Những ngày đầu tháng 7, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam và coi thường luật pháp quốc tế khi rầm rầm tiến hành tập trận trái phép ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hay đưa tàu Hải Dương 4 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.
Yêu sách Tứ Sa chỉ là chiến thuật mới của Trung Quốc nhằm thay thế “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là đường chín đoạn)
nhưng vẫn thể hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Trước đó, không chỉ các quốc gia ASEAN mà cả thế giới cũng bất bình lên tiếng phản đối khi Bắc Kinh lợi dụng đại dịch COVID-19 lan tràn để thực hiện một loạt kế sách mới nhằm hiện thực hoá âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Kỳ 1: Mưu đồ Tứ Sa
Năm 2020 là năm đầy biến động với tâm điểm là đại dịch COVID-19 làm hàng triệu người thiệt mạng. Với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một vấn đề nóng khác cũng đang nổi lên và trở thành mối lo lớn của toàn thế giới – đó là Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh mở cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông vào tháng 7, cho thấy khả năng “gây bão” và “chiếm giữ các đảo bằng lực lượng tuần duyên và tàu chiến” nước này. “Mục đích của việc này là chứng minh cho các quốc gia Đông Nam Á khác thấy rằng Trung Quốc có thể đến và đuổi họ ra khỏi khu vực.
Tất cả những động thái này đều phục vụ cho mưu đồ thành lập Tứ Sa mà Trung Quốc đang ráo riết tiến hành”, chuyên gia hải quân Bryan Clark thuộc Học viện Hudson có trụ sở ở Washington (Mỹ) nhận định.
Yêu sách vô căn cứ
Yêu sách Tứ Sa (tiếng Anh: Four Sha) là chiến thuật mới thay thế “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là đường chín đoạn), được Trung Quốc triển khai sau khi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, bác bỏ dứt khoát yêu sách “chủ quyền lịch sử” của “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Mục tiêu cuối cùng của yêu sách Tứ Sa vẫn là giúp Bắc Kinh dần hiện thực hoá việc sở hữu một khu vực rộng lớn trên Biển Đông, biến những vùng biển của nước khác thành một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 2012, Trung Quốc đã lập một đơn vị hành chính mới gọi là thành phố Tam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi Macclesfield với dân số khoảng 2.500 người.
Khái niệm Tứ Sa lần đầu tiên được Phó Vụ trưởng Vụ Điều ước và pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Tân Dân nhắc đến trong một cuộc họp kín với giới chức Mỹ ở thành phố Boston cuối tháng 8 năm 2017. Đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc chính thức công bố yêu sách Tứ Sa trong các công hàm ngoại giao số CML/14/2019 và số CML/11/2020 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ).
Lúc này, bản chất của yêu sách Tứ Sa được “trưng” ra một cách rõ ràng hơn. Đó là: (1) Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với Nam Hải chư đảo, bao gồm Đông Sa, Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield); (2) Các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo và (3) Các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng.
Theo quan điểm của ThS Nguyễn Hoàng Minh, nghiên cứu viên của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, bước chuyển chiến thuật về yêu sách và diễn giải yêu sách tại Biển Đông lần này của Trung Quốc đem đến một số hàm ý chính sách quan trọng.
Thứ nhất, Trung Quốc đang sử dụng sự “mập mờ” trong yêu sách chủ quyền để có thể biến hóa nhiều cách diễn giải khác nhau.
Thứ hai, Trung Quốc đang tiến hành “mặt trận pháp lý” ở Biển Đông, biến pháp lý trở thành công cụ trong chính sách Biển Đông, từng bước “hợp thức hóa” yêu sách chủ quyền, và tuyên truyền Luật Biển theo quan điểm của Trung Quốc.
Thứ 3, Trung Quốc đang tính đến khả năng vẽ đường cơ sở quần đảo đối với 3 trong số 4 quần đảo còn lại thuộc Tứ Sa (như đã làm đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, và đưa ra yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định dựa trên đường cơ sở quần đảo này.
