Wednesday, May 8, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ bức tử sông Mekong

TQ bức tử sông Mekong

Những công dân Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc… đang liên thủ đấu tranh chống bá quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu lên tiếng cho các nước ở hạ lưu Mê Kông, sau phát ngôn mở đầu của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ

Một khúc sông Mê Kông khô hạn đến trơ đáy

Mê Kông cạn khô

Epoch Times dẫn nguồn tin từ kênh truyền thông Hoa Kỳ cho biết mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông gần đây đã chạm đáy mới. Ủy ban sông Mê Kông (MRC) đã đưa ra báo cáo vào tháng 8 kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động của các đập thủy điện.

Báo cáo cho rằng lưu lượng thấp ở hạ lưu sông Mê Kông năm 2020 có liên quan đến một loạt điều kiện khí tượng thủy văn. “Kể từ năm 2019, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Niño, hạ lưu sông Mê Kông có lượng mưa thấp bất thường“. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể do bị ảnh hưởng bởi các đập trên thượng nguồn sông Mê Kông ở Trung Quốc và các phụ lưu. Tuy nhiên, ủy ban MRC cũng tuyên bố rằng hiện tại không có dữ liệu và thông tin chính thức để xác minh tác động tiềm tàng của các hoạt động lưu trữ nước ở thượng nguồn.

Theo báo cáo, hiện có 13 nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Lan Thương (Mê Kông), gồm 11 nhà máy ở Trung Quốc và 2 nhà máy ở Lào.

Báo cáo cũng cho biết, mực nước thấp sẽ tác động lớn đến Biển Hồ và Đồng bằng sông Cửu Long, gây mất cân bằng sinh thái, giảm nguồn cá, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.

Arne Kislenko, một phó giáo sư tại Đại học Ryerson ở Canada, từng nói: “11 đập mà Trung Quốc xây dựng trên sông Lan Thương đang đóng và trữ toàn bộ nước. Trên thực tế, Trung Quốc đang ‘tàng trữ’ tài nguyên nước, phá hủy nền nông nghiệp ở các quốc gia nằm ở hạ lưu. Ví dụ, Thái Lan đã báo cáo lượng nước ở các tỉnh phía bắc của họ giảm 50% so với năm ngoái”.

Báo cáo khuyến nghị rằng “Nếu tình hình hiện tại tiếp tục, các quốc gia thành viên cũng có thể cân nhắc yêu cầu ĐCSTQ tiến hành mở đập để ‘bổ sung nước’“. Báo cáo cũng nêu rõ “việc chia sẻ thông tin và dữ liệu minh bạch là điều trọng yếu. Việc thiếu thông tin về vận hành cơ sở hạ tầng đặt ra thách thức lớn đối với việc đánh giá toàn diện và dự báo chính xác“.

Một báo cáo nghiên cứu được công bố vào giữa tháng 4 cũng cho thấy các đập của Trung Quốc trên sông Lan Thương thượng nguồn sông Mê Kông dường như làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở vùng hạ lưu của Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.

Các ý kiến phản đối

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tweet về vấn đề sông Mê Kông vào ngày 14/8: “Hoa Kỳ ủng hộ lời kêu gọi của Ủy ban sông Mê Kông (MRC) nhằm tăng cường tính minh bạch về hoạt động của các đập trên sông Mê Kông. Thao túng lượng nước theo cách như vậy đã làm tổn hại đến lợi ích của các nước hạ lưu sông Mê Kông“.

Sau tiếng nói của Ngoại trưởng Pompeo, các thành viên của “Liên minh trà sữa” (Milk Tea Alliance) – một liên minh ủng hộ phong trào dân chủ được thành lập bởi những người ủng hộ dân chủ ở Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông và những nơi khác, cũng đã tập hợp trên Internet để lên án ĐCSTQ. Họ đã sử dụng các nhãn bắt đầu bằng # “Liên minh trà sữa” (#奶茶聯盟 hay #MilkTeaAlliance) và “Dừng đập Mekong” (#StopMekongDam) trên Twitter và nói “Chúng ta phải ngăn chặn sự áp bức bá quyền của ĐCSTQ”.

Một số cư dân mạng nói: “Nước là quyền lợi cơ bản của mỗi cá nhân. ĐCSTQ đã xây dựng các con đập trên sông Mê Kông, làm gián đoạn nguồn nước ở một số quốc gia”.

Chuyên gia: Vấn đề sông Mê-Kông là một ví dụ cho thấy ĐCSTQ coi thường lợi ích của các nước láng giềng

Ông Gregory Poling, nhà nghiên cứu của Dự án Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng vấn đề Mê Kông là ví dụ rõ ràng nhất về việc ĐCSTQ phớt lờ lợi ích của các nước láng giềng, lợi dụng thông tin hư giả và không minh bạch để che giấu hành động của mình. Đây là ví dụ minh hiển nhất.

Ông James Buchanan, đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Hồng Kông và nghiên cứu các vấn đề của Thái Lan, cho biết: “Các vấn đề như Đập trên sông Mê Kông cho thấy sự quan ngại trước hành động bành trướng ngày càng tăng của ĐCSTQ và sự bất an trong khu vực này. Trong khu vực này, ĐCSTQ luôn bị coi là ức hiếp các nước láng giềng nhỏ hơn. Trên thực tế, đây đang trở thành hình ảnh của ĐCSTQ trên toàn thế giới“.

RELATED ARTICLES

Tin mới