Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHơn 16.000 tàu cá TQ ồ ạt đổ xuống Biển Đông sau...

Hơn 16.000 tàu cá TQ ồ ạt đổ xuống Biển Đông sau 3 tháng rưỡi tạm nghỉ

Khoảng hơn 16.000 tàu cá Trung Quốc từ khu vực miền nam nước này đã hướng tới khu vực Vịnh Bắc Bộ và các vùng biển có tranh chấp, ngay khi lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông vừa được Trung Quốc chấm dứt.

Tàu cá Trung Quốc đồng loạt ra khơi ngày 16/8 (ảnh chụp từ video).

Thông tin trên được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa lên Twitter hôm Chủ nhật (16/8) qua một đoạn phim.

Nội dung đoạn phim nói rằng, hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi cùng ngày sau khi lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông kết thúc. Chuyến ra khơi mất khoảng 6-7 ngày. Trong đoạn phim, một ngư dân cho hay các ngư dân đã chuẩn bị thực phẩm cho 12 ngày.

Đoạn phim còn chiếu cảnh các tàu cá ở Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây hôm 16/8 bắt đầu ra khơi ở vịnh Bắc Bộ để đánh bắt ở “vùng biển mở”.

Việc tàu cá Trung Quốc ồ ạt đổ xuống Biển Đông khiến căng thẳng trong khu vực có thể tiếp tục dâng cao hơn nữa.

Tranh chấp về quyền đánh bắt cá

Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm được Trung Quốc bắt đầu đưa ra từ năm 1999. Lệnh này, theo Trung Quốc, là nhằm để bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, Việt Nam luôn phản đối và coi đây là lệnh cấm bất hợp pháp. Việt Nam nói phạm vi Trung Quốc áp lệnh cấm đánh bắt cá bao gồm cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước đó hôm 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5 – 16/8 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.

Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước. Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới