Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaMối lo lắng mới của ông Tập về nội bộ

Mối lo lắng mới của ông Tập về nội bộ

Trong một bài phát biểu, ông Tập đã đề cập đến việc ngăn chặn việc bồi dưỡng ra “những kẻ đào mộ bên trong thể chế này”, làm dấy lên nghi ngờ rằng điều này có liên quan sâu sắc đến khủng hoảng bên trong chính quyền ĐCSTQ.

Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình

Truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây giới thiệu nhà xuất bản Bắc Kinh đã xuất bản một cuốn sách mới, trong đó đã thu thập lượng lớn các bài phát biểu và chỉ thị của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền đến nay, rất nhiều trong số đó là được xuất bản công khai lần đầu tiên.

Tạp chí “Cầu Thị” (Qiu Shi), kênh truyền thông của ĐCSTQ, gần đây đã đăng bài viết giới thiệu cuốn sách mới có liên quan đến ngôn luận của ông Tập Cận Bình đã được xuất bản ngày 6/9 này. Nội dung cuốn sách liên quan đến cái gọi là phòng ngừa những rủi ro thách thức, ứng phó với các tình huống bất ngờ phát sinh. Trong sách cũng đề cập đến ngày 18/3 năm ngoái, tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị tọa đàm với các giáo viên dạy môn lý luận chính trị và tư tưởng trong trường.

Một phần nội dung trong cuốn sách mới này đề cập đến tuyên bố của ông Tập tại hội nghị tọa đàm nói trên: “Chúng ta cần bồi dưỡng những người kế tục và những người xây dựng xã hội chủ nghĩa”, “Nếu bồi dưỡng suốt một thời gian dài, bồi dưỡng ra những người ‘ăn cây táo rào cây sung’, hay những kẻ ‘ăn cháo đá bát’, thậm chí là những ‘kẻ đào mộ’ trong thể chế của chúng ta, thì giáo dục để làm gì? Đó sẽ là một nền giáo dục thất bại!”.

Ông Tập đề nghị “chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ từ tầm cao là duy hộ hình thái ý thức tư tưởng quốc gia, vun đắp những người xây dựng và kế thừa xã hội chủ nghĩa”. Ông cũng yêu cầu các giáo viên môn tư tưởng và chính trị không được “dạy bừa trong tiết học” và “ăn nói bừa bãi trên mạng”.

Bộ Giáo dục của ĐCSTQ tiết lộ rằng trong học kỳ mùa thu này, 37 trường đại học trên cả nước sẽ xếp lịch dạy “Giới thiệu tư tưởng Tập Cận Bình”.

ĐCSTQ luôn coi hệ tư tưởng là vận mệnh của chính quyền, và ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ các giáo viên và học sinh trong trường, yêu cầu phải “bắt đầu ngay từ tấm bé”.

Có nhà bình luận đã tiết lộ rằng, ngoài các phương pháp tẩy não thông thường mà ĐCSTQ quen dùng trong quá khứ, mấy năm trở lại đây, ĐCSTQ đã đưa ra một loạt các mô hình tẩy não mới – tẩy não học sinh dưới chiêu bài yêu nước, khoa học, gần gũi con cái, hệ thống luật pháp và thể chế, giáo dục gia đình, giáo dục sức khỏe. Đồng thời, còn lợi dụng học sinh lan tỏa những hình thái ý thức này ra toàn xã hội nhằm đạt hiệu quả tẩy não “một lưới tóm gọn”.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên, ông Tập Cận Bình đã đề cập đến việc ngăn chặn việc bồi dưỡng ra “những kẻ đào mộ bên trong thể chế này”, làm dấy lên nghi ngờ rằng điều này có liên quan sâu sắc đến khủng hoảng bên trong chính quyền của ĐCSTQ.

Năm nay, ĐCSTQ trong các vấn đề như che giấu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán khiến dịch bệnh lây lan toàn cầu, cưỡng chế áp đặt Luật An ninh Quốc gia lên Hồng Kông, thành lập các trại lao động tập trung ở Tân Cương và gần đây nhất là sự kiện hủy bỏ dạy tiếng Mông Cổ ở Nội Mông, những hành động này của ĐCSTQ đã làm dấy lên làn sóng khiển trách và chế tài của xã hội quốc tế. 

Cùng lúc này, bên trong thể chế ĐCSTQ đã nổ ra một làn sóng ly tâm, gần đây nhất là ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) – đại gia bất động sản Trung Quốc thuộc thế hệ đỏ thứ hai của ĐCSTQ và bà Thái Hà (Cai Xia) – cựu giáo sư trường đảng Trung ương cũng thuộc thế hệ đỏ thứ hai, cả hai đã lên tiếng chống lại ông Tập Cận Bình. Vụ việc này đã buộc lãnh đạo ĐCSTQ phải đứng ra xử lý khẩn cấp.

Đặc biệt liên quan đến sự kiện Thái Hà, có không ít quan điểm cho rằng đây là màn dạo đầu cho sự sụp đổ của ĐCSTQ, cũng chính là ông Tập Cận Bình – lãnh đạo đương nhiệm của ĐCSTQ, đang bị mọi người xa lánh.

Đài truyền thông Anh BBC chỉ ra rằng vụ việc Thái Hà gây chấn động, nguyên nhân quan trọng ngoài việc lý do bởi bà là thế hệ đỏ thứ hai chính thống ra, vụ việc không chỉ tượng trưng cho việc thế hệ đỏ thứ hai của ĐCSTQ đang chia rẽ, mà còn bởi vì bà là một nhân vật nòng cốt: trường Đảng Trung ương là cái nôi của các cán bộ ĐCSTQ, các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ bao gồm Mao Trạch Đông, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đều đã từng kiêm nhiệm hiệu trưởng trường đảng, và bà Thái Hà quanh năm đều dạy học ở đây. Những lời chỉ trích ĐCSTQ lại đến từ một nhân vật trọng yếu trong đảng như vậy càng có lực sát thương lớn mạnh đối với giới chức lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ.

RELATED ARTICLES

Tin mới