Malaysia lên tiếng phản đối Trung Quốc tuyên bố có các quyền lịch sử ở Biển Đông, cho rằng yêu sách đó của Trung Quốc đối với thực thể ở vùng biển này là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein phát biểu trước Quốc hội Malaysia như vừa nêu, vào ngày 13/8.
Ông Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein nói trước Quốc hội Malaysia rằng Chính phủ Malaysia trước đó 2 tuần đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về các quyền của Malaysia đối với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Động thái mới nhất của Malaysia liên quan vấn đề Biển Đông được đánh giá là phản ứng của Malaysia về một tuyên bố tương tự mà Trung Quốc trình lên LHQ hồi trung tuần tháng 12/2019. Và, đây được xem là hành động khác thường của Malaysia đối với đối tác thương mại lớn nhất của mình, vì trước đây thường tránh chỉ trích Trung Quốc công khai cũng như thường lập lại quan điểm rằng Malaysia đảm bảo khu vực Biển Đông vẫn mở cửa cho thương mại.
Trình bày trước Quốc hội Malaysia, Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein nhấn mạnh rằng Chính phủ Malaysia sẽ cẩn trọng trong việc bảo vệ các yêu sách của quốc gia, tránh leo thang căng thẳng. Đồng thời, Malaysia cũng sẽ hướng tới một giải pháp trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào khi Hiệp hội đang tổ chức các cuộc thảo luận với Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Malaysia đệ trình công hàm lên LHQ sau khi Úc và Mỹ cũng bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc. Hai nước đồng minh của Malaysia cho rằng Bắc Kinh muốn tăng cường hoạt động nhằm thống trị khu vực Biển Đông giàu tài nguyên.
Hồi giữa tháng 4 năm nay, tàu địa chất của Trung Quốc được nói là đã có hành vi quấy rối trong suốt một tháng đối với tàu West Capella của Malaysia ở Biển Đông, khi tàu Malaysia tiến hành hoạt động khoan thăm dò tại hai mỏ dầu ở vùng biển này.
Các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở khu vực Biển Đông bao gồm Trung Quốc, Đài Loan và một số quốc gia khối ASEAN, trong đó có Việt Nam.