Friday, January 17, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐiểm mới trong chính sách Biển Đông của Mỹ

Điểm mới trong chính sách Biển Đông của Mỹ

Trước những hành vi hiếu chiến ngày càng leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông giữa lúc đại dịch Covid-19, chính sách đối với Biển Đông của Mỹ đã có nhiều thay đổi theo hướng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, khẳng định những cam kết đối với khu vực. Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ trên vấn đề Biển Đông thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, các quan chức cao cấp Mỹ như Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và các Nghị sĩ liên tục có những phát biểu với lời lẽ mạnh mẽ lên án Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để lấn tới, chèn ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông. Đi đôi với lời nói, Mỹ điều một lực lượng hùng hậu hải quân (tàu đổ bộ, tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu chiến đấu ven bở, tàu ngầm…), không quân (máy bay ném bom chiến lược tầm xa) đến hoạt động ở Biển Đông. Những hoạt động của hải quân, không quân Mỹ diễn ra dồn dập và nhanh chóng bất chấp việc đang bận chống đại dịch Covid-19 để chuyển thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh, thể hiện rõ việc Washington đứng về phía các nước ven Biển Đông, ủng hộ các quốc gia ven biển thực hiện quyền khai thác tài nguyên năng lượng trong vùng biển hợp pháp của mình; lên án Trung Quốc gây sức ép, bắt nạt láng giềng.

Trong bối cảnh, Trung Quốc cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển xâm nhập vùng biển của Malaysia đe dọa, quấy rối hoạt động của tàu khoan West Capella do Tập đoàn dầu khí Malaysia vận hành, cuối tháng 4/2020 Mỹ đã điều nhiều tàu đổ bộ, Tàu tuần dương mang tên lửa có điều hướng USS Bunker Hill và tàu khu trục mang tên lửa có điều hướng USS Barry đến hoạt động ở khu vực này, đồng thời phối hợp với tàu chiến của Úc tiến hành diễn tập.

Không dừng lại ở đó, đầu tháng 5/2020, Mỹ còn liên tiếp điều thêm 2 tàu chiến đấu ven bờ USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords, thuộc lớp Independence cùng tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez tới khu vực mà tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 và nhiều tàu hải cảnh, dân quân biển của Trung Quốc đang hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Đây là lần đầu tiên Mỹ điều các tàu chiến đến khu vực mà các tàu Trung Quốc đang gây sức ép lên hoạt động thăm dò dầu khí của các nước ven Biển Đông, mà điều đáng chú ý là đã có nhiều loại tàu chiến của Mỹ được điều đến khu vực này. Chúng ta còn nhớ, năm 2019 khi mà cũng chính nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 gây hấn và uy hiếp hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam suốt trong gần 4 tháng (từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10) Mỹ chưa điều các tàu chiến đến khu vực này.

Nhiều nhà quan sát cho rằng động thái mới này của Mỹ đánh dấu việc Mỹ ủng hộ các hoạt động khai thác tài nguyên, bao gồm năng lượng của các nước ven Biển Đông cả bằng lời nói lẫn hành động. Đây chính là một điểm mới trong chính sách Biển Đông của Mỹ. Trước hành động hiếu chiến ngày càng leo thang của Bắc Kinh, Washington muốn truyền đi thông điệp Mỹ không chấp nhận để Trung Quốc thi hành “chính sách cá lớn nuốt cá bé”, hoành hành bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Hai là, bên cạnh việc không nhắc đến quan điểm lâu nay “Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”, từ đầu năm 2020, Mỹ tập trung nhiều hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ và nhiều lần khẳng định “hoàn toàn thuộc Trung Quốc”, không thừa nhận có tranh chấp. Trong 5 lần thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông từ đầu năm đến nay thì có tới 3 lần tàu chiến Mỹ triển khai FONOP ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và 2 lần gần đây nhất chỉ cách nhau đúng 1 tháng (28 tháng 4 và tháng 5).

Trong hoạt động FONOP hôm 28/5/2020 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, ông Anthony Junco – Người phát ngôn Hạm đội 7 của hải quân Mỹ nhấn mạnh: “Bằng việc thực hiện hoạt động này, Mỹ chứng minh rằng các vùng biển trên nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải của họ một cách hợp pháp”. Một số nhà quan sát cho rằng, với động thái mới này, rõ ràng Mỹ không còn giữ quan điểm “trung lập” trong vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa mà trên thực tế Mỹ đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Đây là một nội dung mới trong chính sách của Washington ở Biển Đông mà Hà Nội có thể tận dụng.

Ba là, mục tiêu các hoạt động FONOP ở Biển Đông là bảo vệ tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế và thúc đẩy tuân thủ phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Mỹ luôn cho rằng mục tiêu các hoạt động FONOP ở khu vực Hoàng Sa là “phá đường cơ sở thẳng” của Trung Quốc vạch ra đối với quần đảo Hoàng Sa và hoạt động FONOP mới nhất hôm 28/5/2020 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của tàu USS Mustin (DDG 89), Mỹ một lần nữa thực hiện điều này với việc tiến vào phạm vi 12 hải lý của đảo Phú Lâm (cấu trúc có diện tích lớn nhất thuộc Hoàng Sa, lớn hơn cả Ba Bình thuộc Trường Sa) và Hòn Tháp.

Phán quyết 12/7/2016 không đưa ra những quyết định liên quan đến quy chế các cấu trúc thuộc Hoàng Sa, song với những hoạt động FONOP của hải quân Mỹ, nhất là hoạt động hôm 28/5/2020, Mỹ đã coi những cấu trúc thuộc Hoàng Sa có quy chế giống như các cấu trúc thuộc Trường Sa đã được Tòa ra phán quyết. Động thái mới này của Mỹ là nhằm thúc đẩy việc áp dụng những nội dung phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài cho các cấu trúc thuộc Trường Sa.

Bốn là, điểm mới đáng chú ý trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông thể hiện trong cách tiếp cận đa dạng về chiến lược với việc sử dụng nhiều lực lượng và phương tiện nhằm tạo ra sự bất ngờ, khó dự đoán cho đối phương.

Việc Mỹ điều những tàu chiến hiện đại nhất với nhiều chủng loại khác nhau (tàu đổ bộ, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu chiến đấu ven bờ, rồi mới đây là tàu ngầm, tàu sân bay…) và những máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B Lancer xuất phát từ các địa điểm khác nhau (lúc thì từ lục địa Mỹ, lúc thì từ đảo Guam) tới hoạt động ở Biển Đông tùy vào từng thời điểm khác nhau đã thể hiện rõ chiến thuật đa dạng, bất ngờ của Lầu Năm góc nhằm ngăn chặn sự bành trướng, độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Nhìn chung, những điểm mới trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông có lợi cho các nước ven Biển Đông trong việc đối phó với sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc tại đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới