Thursday, November 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVạch trần giọng điệu vu cáo, xuyên tạc của Trung Quốc về...

Vạch trần giọng điệu vu cáo, xuyên tạc của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong tháng qua

Trong tháng 7/2020, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các giọng điệu cũ vu cáo, xuyên tạc và đổ lỗi cho các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông.

Giới chức Trung Quốc

Các quan chức ngoại giao Trung Quốc tiếp tục sử dụng các chiêu trò, giọng điệu cũ khi đề cập vấn đề Biển Đông, cố tình vu cáo, đổ lỗi cho các bên liên quan là nguyên nhân chính khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, đồng thời tìm cách biện minh cho các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (24/7) cho biết những khó khăn hiện nay của quan hệ Trung – Mỹ hoàn toàn do Mỹ tạo ra với mục đích ngăn chặn triệt để tiến trình phát triển của Trung Quốc. Những thế lực chống Trung Quốc tại Mỹ thời gian gần đây cố tình tạo ra các cuộc đối đầu ý thức hệ, công khai ép buộc các nước chọn phe và đối đầu với Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ. Trung Quốc hy vọng Mỹ thực hiện chính sách không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng. Trước đó, ông Vương Nghị (21/7) lại đưa ra tuyên bố “mị dân” khi cho rằng “Biển Đông là ngôi nhà chung, Trung Quốc và ASEAN là láng giềng vĩnh cửu, hòa bình và phát triển là tâm nguyện chung của tất cả các nước. Lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông không hề thay đổi, luôn duy trì tính ổn định và liên tục. Các nước trong khu vực cần cảnh giác cao đối với chiến lược và mục đích của Mỹ tại Biển Đông”. Trong khi đó, Thứ trưởng Trung Quốc La Chiếu Huy (21/7) vu cáo những hành động “kiềm chế toàn diện” Trung Quốc của Mỹ đã làm “phức tạp hóa” quan hệ hai nước và “làm căng thẳng” tình hình Biển Đông; cho rằng Mỹ không xem xét cục diện tổng thể của Biển Đông, kích động các nước ASEAN và các nước trong tranh chấp đối đầu với Trung Quốc, “mưu đồ xây dựng liên minh chống Trung Quốc”, bắt ép các quốc gia phải chọn bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần đưa ra các tuyên bố bác bỏ chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế, đồng thời tìm cách ngụy biện về yêu sách “chủ quyền” phi pháp của nước này ở Biển Đông. Theo đó, ông Uông Văn Bân liên tục phản đối Mỹ, Australia, Malaysia gửi Công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; cho rằng các nước trên nói không đúng sự thật, trái ngược với luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc “không thay đổi yêu sách vì chủ quyền và quyền lợi trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông đã hình thành từ lịch sử lâu dài, duy trì liên tục và phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982”. Đáng chú ý, Uông Văn Bân ngang ngược cho rằng Biển Đông không phải là Hawaii của Mỹ, việc Mỹ gần đây nhiều lần phát biểu công kích bôi nhọ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông làm Trung Quốc đặt câu hỏi liệu có phải một số chính khách Mỹ đang cố ý kích động tranh chấp Biển Đông hay không. Trung Quốc cảnh báo hành động của Mỹ nhằm chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, tạo ra một con bài mới để ngăn chặn Trung Quốc. Đáng chú ý, khi được đề nghị xác nhận thông tin Trung Quốc đã bố trí ít nhất 8 máy bay chiến đấu trên “Đảo Vĩnh Hưng, Quần đảo Tây Sa” (Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Uông Văn Bân trơ trẽn cho rằng “quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) là “lãnh thổ” của Trung Quốc; Trung Quốc triển khai xây dựng quốc phòng tại đây là việc làm trong phạm vi “chủ quyền”. Trong khi đó, Người phát ngôn Triệu Lập Kiên (14/7) lại vu cáo “Mỹ đã coi nhẹ yếu tố lịch sử và sự khách quan của vấn đề Biển Đông, đi ngược lại cam kết của chính phủ Mỹ về giữ lập trường trung lập đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, vi phạm và bóp méo luật pháp quốc tế. Các hành động của Mỹ là vô trách nhiệm khi kích động tranh chấp lãnh thổ trên Biển và phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực”. Đáng chú ý, bà Hoa Xuân Oánh (15/7) còn ngang ngược chỉ trích “Mỹ là quốc gia phát triển nhất và siêu cường duy nhất trên thế giới hiện nay nhưng đưa ra tuyên bố trừng phạt hoặc đe dọa trừng phạt là điều đáng thất vọng. Trung Quốc không hy vọng “trừng phạt” biến thành “biểu tượng” của Mỹ trước thế giới. Mỹ nên xem lại chính sách của mình bởi Trung Quốc không sợ các biện pháp trừng phạt”.

