Saturday, April 27, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngASEAN đang ngày càng gắn kết và đồng thuận khi xử lý...

ASEAN đang ngày càng gắn kết và đồng thuận khi xử lý vấn đề Biển Đông

Các nước ASEAN nhất trí hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cần được coi là ưu tiên cao; nhấn mạnh tầm quan trọng của kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng khôi phục đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp và khiêu khích ở Biển Đông, đe dọa trực tiếp chủ quyền, lợi ích, hòa bình và ổn định của các nước ASEAN, buộc các nước trong Hiệp hội phải đoàn kết và đồng thuận hơn khi thúc đẩy các biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (26/6)

Trong đó, Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 coi Biển Đông là vấn đề hệ trọng liên quan đến an toàn, an ninh khu vực được đánh giá là điểm nhấn quan trọng, thể hiện sự đoàn kết của các nước ASEAN.

Nội dung Tuyên bố Chủ tịch nhấn mạnh: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua Biển Đông và ghi nhận lợi ích của việc giữ Biển Đông là vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ toàn bộ Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002. Chúng tôi được khích lệ bởi những bước tiến mạnh mẽ trong việc đàm phán hướng đến việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Đông một cách hiệu quả và bền vững, theo đúng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Chúng tôi hoan nghênh việc hoàn tất xem xét lần đầu Văn bản dự thảo sơ bộ về COC.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy một môi trường mang tính có lợi cho các cuộc đàm phán COC và vì thế hoan nghênh các biện pháp thiết thực nhằm hạ nhiệt căng thẳng cũng như những nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu nhầm hoặc tính toán sai lầm.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa nhằm tăng cường niềm tin giữa các bên. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.

Chúng tôi cũng đã thảo luận về tình hình Biển Đông và bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo, những diễn biến gần đây, trong đó có những hành động và vụ việc hết sức nghiêm trọng làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hoàn bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy xây dựng niềm tin chung, kêu gọi các bên kiềm chế không có hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định cũng như tránh những hành động có thể tiếp tục làm phức tạp tình hình và theo đuổi các giải pháp giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình theo các nguyên tắc được công nhận trên toàn cầu theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Chúng tôi tái khẳng định UNCLOS 1982 là nền tảng cơ bản nhằm xác định các thực thể trên biển, chủ quyền hợp pháp và những lợi ích hợp pháp tại các vùng biển và UNCLOS 1982 đã tạo ra những khuôn khổ pháp lý cho toàn bộ các hoạt động tại các đại dương và vùng biển.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và kiềm chế mọi hoạt động của các bên có liên quan và các quốc gia khác, bao gồm cả những nước được đề cập trong DOC, có thể tiếp tục gây phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông”.

Ngay sau khi các nước thông qua Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020, nhiều nước đã bày tỏ quan điểm ủng hộ và hoan nghênh. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đánh giá “ngay cả khi các nước trong khu vực nỗ lực để kiềm chế Covid-19, nhiều diễn biến đáng báo động vẫn đang diễn ra ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế không làm leo thang căng thẳng và thực thi trách nhiệm của mình theo đúng luật pháp quốc tế”. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha kêu gọi các nước ASEAN cần hợp tác nhằm “tăng cường đoàn kết khu vực, tránh bị ép phải chọn phe cũng như trở thành bàn đạp cho các cường quốc gây áp lực với các quốc gia nội khối”. Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định Campuchia rất chú ý đến việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trên Biển Đông. Những diễn biến mới trên biển Đông cho thấy tầm quan trọng của việc sớm hoàn tất COC nhằm duy trì hòa bình ở Biển Đông. Theo ông Hun Sen, các bên liên quan cần kìm chế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Mỹ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm thảo luận thêm về chủ đề này”.

