Chuyên gia cho biết việc kêu gọi bãi miễn là bất khả thi, nhưng nó thể hiện sự bất mãn của người dân Trung Quốc ngày càng dâng cao.
Trong thời gian diễn ra “Lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bà Vương Thụy Cầm (Wang Ruiqin), cựu Ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Thanh Hải, đã gửi thư ngỏ công khai đến Lưỡng hội ĐCSTQ trên Internet, kêu gọi tất cả đại biểu tham dự “Lưỡng hội” cùng đứng lên bãi miễn Tập Cận Bình, ký tên buộc Tập Cận Bình phải từ chức.
Gần đây, bà Vương Thụy Cầm đã bất ngờ công khai một bản tuyên bố trên Internet lên tiếng cắt đứt quan hệ với người thân ở Đại Lục. Bà nói rằng vì việc đăng tải thư ngỏ kêu gọi bãi miễn Tập Cận Bình khiến gia đình và người thân trong nước của bà bị chính quyền ĐCSTQ quấy nhiễu, tài sản công ty bị đóng băng… Vì để tránh cho người thân phải chịu liên lụy, bà chính thức lên tiếng cắt đứt mối quan hệ với họ. Đồng thời bà cũng lên án chính sách liên đới người thân của ĐCSTQ.
“Tôi là Vương Thụy Cầm, một công dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Ngày 21/5/2020, trong thời gian diễn ra ‘Lưỡng hội’ Trung Quốc, sau khi tôi đăng tải ‘Một bức thư ngỏ gửi đến tất cả đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc’ kêu gọi bãi miễn Tập Cận Bình, người nhà và người thân ở trong nước của tôi đã phải hứng chịu các vụ quấy rối ác độc có kế hoạch từ phía các bộ ngành liên quan của chính quyền ĐCSTQ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống bình thường của họ. Ngoài ra, tài sản công ty của người nhà tôi đã bị đóng băng, toàn bộ phiếu xuất nhập hàng bên tài vụ đều bị chụp mũ điều tra, mọi hoạt động kinh doanh đều bị chặn.
Xét thấy như vậy, bản thân tôi tuyên bố một cách trịnh trọng như sau: Tôi cắt đứt mọi quan hệ với tất cả người thân họ hàng, từ nay về sau không còn qua lại, bao gồm nhưng không giới hạn trường hợp dưới đây: con cái và người nhà của chúng, tất cả anh chị em ruột và người nhà của họ, tất cả các thành viên có quan hệ huyết thống trong gia tộc và người nhà của họ…
Cá nhân tôi theo đuổi dân chủ và chống lại chính quyền tàn bạo. Tất cả những lời nói và hành động liên quan đều là hành vi cá nhân, không có liên quan đến những người khác. Cá nhân tôi chịu toàn bộ trách nhiệm cho việc này. Viện đến chiêu trò liên lụy những người vô tội, thật là hèn hạ, điều này hoàn toàn không có tác dụng đối với tôi.
Kể từ khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát, Tập Cận Bình dường như phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quyền lực trước nay chưa từng có. Do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, “Lưỡng hội” ĐCSTQ mãi luôn trì hoãn đến ngày 21/5 năm nay mới tổ chức, và đây cũng đã trở thành “Lưỡng hội” có nhiều ý kiến bất mãn nhất. Ngoài việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố rằng Trung Quốc có 600 triệu người với thu nhập trung bình hàng tháng chỉ 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,2 triệu VNĐ), làm dấy lên đồn đoán đấu đá quyết liệt giữa hai ông Tập – Lý, trước sau liên tiếp còn có mấy bức thư ngỏ yêu cầu ông Tập Cận Bình từ chức được đưa ra. Trong đó bao gồm: nhà hoạt động nhân quyền Hứa Chí Vĩnh; thế hệ đỏ thứ hai (chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp nổi bật và có ảnh hưởng ở Trung Quốc) Nhậm Chí Cường; chủ tịch của Tập đoàn Ánh Dương và cũng là thế hệ đỏ thứ hai Trần Bình đăng tải “bức thư ép Tập thoái vị”; cùng bức thư ngỏ được ký tên Đặng Phác Phương, con trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình, gửi đến đại biểu của “Lưỡng hội” được đăng tải trên mạng. Mọi mũi giáo đều nhắm thẳng vào ông Tập Cận Bình.
Cùng thời gian này, lá thư ngỏ ký tên công khai của bà Vương Thụy Cầm, cựu Ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Thanh Hải, gửi đến tất cả đại biểu tham dự “Lưỡng hội” Trung Quốc được lan truyền trên mạng. Nội dung lá thư chỉ ra trong suốt 8 năm ông Tập Cận Bình tại vị, không những không cải thiện tình trạng chính trị hủ bại trước đó, trái lại không ngừng phá hoại nền pháp trị, phong tỏa tự do ngôn luận và đàn áp tôn giáo tín ngưỡng… khiến tự do của quốc gia thoái lùi, khiến người dân cả nước chìm sâu trong thống khổ. Bà kêu gọi tất cả đại biểu, ủy viên tham dự “Lưỡng hội” cùng đứng lên bãi miễn Tập Cận Bình, ký tên buộc Tập Cận Bình phải từ chức, đưa đất nước hướng đến dân chủ.