Các quan chức Đại sứ Trung Quốc tại nước ngoài cũng tích cực đưa ra bình luận vu cáo các nước “can thiệp” vào vấn đề Biển Đông, đồng thời tìm cách biện minh cho hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (19/7) cho rằng Anh là quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng lại có một hành động “nguy hiểm”; xuyên tạc Trung Quốc và các nước ASEAN đã nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; vu cáo Mỹ muốn thách thức, vi phạm và tổn hại chủ quyền của Trung Quốc và Trung Quốc hy vọng Anh sẽ không đi theo Mỹ để khiêu khích chủ quyền Trung Quốc, ảnh hưởng hòa bình, ổn định của khu vực.Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên (20/7) lại kêu gọi các nước ASEAN “đề cao cảnh giác” trước việc Mỹ “cố ý can thiệp” vào tranh chấp ở Biển Đông. Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia (20/7) ngụy biện cho rằng Trung Quốc không mưu cầu xây dựng “đế quốc trên biển”, ưu tiên duy trì bình đẳng giữa tất cả các nước, duy trì cách tiếp cận “2 kênh” để xử lý vấn đề Biển Đông; tái khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài “không đúng thẩm quyền, phi pháp và không có hiệu lực”, Trung Quốc không chấp nhận và không công nhận Phán quyết; ngụy biện Trung Quốc mong muốn tiếp tục thông qua đàm phán giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông với các nước tranh chấp (có Malaysia) và duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ (13/7) cho rằng Trung Quốc kiên quyết bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ”, giải quyết tranh chấp hòa bình thông qua đàm phán, quảnlý bất đồng thông qua các quy tắc và cơ chế, thực hiện hai bên cùng có lợi; duy trì đối thoại tham vấn với các nước có liên quan thông qua cơ chế tham vấn về các vấn đề biển và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực biển. Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng thường xuyên can thiệp vào vấn đề Biển Đông dưới vỏ bọc duy trì sự ổn định ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu trong khu vực. Trung Quốc kêu gọi Mỹ nghiêm túc tuân thủ cam kết trung lập đối với chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, tôn trọng nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Giới học giả Trung Quốc

Chuyên gia, học giả Trung Quốc tập trung biện minh cho các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời đưa ra các phân tích, bình luận thiển cận, cố tình đổ lỗi cho các nước liên quan và khuyến nghị Chính phủ Trung Quốc cần có các biện pháp đáp trả.

Ngô Sĩ Tồn, Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc (7/7, 21/7) cho rằng tình hình Biển Đông đang có một chuyển biến mới đáng lo ngại. Cho rằng các hành động của Mỹ thời gian gần đây liên tục gia tăng bất chấp tình hình dịch bệnh trong nước. Các yếu tố “quân sự hóa Biển Đông” như đặt ra Phương châm chiến lược đối với Trung Quốc, gửi Công hàm lên Liên hợp quốc, điều 2 tàu sân bay vào Biển Đông và tiến hành tập trận, tiến hành theo dõi trinh thám hoạt động Hải quân Trung Quốc của Mỹ, Philippines hoãn thời hạn rút khỏi VFA, Việt Nam Philippines và Mỹ cùng lên tiếng phản đối hoạt đông tập trận tại Hoàng Sa cho thấy Mỹ là nhân tố then chốt lớn “phá hỏng cục diện hòa bình ổn định” và “quân sự hóa” Biển Đông. Các hành động của Mỹ trong khu vực không thể thiếu sự kêu gọi và hưởng ứng của các nước khu vực (cuộc chiến công hàm, hoạt động dầu khí đơn phương của Việt Nam tại bãi Tư Chính…). Ông Ngô Sỹ Tồn còn đe dọa thời kỳ nhẫn nhịn của Trung Quốc đã kết thúc. Mỹ không ngừng tăng các hoạt động quân sự và ngoại giao tại Biển Đông để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Vụ kiện Biển Đông của Philippines là do Mỹ chỉ đạo và Philippines chỉ là “con rối”. Đáng chú ý, ông Ngô Sĩ Tồn kiến nghị Chính phủ Trung Quốc cần: Kiên định không được loạn, không để Mỹ lôi kéo vào căng thằng; Tăng cường xây dựng năng lực quốc gia (Mỹ gia tăng hoạt động ở Biển Đông là do năng lực răn đe của quân đội Trung Quốc chưa cao); Kiên trì đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC với các nước ASEAN; Duy trì ổn định quan hệ với các nước ASEAN; Tthúc đẩy xây dựng dựa trên luật lệ và trật tự ở Biển Đông; Tiến hành điều chỉnh lực lượng trên biển dựa trên tiêu chí duy trì lợi ích và duy trì ổn định; Xây dựng năng lực thích ứng với mô hình tác chiến trên biển trong tương lai và củng cố và mở rộng ưu thế địa chính trị của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong khi đó, học giả Sư Tiểu Cần (23/7) lại khuyến nghị Trung Quốc cần làm tốt cơ chế quản lý khủng hoảng để ứng phó với Mỹ tại Biển Đông. Trong vài năm qua, việc xây dựng đảo và triển khai quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Mỹ bất an. Cùng với tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Mỹ có thể thực hiện nhiều hoạt động quân sự đa dạng và mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Trung Quốc cần duy trì quyết tâm chiến lược; thúc giục Mỹ kiềm chế hành động; cảnh báo cộng đồng quốc tế về hậu quả tiêu cực từ các hành động của Mỹ; xây dựng các cơ chế quản lý khủng hoảng; trao đổi cơ chế quản lý khủng hoảng với Mỹ.

Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình (21/7) cho rằng cuộc tập trận của không quân Trung Quốc tại Biển Đông gần đây gửi tín hiệu cảnh báo tới Mỹ về khả năng máy bay ném bom của Trung Quốc tấn công tàu chiến trên biển. Trung Quốc có thể sẽ cử nhiều máy bay diễn tập ở khu vực này và tăng tập trận hải quân lớn ở Biển Đông khi căng thẳng Mỹ Trung leo thang. Trước đó, ông Tống Trung Bình (8/7) còn cho rằng các máy bay trinh thám EP-3E và RC-135 tiến hành giám sát khu vực gần bờ biển của Trung Quốc là để tìm hiểu các tín hiệu quân sự của PLA, những hành động này không chỉ mang tính chất chính trị mà còn có các yếu tố cân nhắc về quân sự. Các máy bay trinh thám EP-3E và RC-135 có thể bắt các sóng truyền tin, tiến hành phân tích và so sánh hàm lượng thông tin trong đó từ đó tìm hiểu và nắm bắt được hiện trạng các trang bị vũ khí và các động thái quân sự của Trung Quốc. Chuyên gia này kiến nghị PLA có thể áp dụng phương pháp tiếp cận đánh chặn để gây nhiễu máy bay quân sự Mỹ tiếp cận trinh sát; khi máy bay trinh sát đối phương tiếp cận không phận liên quan của Trung Quốc, PLA cũng có thể tạm dừng một số hoạt động quân sự để giảm tần suất các tín hiệu điện từ bị thu thập.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt (21/7) ngụy biện Trung Quốc chưa hề ngăn cản hoạt động tự do hàng hải của nước khác tại Biển Đông đồng thời phản đối các biện pháp nhằm khuấy động tình hình Biển Đông. Vấn đề Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan; các nước ngoài khu vực (bao gồm Mỹ) không có quyền can thiệp; không nên kêu gọi các nước ngoài khu vực khác tham gia vì chỉ làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp và khó lường.

Học giả Lưu Phong (Viện Nghiên cứu Con đường tơ lụa trên biển, Đại học Hải Nam, 27/7) lại phê phán Australia hành động “thiếu sáng suốt”, ngày càng lún sâu trong vai trò “con tốt” của Mỹ. Sự thay đổi lập trường của Australia nhất là xu thể “cấp tiến” của chính quyền đương nhiệm xuất phát từ việc Australia “chủ động theo đuôi” và phối hợp lập trường để “lấy lòng” Mỹ. Australia còn muốn thông qua gia tăng hiện diện ở Biển Đông để tăng cường quan hệ kinh tế – thương mại với các nước trong khu vực, cứu vãn nền kinh tế đang suy thoái bởi đại dịch Covid-19.