“Như vậy vùng biển mà Trung Quốc yêu sách được tạo ra từ đường cơ sở thẳng của các quần đảo này sẽ có phạm vi rộng hơn cả vùng biển tạo ra bởi yêu sách “đường lưỡi bò” trước đây, tức vùng biển của Trung Sa sẽ bao gồm cả bãi cạn Scarborough và điểm cực Nam của Trung Quốc sẽ đến tận James Shoal (thuộc vùng biển Trường Sa của Việt Nam), ThS Nguyễn Hoàng Minh phân tích đồng thời cảnh báo rằng Trung Quốc muốn lợi dụng sự mập mờ để có thể triển khai nhiều cách diễn giải khác nhau trước khi đưa ra một tuyên bố chính thức có lợi nhất, trong khi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ở thực địa nhằm củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông.
Những viện dẫn pháp lý sai trái
Căn cứ vào các quy định của Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và phán quyết PCA năm 2016 thì yêu sách này cực kỳ phi lý và thậm chí có tính chất pháp lý ít hơn nhiều so với yêu sách “đường lưỡi bò” trước đây.
“UNCLOS đã quy định chỉ các quốc gia quần đảo mới có thể sử dụng đường cơ sở thẳng với điều kiện tỷ lệ diện tích vùng biển và diện tích đảo tự nhiên nổi lên mặt nước nằm bên trong đường cơ sở thẳng quần đảo không lớn hơn 9 và một số điều kiện chặt chẽ khác. Thực tế không thể phủ nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và Trung Quốc không có quyền tuyên bố chủ quyền tại đó.
Ngoài ra, vì Trung Quốc không phải là “quốc gia quần đảo” và tỷ lệ diện tích vùng biển tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tỷ lệ diện tích đảo tự nhiên nổi lên mặt nước lớn hơn rất nhiều. Như vậy, việc dùng đường cơ sở thẳng của Trung Quốc là trái với UNCLOS.
Bên cạnh đó, phán quyết của PCA đã làm rõ các quy định về “đảo” và “đảo đá” và các đảo đá tại quần đảo Trường Sa chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý, không có vùng biển mở rộng.
Áp dụng phán quyết cho các đảo trên quần đảo Hoàng Sa, có thể thấy rằng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa cũng là “các đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chỉ rõ.
Riêng đối với bãi Macclesfield mà Trung Quốc gọi là Trung Sa, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết, đây chỉ là một bãi ngầm và theo quy định của UNCLOS thì không thể là đối tượng để tuyên bố chủ quyền.
“Như vậy, tuyên bố “chủ quyền” đối với Trung Sa và sau đó gộp cả bãi cạn Scarborough, bãi cạn St. Esprit vào “quần đảo” này là rất ngớ ngẩn, trái hoàn toàn với quy định của UNCLOS. Đồng quan điểm này, ông Michael Pillsbury, thành viên cao cấp của Học viện Hudson và là Giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc chỉ rõ, ý đồ mới nhất của Trung Quốc là kết hợp 3 công cụ trong chiến tranh thông tin về Biển Đông gồm chiến tranh pháp lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh tâm lý.
“Trung Quốc đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các chiến thuật pháp lý nhằm thách thức đối với các quy chuẩn quốc tế. Bắc Kinh không bận tâm tới việc các tuyên bố của họ về cơ bản không phù hợp với UNCLOS hay không. Họ cũng không bận tâm đến việc toà PCA đưa ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố về “đường lưỡi bò”. Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm tạo ra cho riêng mình một phiên bản của Học thuyết Monroe nhằm tiến gần hơn tới việc thiết lập sự thống trị trong khu vực”, ông Micheal Pillsbury nói.
Liên quan đến việc Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông, ngày 23/4, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng đã nêu rõ: “Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật phát quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán ở vùng biển như xác lập ở UNCLOS 1982. Mọi hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều không có giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.
Được biết, trong danh sách 80 thực thể bao gồm 25 đảo, đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Trước đó, ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.