Trong thư nói rằng sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, chính quyền đã bưng bít sự thật, khiến virus này lan rộng và tàn phá thế giới, khiến vô số gia đình tan vỡ, gây thiệt hại to lớn về người và của. Khi mà dịch bệnh lây lan, đối ngoại thì lãnh đạo ĐCSTQ không ngừng rũ bỏ trách nhiệm, dung túng ngoại giao theo kiểu lưu manh, gây hấn khắp nơi, khiến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc rớt xuống đáy vực, uy tín quốc gia không còn sót lại chút gì, khiến vô số người Hoa ở hải ngoại cũng chịu vạ lây. Đối nội thì lãnh đạo ĐCSTQ tiến hành thanh trừng chính trị, cấm tiếng nói bất mãn với ĐCSTQ, bắt bớ các luật sư và nhà hoạt động nhân quyển, đàn áp người dân, phá hủy nhà thờ, xây dựng trại tập trung và giám sát công nghệ cao… những việc như thế phát sinh liên tục trong 8 năm qua.
Trong thư cũng nói rằng lãnh đạo ĐCSTQ tiếp tục gây rối Hồng Kông và “Ngoại giao sói chiến” đã khiến Trung Quốc bị quốc tế cô lập trước nay chưa từng có. Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã khiến lượng lớn các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, thất nghiệp tăng vọt, xí nghiệp đóng cửa, khiến cho nền kinh tế không gượng dậy nổi. Do sự đàn áp không ngừng của chính quyền, giới trí thức, doanh nhân… đều phải phiêu bạt lưu vong, lấy bốn biển làm nhà.
Theo tư liệu hiển thị công khai, bà Vương Thụy Cầm sinh vào tháng 8/1963, quê quán ở thành phố Khai Phong, Hà Nam. Bà là Ủy viên Chính Hiệp Toàn quốc khóa 11 của tỉnh Thanh Hải, và là thành viên Hội kiến quốc dân chủ Trung Quốc. Bà là chủ tịch của Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Đông Hồ, tỉnh Thanh Hải.
Thông tin về ba Vương Thụy Cầm, cựu Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc khóa 11 của tỉnh Thanh Hải (ảnh: Chụp màn hình trang web Hội nghị Tham vấn Chính trị tỉnh Thanh Hải).
Theo nguồn tin từ Đài phát thanh Quốc tế Đài Loan, bà Vương Thụy Cầm đã rời Trung Quốc vào năm 2018. Ngày 11/6, bà Vương Thụy Cầm đã tiếp nhận phỏng vấn của Đài phát thanh Quốc tế Đài Loan tại Hoa Kỳ, nói về ý tưởng của bà về việc viết lá thư ngỏ này và cách bà quan sát hình thế trước mắt của Trung Quốc. Điều này phù hợp với cách nói “Do sự đàn áp không ngừng của chính quyền, giới trí thức, doanh nhân… đều phải phiêu bạt lưu vong, lấy bốn biển làm nhà” được nhắc đến trong thư.
Nguồn tin từ đài Á Châu Tự do cho biết, ông Thành Danh, phó giáo sư Khoa học Xã hội tại trường đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho rằng, việc kêu gọi ký tên phế truất Tập Cận Bình cơ bản là điều không thể. Điều này tương đương với việc thực hiện một cuộc cách mạng trong giai tầng lãnh đạo ĐCSTQ, vậy nên đại biểu “Lưỡng hội” sẽ không tiến hành ký tên chung như vậy. Nhưng sự việc này đã phản ánh sự bất mãn của bộ phận người dân Trung Quốc, suy thoái kinh tế càng kéo dài, bất mãn của toàn thể xã hội cũng sẽ ngày càng lớn.
Ông nói thêm, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, một tay viện đến thủ đoạn đàn áp, một tay lấy phát triển kinh tế để trấn an lòng người, nhưng trong tình hình dịch bệnh, người dân thất nghiệp trầm trọng, dưới sự đàn áp chính trị và thiệt hại nặng về kinh tế, người dân tự nhiên sẽ đứng lên phản kháng. Nếu nền kinh tế không thực thi tốt, sự phẫn nộ của người dân sẽ ngày càng lớn hơn, điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị.
Chuyên gia lịch sử Trung Quốc Lý Nguyên Hoa nhắc nhở: Bất cứ ai cũng không thể ôm giữ bất kỳ hy vọng nào với chính thể này, lối thoát duy nhất chính là giải thể nó. Sau khi giải thể sẽ giống như các xã hội khác, đó là một xã hội bình thường. Các quốc gia khác nói một cách tương đối thì đều có một hệ thống chính trị hoàn thiện, bao gồm dân chủ, đức trị và tuyên dương các giá trị phổ quát… Chỉ cần ĐCSTQ còn tồn tại, những điều này căn bản không thể thực hiện. Chừng nào còn là chế độ ĐCSTQ, dẫu là ai lên nắm quyền cũng đều là “bình mới rượu cũ” cả thôi.