Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgoại giao "Sói chiến" TQ thất bại với Mỹ

Ngoại giao “Sói chiến” TQ thất bại với Mỹ

Chính phủ Mỹ đang liên tục có các động thái bóp nghẹt và cô lập chính quyền Trung Quốc. Các quan chức ngoại giao hàng đầu (thường gọi là chiến lang – sói chiến) của chính quyền Trung Quốc đang bị động chạy theo chống đỡ.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị

Bối cảnh thay đổi quá nhanh

Sau một loạt phát biểu của bốn quan chức hàng đầu trong Chính phủ của tổng thống (TT) Donald Trump về Trung Quốc vào cuối tháng 07/2020, đặc biệt là bài tổng hợp của Ngoại trưởng Mike Pompeo, quan điểm ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc đã thực sự thay đổi.

Trước đây, phó TT Mỹ Mike Pence trong hai bài phát biểu lịch sử năm 2018 và 2019 về Trung Quốc, đã khẳng định cách nhìn của Chính phủ Mỹ về chế độ này. Tuy nhiên, lần này có hai điểm khác biệt.

Một là, bối cảnh hơn một năm qua diễn biến quá nhanh. Từ việc đàn áp Tân Cương bị phơi bày, Tòa án độc lập Luân Đôn kết luận hoạt động mổ cướp nội tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, đến việc đàn áp Hồng Kồng. Tiếp theo đó là việc Trung Quốc bưng bít thông tin đại dịch làm lây lan ra toàn cầu và áp đặt Luật An ninh quốc gia hà khắc lên Hồng Kông.

Hai là, Ngoại trưởng Mike Pompeo là quan chức trực tiếp điều phối quan hệ ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc và thế giới. Cho nên các động thái sau loạt bài phát biểu đó là rất cụ thể.

Thêm nữa, hàng loạt hành động hung hăng mới nhất của chính quyền Trung Quốc ở biển Đông, gây hấn biên giới với Ấn Độ, dọa nạt Úc, Đài Loan, kết án tử hình công dân Canada… đã củng cố thêm hình ảnh hung đồ của họ trong con mắt quốc tế.

Ngay cả chuyến thăm dự kiến của ông Tập Cận Bình đến Nhật Bản vốn bị hoãn do đại dịch, cũng bị các đảng phái chính trị và dư luận Nhật Bản đòi hủy bỏ. Tất cả đang cho thấy vị thế, hình ảnh và quan hệ của chính quyền Trung Quốc với thế giới đang xoay chuyển chóng mặt.

Ngoại giao nói suông không còn tác dụng

Quan điểm về Trung Quốc của chính phủ Mỹ đã hoàn toàn thay đổi, thể hiện qua phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo: “Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tôi nghĩ chúng ta phải ‘không tin tưởng và cần chứng thực‘”.

Thực ra ông Mike Pompeo đã tiết lộ về nội dung và quan điểm cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tại đảo Hawaii ngay trước đó:

“Chúng ta sẽ tiếp tục đối thoại, nhưng nội dung sẽ khác. Tôi đã tới Honolulu cách đây vài tuần để gặp Dương Khiết Trì. Vẫn là một câu chuyện cũ xưa – rất nhiều lời nói nhưng không có đề xuất nào nhằm thay đổi cách hành xử“.

“Lời hứa của ông Dương, cũng giống như của rất nhiều quan chức Trung Quốc trước đó, đều là trống rỗng. Ông ta dường như kỳ vọng tôi chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh, bởi đây chính là điều rất nhiều chính quyền tiền nhiệm đã làm. Nhưng tôi thì không, và Tổng thống Trump cũng sẽ không như vậy“.

Do vậy, trong thời gian ngắn vừa qua, dù các quan chức ngoại giao hàng đầu của chính quyền Trung Quốc như Dương Khiết Trì, Vương Nghị, Lại Ngọc Thành (thứ trưởng) và đại sứ tại Mỹ Thôi Thiên Khải lần lượt tuyên bố “sẵn sàng đàm phán”. Tuy nhiên, những phát biểu “suông” nay đã không còn tác dụng, phía Mỹ không có phản ứng nào đáp lại.