Hội nghị Tham vấn Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc (ACSOC) lần thứ 26 (1/7)

Tại Hội nghị, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục khẳng định cam kết hợp tác thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có Biển Đông. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có hiệu lực, hiệu quả.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông, trước vai trò dẫn dắt ASEAN của Việt Nam trong năm 2020, Trung Quốc đã tiếp tục khẳng định sự coi trọng vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhất là nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác duy trì ổn định và thịnh vượng tại khu vực.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh trong thời gian tới, ASEAN và Trung Quốc với tư cách là đối tác chiến lược của nhau, cần tiếp tục tăng cường phối hợp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Thay mặt các nước ASEAN trình bày về các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống nổi lên trong khu vực, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh ASEAN đã triển khai cách tiếp cận an ninh toàn diện trong bối cảnh khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp đan xen do nhiều thách thức đang nổi lên. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và chia sẻ các chuẩn mực đóng vai trò then chốt trong giải quyết tất cả các thách thức an ninh. ASEAN và Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác nâng cao năng lực chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Thứ trưởng nhấn mạnh trong quan hệ và ứng xử giữa các quốc gia, cần đề cao nguyên tắc tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế và giải quyết hoà bình các tranh chấp và khác biệt. Thứ trưởng khẳng định ASEAN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC. Phấn đấu xây dựng COC phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Hội nghị Cộng đồng Chính trị – an ninh ASEAN lần thứ 21

Tại Hội nghị, các nước nhất trí hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực cần được coi là ưu tiên cao, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi cộng đồng thế giới đang tập trung các nỗ lực chung tay ứng phó với đại dịch Covid-19. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng khôi phục đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Phát biểu tại các cuộc họp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo đó, các nước cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Trong quá trình này, cần hết sức đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện tự kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, quân sự hóa, thực hiện đầy đủ DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Hội nghị trực tuyến Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+)

Các lãnh đạo ASEAN cùng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, bảo đảm Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Tại Hội nghị ADSOM+, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM+ Việt Nam khẳng định, ASEAN tôn trọng mối quan hệ giữa các nước lớn với nhau nhưng mối quan hệ đó phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng các nước trong ASEAN, đem lại hòa bình, ổn định. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, với tôn chỉ ASEAN là trung tâm nên mối quan tâm của ASEAN là chiến lược của các nước lớn với nhau có ảnh hưởng tới lợi ích của các nước ASEAN hay không, có tạo ra xung đột trên Biển Đông hay không, có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không, có đơn phương và sử dụng vũ lực hay không. ASEAN không đồng tình nếu những điều đó xảy ra.

Theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng cũng có nhiều tín hiệu tích cực trong việc đảm bảo an ninh, an toàn. Điển hình trong đó là sự đoàn kết, nhất trí và đồng thuận cao giữa các nước ASEAN khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, sự hợp tác ASEAN – Trung Quốc đang có những bước tiến tích cực, có hiệu quả cao và mang tới lợi ích thực chất và hiệu quả. Trên thực tế, ASEAN và nước đối tác Trung Quốc đã nỗ lực hợp tác vượt qua những khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19. Trong đó, thương mại 2 chiều vẫn giữ nhịp tăng trưởng ổn định từ đầu năm đến nay ở mức 4,2%. Sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc khá toàn diện và mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế số, an ninh mạng, ứng phó thiên tai, hợp tác biển…

Các nước ASEAN cũng khẳng định, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã nỗ lực hợp tác trong kiểm soát dịch bệnh và duy trì ổn định, phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời tích cực ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về Quỹ Ứng phó Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của khu vực, cũng như triển khai nhiều hoạt động hợp tác thiết thực với ASEAN.

Trong thời gian tới, ASEAN và Trung Quốc cùng nhất trí tiếp tục cách tiếp cận song trùng hướng tới việc phục hồi từng bước kinh tế, giao thương sau thời gian dài chịu tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu Covid-19. Mặt khác, ASEAN và Trung Quốc cũng tiếp tục hoàn tất xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2021-2025 nhằm định hướng các ưu tiên hợp tác. Trong năm nay, ASEAN và Trung Quốc thể hiện quyết tâm cao sớm hoàn tất ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời triển khai hiệu quả Nghị định thư nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) nhằm thực hiện cam kết thương mại đa phương tự do và rộng mở.

RELATED ARTICLES

Tin mới