách ban đầu giữa Trung Quốc Đại lục và Đài loan đã thu hẹp lại dựa trên nguyện vọng chung của người dân hai bờ và Đài Loan có đóng góp lớn cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trung Quốc và Đài Loan đã đạt được “Nhận thức chung 1992” dựa trên nguyên tắc “Một Trung Quốc” và các trao đổi chính trị giữa hai bờ đã đạt tầm cao mới. Ông Tập Cận Bình cũng đưa ra đề xuất dựa trên nền tảng chính trị chung là kiên trì “Nhận thức chung 1992”, phản đối “Đài Loan độc lập”, các chính đảng, các tầng lớp ở hai bờ eo biển hãy đề cử những nhân vật đại diện để triển khai hiệp thương dân chủ sâu rộng về tương lai dân tộc và quan hệ hai bờ và để đạt được những sắp xếp mang tính chế độ trong thúc đẩy quan hệ hai bờ phát triển hòa bình. Ông Tập Cận Bình tuyên bố không ai có thể thay đổi thực tế rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và người dân ở hai bờ eo biển Đài Loan nên hướng tới “sự thống nhất”, nhấn mạnh Trung Quốc tôn trọng tự do pháp lý và tôn giáo của người dân Đài Loan trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời khẳng định chế độ khác biệt không phải là rào cản cho việc thống nhất, thậm chí chúng cũng không phải là cái cớ cho sự ly khai. Tài sản riêng, tín ngưỡng tôn giáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ vẫn được bảo đảm đầy đủ khi thống nhất với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định Bắc Kinh luôn duy trì quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại các lực lượng nước ngoài can thiệp vào nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng hòa bình cũng như những hoạt động ly khai đòi độc lập của Đài Bắc; nhấn mạnh vấn đề Đài Loan có liên quan lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và việc thống nhất “không làm tổn hại lợi ích hợp pháp của nước nào, bao gồm lợi ích kinh tế của họ tại Đài Loan”. Đáng chú ý, ông Tập Cận Bình cũng không quên đưa ra tuyên bố cảnh cáo Trung Quốc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, Bắc Kinh bảo lưu phương án áp dụng tất cả biện pháp cần thiết nhằm vào thế lực bên ngoài can thiệp và số ít phần tử ly khai “Đài Loan độc lập” cùng hoạt động ly khai.

Theo ông Tập Cận Bình, việc Đài Loan trở về với Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, tương tự Hồng Công và Macau, là phương án tốt nhất để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân hòn đảo này; đồng thời đưa ra 5 giải pháp để thực hiện mục tiêu thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan, bao gồm: Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc và thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; Tìm kiếm phương án “một đất nước, hai chế độ” cho Đài Loan; Kiên trì nguyên tắc “Một nước Trung Quốc”, bảo vệ tương lai thống nhất hòa bình với Đài Loan; Đi sâu phát triển kết nối giữa hai bờ eo biển Đài Loan để củng cố nền tảng cho thống nhất hòa bình; Nỗ lực đạt tới sự hòa hợp về tâm hồn giữa nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan để tăng cường nhận thức chung cho thống nhất hòa bình.

Trong khi đó, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố đáp trả Đài Loan sẽ không chấp nhận mô hình chính trị “một đất nước, hai chế độ” với Trung Quốc, đồng thời hối thúc Bắc Kinh thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân Đài Loan. Bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh rằng tất cả các cuộc đàm phán xuyên eo biển cần được tiến hành trên cơ sở giữa các chính quyền với nhau; khẳng định Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết khác biệt với Đài Loan và tôn trọng các giá trị dân chủ; nhấn mạnh Đài Loan không chấp nhận thống nhất với Trung Quốc theo mô hình Hồng Công hay Macau.

RELATED ARTICLES

Tin mới