Học giả Hồ Ba (11/7) lại cho rằng thời gian qua, Sáng kiến Minh bạch Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thường xuyên cập nhật, công bố hoạt động của Mỹ và hoạt động nghề cá “trái phép” của các nước tại Biển Đông. Đây là những nỗ lực mới của giới nghiên cứu Trung Quốc nhằm cung cấp nguồn tin “đáng tin cậy”, ngăn chặn các tin giả, mang đến cho cộng đồng quốc tế một cái nhìn đa nguyên và cân bằng hơn về Biển Đông thay vì chỉ có tin tức từ phương Tây. Tuy nhiên, các dữ liệu của hệ thống theo dõi có nguồn và phương thức phân tích tương đối đơn nhất, không thể so sánh về độ chính xác và ổn định so với các hệ thống nội bộ của chính phủ các nước, do đó, chủ yếu nhằm phục vụ giới học giả trong việc nghiên cứu và phân tích chính sách, không thể phục vụ cho các hành động quân sự cụ thể.

Giới truyền thông Trung Quốc

Các trang mạng báo chí Trung Quốc, Đài truyền hình và diễn đàn quân sự tích cực đưa tin, bài viết ca ngợi hoạt động quân đội Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời lồng ghép vu cáo, đe dọa các nước liên quan can thiệp vào vấn đề Biển Đông hòng kích động tinh thần dân tộc và định hướng thông tin tuyên truyền trong nước.

Báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (27/7) cho rằng Phán quyết Biển Đông 2016 của Tòa trọng tài quốc tế hoàn toàn không có hiệu lực pháp lý. Vụ kiện Biển Đông từ đầu là do Mỹ chỉ đạo và đây hoàn toàn là kết quả của việc thao túng chính trị khi trong 5 thẩm phán có tới 4 người từ châu Âu và 1 người cư trú dài hạn ở châu Âu, thiếu những hiểu biết cơ bản về văn hóa Châu Á và diễn tiến lịch sử của vấn đề Biển Đông. Tòa đã lạm quyền khi thụ lý vụ kiện, cố tình phớt lờ yêu cầu hợp pháp của Trung Quốc, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Lập trường và yêu sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông ngày càng được sự ủng hộ và thấu hiểu của cộng đồng quốc tế và đã có hơn 100 nước công khai phát biểu ủng hộ. Tờ báo trên (30/7) còn ngang ngược cho rằng Mỹ “thất đạo thất tín, là kẻ tạo ra phiền phức lớn nhất”. Con đường của Trung Quốc là chung sống hòa bình, hợp tác cùng có lợi, không vi phạm lợi ích nước khác, không đố kỵ với sự phát triển nước khác nhưng không từ bỏ quyền lợi chính đáng của Trung Quốc. Trong khi đó Mỹ có lòng tham bá quyền và “tư duy đế quốc” nguy hiểm; luôn luôn coi mình là “thẩm phán của thế giới”, sử dụng logic ngoại giao “kẻ mạnh là công lý” và không có thành tín trong xã hội quốc tế, thường xuyên kích động gây chia rẽ.

Để cổ xúy cho phong trào “lên án Mỹ”, báo Sohu (29/7) vu cáo Mỹ lạm dụng luật pháp quốc tế, làm náo loạn tình hình Biển Đông; đổ lỗi Mỹ chỉ tận dụng luật pháp quốc tế khi có lợi và sẽ “vứt bỏ” nếu không có lợi; sau khi “nguyên cáo” Philippines thể hiện thái độ không muốn đối đầu với Trung Quốc (27/7), Mỹ vẫn tiếp tục có các hành động tại đây để làm loạn tình hình Biển Đông.

Nhìn chung, dư luận Trung Quốc trong tháng 7 chủ yếu tìm cách đổ lỗi, vu cáo Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông, đồng thời tìm cách chia rẽ quan hệ hữu nghị giữa Mỹ với các nước ASEAN. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc không thể đánh lừa được cộng đồng quốc tế, nhất là yêu sách “chủ quyền” phi pháp và hoạt động khiêu khích, gây hấn trên thực địa của Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế vạch trần.

RELATED ARTICLES

Tin mới