Thursday, December 19, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ: Nạn nhân hay thủ phạm ?

TQ: Nạn nhân hay thủ phạm ?

Một mặt, la lối mình là nạn nhân của trò “đánh hội đồng”. Mặt khác, Trung Quốc thực hiện hàng loạt động thái nhằm chứng tỏ cho thế giới thấy, họ quyết tâm thách thức Mỹ và bất cứ ai để trở thành cường quốc số 1, cũng như quyết tâm biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Ảnh tàu bay Mỹ tập trận cùng tàu Nhật trên biển đông

Thực sự, đây là câu hỏi nghiêm túc, cần đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Là bởi, Trung Quốc gần đây la toáng lên rằng, họ là nạn nhân của các đòn tấn công mang tính “hội đồng”.

Sự việc càng trở nên căng thẳng khi ngày 14/7, trong một tuyên bố chính thức, Mỹ đã khẳng định các đòi hỏi của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”. Nói cách khác, khẳng định này như cú ra đòn của Washington đối với Trung Quốc vì đã bác bỏ hầu như mọi tuyên bố chủ quyền đáng kể nhất của nước này ở Biển Đông. Cũng trong tuyên bố đó, Mỹ đồng thời khẳng định quan điểm cứng rắn về quyết tâm “bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Dĩ nhiên, Bắc Kinh có lẽ hiểu rằng, tuyên bố nêu trên của Mỹ trước sau gì cũng tới, vì “hai con hổ khó chung một chuồng”. Biển Đông thực ra chỉ là cớ. Kiềm chế Trung Quốc, trong thực tế là mục tiêu, và  Washington đã nuôi dưỡng mục tiêu này từ lâu. Không thế mà, cứ mỗi khi Trung Quốc triển khai gì trên Biển Đông: tập trận, thử tên lửa, xây “trạm nghiên cứu khoa học”, khảo sát địa chất, cấm biển…, dù tận bên kia bán cầu, nghĩa là “không liên quan” – theo quan điểm Trung Quốc, Mỹ đều “chõ miệng” chỉ trích, phê phán Trung Quốc ra rả, đồng thời trả đũa bằng các động thái có tính đối xứng, nhiều khi với quy mô đồ sộ, hoành tráng hơn.

Thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, Mỹ còn đưa 3 hàng không mẫu hạm vào Biển Đông nghênh ngang thách thức Trung Quốc; rồi còn lôi kéo các đồng minh như Nhật Bản, Singapore tham gia tập trận; hớn hở vểnh tai tiếp nhận những tuyên bố của các đồng minh chỉ trích Trung Nam Hải.

Ngoài Mỹ, còn có thể kể, Bắc Kinh cũng hứng chịu mũi dùi từ phía Australia với kêu gọi điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của COVID-19; từ phía Anh, Đài Loan về việc thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong; từ phía Canada về vụ Huawei…

Các nước Đông Nam Á thì thôi rồi: luôn hể hả mỗi khi có ai đó phê phán, chỉ trích Trung Quốc.

Việt Nam rắn mặt, bướng bỉnh, khó bảo thì Trung Quốc đâu có lạ. Nhưng ngay cả Philippines “thân” Trung Quốc thế, gần đây cũng “trở mặt” với các tuyên bố phê phán ý định thiết lập vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc, coi đó như hành vi “cướp giật”; lật lại “Cỏ Rong” năm 2019, đòi bồi thường nhiều hơn cho 22 ngư dân suýt chết đuối; ngãng ra việc triển khai thỏa thuận chia sẻ tài nguyên, chủ yếu là dầu khí, đã đạt Trung Quốc trên Biển Đông chưa đủ, nhà lãnh đạo nước này, ông Duterte còn nói trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 3 (ngày 26/6) do Việt Nam chủ trì, rằng”  “Ngay cả khi khu vực đang bận chế ngự đại dịch COVID-19, các vụ việc đáng báo động ở Biển Đông vẫn tiếp diễn”, như một sự ám chỉ Bắc Kinh vậy…

Điều đáng chú ý ở đây là, một mặt, la lối mình là nạn nhân của trò “đánh hội đồng”, mặt khác, Trung Quốc “tương kế, tựu kế”, triển khai một loạt động thái  ứng phó với Mỹ và răn đe những quốc gia ngăn cản họ hiện thực hóa âm mưu biến Biển Đông thành “ao nhà” và tham vọng vươn lên vị trí siêu cường số 1 thế giới.

Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục thói hung hăng của gã côn đồ, tăng cường “diễu võ, giương oai” làm nóng biển Đông qua cuộc tập trận ở Hoàng Sa (từ ngày 1-5/7); đồng thời, đạo diễn, dàn dựng một vụ xung đột biên giới với quốc gia láng giềng Ấn Độ.

Thứ hai, mặc cho dân Hong Kong phản ứng dữ dội, Trung Quốc thể hiện sự cứng rắn, bắt giữ nhiều người được cho là vi phạm Luật An ninh tại Hong Kong (có hiệu lực từ 1/7). Việc bắt bớ trên, theo bình luận của các chuyên gia, không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề của Hong Kong, mà còn muốn cho thế giới thấy, “Bắc Kinh quyết tâm tìm cách trở thành cường quốc thế giới theo cách riêng của họ, thay vì chịu sự chi phối của phương Tây”; thể hiện thông điệp rằng: “thời kỳ mà Trung Quốc phải quan tâm người khác nghĩ gì và để ý xung quanh đã là quá khứ không bao giờ trở lại”. Nghĩa là, Bắc Kinh sẵn sàng thách thức cả cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, truyền thông Trung Quốc đưa dồn dập các bài viết khoe khoang sức mạnh quốc phòng của TQ, kèm theo hình ảnh các loại vũ khí, khí tài tối tân.

Sự khoe khoang của Trung Quốc không phải không có cơ sở. Bà Glaser – một chuyên gia uy tín, Giám đốc dự án nghiên cứu về “Sức mạnh TQ” của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, D.C – Mỹ, nhận định: quân đội TQ “ngày càng mạnh lên theo thời gian” với những khoản chi tiêu khổng lồ hàng năm dành cho quốc phòng. Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải gánh chịu hậu quả của COVID-19, mức chi tiêu cho quân đội vẫn tăng từ 5,06% năm 2019 lên 5,12% mặc dù ngân sách chính quyền trung ương bị cắt giảm. Điều đó “phát đi một tín hiệu rõ ràng là ông Tập Cận Bình vẫn cam kết hoàn tất hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vào năm 2035, biến lực lượng này thành trở thành quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049”.

Còn nghị sĩ Tobias Ellwood, thành viên Nhóm nghiên cứu về Trung Quốc của Quốc hội Anh, cho rằng: việc tăng tốc phát triển quy mô quân đội của Trung Quốc trong 10 năm qua nhằm mục đích khiến các nước, kể cả Mỹ, “phải cân nhắc cẩn thận” khi tính đến khả năng tấn công trực diện, từ đó, họ có thể chiếm các đảo ở Biển Đông mà không ai dám thách thức”.

Trở lại câu hỏi Trung Quốc là nạn nhân hay thủ phạm ? Câu trả lời là: Trung Quốc chẳng thể là nạn nhân trò đánh “hội đồng” nào cả. Thủ phạm gây sự chính là Trung Quốc. Lòng tham cùng sự ngang ngược của họ đã khiến cộng đồng quốc tế không thể chịu đựng hơn nữa, buộc phải có tiếng nói và hành động phản đối, chống lại mà thôi.

                                                                                                                                                            Đ.T

RELATED ARTICLES

Tin mới