Mỹ chủ động ra tay, chính quyền Trung Quốc bị động chạy theo

Chính phủ Mỹ đang liên tiếp thực hiện các động thái nhằm vào Trung Quốc như trừng phạt quan chức Tân Cương, Hồng Kông, yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán tại Houston, gia tăng cấm vận Huawei, Wechat…

Ngoài động thái “trả miếng” có tính biểu tượng là yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô và tuyên bố trừng phạt 11 chính trị gia Mỹ, chính quyền Trung Quốc hầu hết đều chỉ yêu cầu Mỹ “sửa chữa sai lầm”. Nhưng dường như phía Mỹ mỗi vài ngày trôi qua lại có thêm động thái “sai lầm” hơn nữa. Lần gần đây nhất (26/08), Mỹ trừng phạt 24 công ty Trung Quốc tham gia xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.

Các động thái từ Mỹ đang gây nguy cơ cô lập Trung Quốc với thế giới. Bởi vì mỗi lệnh trừng phạt của Mỹ đều trực tiếp khiến các quốc gia, doanh nghiệp khắp thế giới không dám làm ăn với cá nhân hay doanh nghiệp Trung Quốc.

Ngày 20 và 21/08, Dương Khiết Trì tới thăm Singapore và Hàn Quốc. Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Ocean Trung Quốc cho biết: “Trọng tâm chính cho chuyến đi châu Á của Dương sẽ là quan hệ Trung-Mỹ“. Bởi vì tình hình bán đảo Triều Tiên luôn là một vấn đề Mỹ quan tâm.

Mục tiêu cụ thể của ông Dương Khiết Trì là thu xếp cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên sáng 19/8, ngay trước chuyến thăm của ông Dương, Hàn Quốc cho biết, tổng số ca Covid-19 đã tăng thêm 297 ca, cao nhất kể từ tháng 03/2020, mở đầu cho làn sóng dịch thứ hai. Do vậy chuyến thăm của ông Tập Cận Bình chưa biết bao giờ có thể thành hiện thực.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có thể nói là đã “chạy theo” chuyến thăm của ông Mike Pompeo tới châu Âu. Trong khi ông Mike Pompeo tới Anh, Đan Mạch cuối tháng 7 và các nước trung Âu từ ngày 11/08, thì chuyến thăm của ông Vương Nghị bắt đầu từ 25/08 tới một số nước tây và bắc Âu. Một bên cố gắng ngăn chặn các nước hợp tác với Huawei, một bên lại ra sức thúc đẩy. Pompeo cảnh báo về bản chất xấu xa của ĐCSTQ, trong khi Vương vẫn hăm dọa các nước không được “can thiệp vào nội bộ” của Trung Quốc.

Chỉ cách đây một năm, tình thế vẫn còn rất khả quan với Huawei tại châu Âu. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, đa số các nước châu Âu đều đã thay đổi thái độ. Ngoài lệnh cấm Huawei từ chính phủ Anh (14/07), Pháp cũng không ra hạn giấy phép cho doanh nghiệp mua thiết bị của Huawei…

Chỉ cách đây hơn một năm, vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc chỉ ở mức độ khiến châu Âu than phiền. Nhưng đến nay thái độ của châu Âu đã khác.

Trong khi Vương Nghị đang chạy theo tới châu Âu, ông Mike Pompeo đã tới Trung Đông nhằm củng cố vai trò của Mỹ. Bên cạnh đó, mục đích là nhằm siết chặt hơn bao vây với chính quyền Iran, gây áp lực lên Trung Quốc trong việc lợi dụng Iran mua dầu giá rẻ và gây bất ổn để phân tán lực lượng của Mỹ. Có lẽ trong điều kiện này, các “chiến lang” chưa thể đủ tâm trí để tâm tới Trung Đông.

Tại Biển Đông, sau khi Mỹ tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp, chắc chắn các nước vốn đang bị Trung Quốc lấn lướt sẽ vững tin hơn. Ngày 26/08, ngoại trưởng Philippines cho biết sẽ “gọi Mỹ” nếu bị Trung Quốc tấn công. Theo tờ SCMP, các nhà ngoại giao ASEAN cho biết, Trung Quốc gần đây đã thể hiện thiện chí hơn trong thảo luận về các giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.

Với Đài Loan, thái độ của Chính phủ của TT Thái Anh Văn ngày càng cứng rắn hơn, trong khi Mỹ vừa lần đầu tiên sau 40 năm đã cử bộ trưởng Y tế thăm chính thức. Phe Quốc dân Đảng thân Bắc Kinh cũng liên tục bị thua trong các cuộc bầu cử, vì thái độ của người dân Đài Loan đã trở nên tức giận với chính quyền Trung Quốc.

