Cùng với âm mưu dựng “BOT” trên biển Đông – tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới hiện nay, TQ chưa từ bỏ mục tiêu lập “BOT” ở các tuyến “đường trời” trong khu vực này, bất chấp sự phê phản, phản đối của cộng đồng quốc tế.
Tàu hải cảnh của TQ luôn đe dọa ngư dân VN, PLP
TQ đã triển khai máy bay cảnh báo sớm và máy bay chống tàu ngầm trên đảo Đá Chữ Thập (chiếm đóng trái phép của VN từ năm 1988) mà TQ gọi là Vĩnh Thử ở biển Đông. Thông tin này có trên tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu, của TQ) vào ngày 14/5, kèm theo hình ảnh vệ tinh nước ngoài chụp được dư luận, nhất là giới nghiên cứu quốc tế, đặc biệt quan tâm bởi hai lý do:
Thứ nhất, biển Đông gần đây ngày một nóng hơn vì những hành vi gây hấn của TQ, trong đó, nổi bật là các vụ: đâm chìm tàu cá VN ngày 2/4; tuyên bố phê chuẩn thành lập cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” trực thuộc tỉnh Hải Nam; chĩa súng một cách thù địch vào tàu PLP và tuyên bố “lãnh thổ của PLP” thuộc về tỉnh Hải Nam; cho tàu Hải Dương 8 “khảo sát địa chất” tại vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia; ban hành lệnh cấm đánh bắt cá thường niên ở với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư nước này, có hiệu lực từ ngày 1-5…
Không chừa một ai, TQ còn hung hăng cho chiếu đèn laze vào máy bay, tàu chiến Mỹ – một sự khiêu khích mà Mỹ coi là cực kỳ nguy hiểm, nhằm trả đũa việc Mỹ ngày càng “to mồm” chỉ trích, yêu cầu TQ ngừng lại việc “bắt nạt các nước láng giềng yếu thế” trên biển Đông…
Thứ hai, cách nay chưa lâu, trong lúc thế giới chạy đua kiểm soát đại dịch Covid-19, TQ đã đưa vào hoạt động trạm nghiên cứu tại Đá Chữ Thập (cùng một trạm tương tự trên Đá Subi) cũng thuộc quân đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giải thích hành động ngang ngược này, cũng là để trấn an dư luận và cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh nói: “đây chỉ là các trạm nghiên cứu tính khoa học về sinh thái học, địa chất học và môi trường”.
Dĩ nhiên, giải thích chỉ để giải thích, liệu ai có thể tin ? Sự kiện này cùng với những hành động gây hấn có tính hệ thống khác khiến người ta đặt dấu hỏi: phải chăng, TQ đang ra sức tận dụng thời điểm thế giới bận bịu đối phó với dịch Covid-19 để tiến thêm một nấc thang mới trong mục tiêu chiếm gọn biển Đông ?
Và nếu thật thế, đây là hành động vô nhân đạo ! Tiến sĩ James R.Holmes – chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ đã nhận định rằng: “Động thái xây dựng trạm nghiên cứu ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Subi là chiêu trò khá quen thuộc của TQ. Và lợi dụng những lúc tình hình phức tạp, các nước có những mối quan tâm khác, thì ra tay hành động – cũng là chiêu trò quen thuộc của TQ”.
Trở lại với sự việc liên quan thông tin Thời báo Hoàn cầu đã đưa, truyền thông Đài Loan cùng ngày 14-5 còn trích dẫn cụ thể hơn ảnh vệ tinh chụp lại, cho thấy TQ đã triển khai hệ thống cảnh báo và kiểm soát sớm trên không (AEW & C) KJ-500 và máy bay tuần tra hàng hải KQ-200, còn được gọi là máy bay chống tàu ngầm Y-8, tại căn cứ thường trực trên Đá Chữ Thập.
Kết hợp với ảnh vệ tinh trước đây chụp ảnh nhà chứa máy bay gần đường băng trên Đá Chữ Thập đã được lắp đặt máy điều hòa không khí, dư luận Đài Loan và giới quân sự nhận định rằng: đây là dấu hiệu chứng tỏ máy bay quân sự đã sẵn sàng cho hoạt động triển khai mở rộng; cũng là một dấu hiệu để nghĩ đến khả năng quân đội TQ đang lên kế hoạch lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
Nếu thật thế, cùng với âm mưu dựng “BOT” trên biển Đông – tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới hiện nay, TQ vẫn chưa từ bỏ mục tiêu lập “BOT” ở các tuyến “đường trời” trong khu vực này, bất chấp sự phê phản, phản đối của cộng đồng quốc tế ?