Tình hình ngày càng khó cho Trung Quốc

Trong bài phát biểu lịch sử của mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh quan điểm: “Cách duy nhất để thực sự thay đổi chính quyền ĐCSTQ là không được hành động dựa trên những gì giới lãnh đạo nói, mà phải dựa trên những gì họ làm“.

Quả thực hệ quả với chính quyền Trung Quốc hôm nay, hoàn toàn xuất phát từ bản chất và thói quen hành xử hung bạo, dối trá. Ngay trong khi các quan chức ngoại giao hàng đầu đưa ra những phát biểu có vẻ “hòa dịu” những ngày qua, thì hành động của họ lại hoàn toàn khác.

Ngày 10/08, chính quyền Hồng Kông tiến hành bắt giữ ông Jimmy Lai và nhà hoạt động Chu Đình, khám xét trụ sở tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily. Đối với thế giới tự do, hành động bắt giữ và khám xét tùy tiện giới báo chí và hoạt động như vậy đã bị phản ứng dữ dội.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ hôm 24-8 đưa tin, quân đội Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành đồng thời bốn cuộc tập trận quân sự tập trung trên ba vùng biển lớn trong các ngày từ ngày 22 đến 30/08, bao gồm cả vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong khi đó, Mỹ cũng tiến hành các cuộc tập trận liên tục trên biển với đồng minh. Từ biển Đông đến Ấn Độ Dương và hiện đang là cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới RIMPAC (Vành đai Thái Bình Dương), với hàng chục đồng minh tham gia. Điều này không chỉ gửi tín hiệu quân sự rõ ràng đến Hoa Kỳ, mà còn cho thấy sự chênh lệch về khả năng tập hợp sức mạnh quốc tế của hai bên.

Vương Nghị đã chọn Ý là điểm đến đầu tiên cho chuyến thăm. Lý do có lẽ Ý là nước G7 duy nhất tham gia Vành đai Con đường và từng cám ơn Trung Quốc hỗ trợ vật tư y tế trong đại dịch. Tuy nhiên diễn biến tại Ý không như mong đợi của chính quyền Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Ý Di Maio tuyên bố: “Mối quan hệ trong EU và NATO của chúng tôi là vững chắc hơn bao giờ hết“. Ông cũng tuyên bố rằng Ý sẽ “giám sát chặt chẽ” việc Trung Quốc thực thi luật an ninh Hồng Kông. “Chúng tôi tin rằng việc duy trì mức độ tự chủ cao, các quyền và tự do cơ bản cho công dân trong khu vực là điều không thể thiếu“.

Ngay cả nội dung trọng tâm liên quan đến mạng 5G đã không được đề cập. Kết quả này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Trung – Âu đang rơi theo mối quan hệ Trung – Mỹ. Bởi vì suy cho cùng, giá trị tự do, dân chủ đối với châu Âu vẫn là cốt lõi. Nhất là khi đến lúc phải có sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, buộc các quốc gia châu Âu phải thay đổi.

Kết luận

Hơn 40 năm quan hệ với Trung Quốc, đến nay nước Mỹ không chỉ đã thay đổi thái độ mà còn đang vào giai đoạn tăng tốc các biện pháp phản công. Với tất cả sức mạnh của mình, Mỹ đang khiến chính quyền Trung Quốc dù chạy theo chống đỡ cũng hầu như không thể làm được gì đáng kể. Ngay cả Huawei được ví như là móng vuốt của ĐCSTQ cũng đang dần trở nên vô dụng trước các biện pháp cấm vận công nghệ của Mỹ, .

Có thể nói, thực tế 100 năm qua cho thấy bản chất giả dối, bạo lực của ĐCSTQ sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng chính bản chất đó khi thể hiện ra toàn thế giới thì càng khiến thế giới không thể dung thứ. Chính quyền Trung Quốc thường chỉ trích Mỹ là “cảnh sát quốc tế”. Thực tế có thể nói đúng là như vậy, Mỹ đang coi như thay mặt cho thế giới văn minh dồn ĐCSTQ vào đường cùng. Vấn đề với các cá nhân, quốc gia trong diễn biến này chính là sự lựa chọn, đó cũng là sự lựa chọn cho tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới