Wednesday, December 25, 2024
Trang chủHomeTai họa từ việc dùng đồ hết hạn sử dụng ở nhà...

Tai họa từ việc dùng đồ hết hạn sử dụng ở nhà máy vaccine TQ

Ủy ban Y tế thành phố Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc, xác nhận rằng 3.245 người đã nhiễm bệnh brucella – thường gây ra bởi tiếp xúc với gia súc có mang vi khuẩn brucella.

Hơn 3.000 ca nhiễm

CNN dẫn nguồn tin địa phương ngày 15/9 cho biết, hàng nghìn người tại tây bắc Trung Quốc đã có triệu chứng dương tính với một loại bệnh do vi khuẩn gây ra. Đáng chú ý, dịch bệnh này có khả năng liên quan tới vụ rò rỉ từ một nhà máy sản xuất dược phẩm từ hồi năm ngoái.

Ủy ban Y tế thành phố cho biết 1.401 người khác được xét nghiệm sơ bộ là dương tính, mặc dù chưa có báo cáo nào về trường hợp tử vong. Tổng cộng, chính quyền đã xét nghiệm cho 21.847 người trong tổng số 2,9 triệu dân của thành phố.

Bệnh brucella còn được gọi là sốt Malta hoặc sốt Địa Trung Hải, có thể gây ra các triệu chứng bao gồm đau đầu, đau cơ, sốt và mệt mỏi. Mặc dù những triệu chứng này có thể giảm dần nhưng một số triệu chứng có thể trở thành mãn tính hoặc không bao giờ biến mất, như viêm khớp hoặc sưng tấy ở một số cơ quan – theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

CDC cũng cho biết việc lây truyền từ người sang người là cực kỳ hiếm. Thay vào đó, hầu hết mọi người bị nhiễm bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm hoặc hít phải vi khuẩn. Dịch bệnh ở Lan Châu có khả năng cao bắt nguồn từ nguyên nhân này.

Cụ thể, Ủy ban Y tế thành phố Lan Châu cho biết dịch bệnh xuất phát từ một rò rỉ ở nhà máy dược sinh học trong giai đoạn cuối tháng 7 tới cuối tháng 8 năm ngoái. Trong khi sản xuất vaccine Brucella cho động vật, nhà máy đã sử dụng chất khử trùng hết hạn sử dụng – đồng nghĩa với việc vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn trong khí thải.

Lượng khí thải này sau đó hình thành nên aerosol chứa vi khuẩn, khuếch tán vào không khí, được gió đưa tới Viện Nghiên cứu thú y Lan Châu. Đây cũng là nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh.

Người làm việc tại Viện nghiên cứu bắt đầu báo cáo các trường hợp lây nhiễm vào tháng 11 và con số này gia tăng nhanh chóng sau đó. Theo Tân Hoa Xã, tới cuối tháng 12, ít nhất 181 người tại viện đã bị nhiễm brucella.

Các trường hợp nhiễm bệnh khác bao gồm học sinh và giảng viên tại Đại học Lan Châu. Dịch bệnh thậm chí còn lan ra tỉnh Hắc Long Giang ở vùng đông bắc Trung Quốc.

Nhà máy chịu trách nhiệm

Trong những tháng sau khi dịch bùng phát, chính quyền tỉnh và địa phương đã mở cuộc điều tra rò rỉ ở nhà máy. Tới tháng 1, chính quyền tạm đình chỉ giấy phép sản xuất vaccine của nhà máy, thu hồi số chứng nhận sản phẩm cấp cho hai loại vaccine Brucella do nhà máy này sản xuất.

Tổng cộng, số hiệu chứng nhận của 7 loại thuốc thú y tại đây đã bị vô hiệu hóa.

Hồi tháng 2, nhà máy ở Lan Châu công khai xin lỗi, cho biết đã “phạt nặng” 8 người có liên quan tới vụ việc. Ngoài ra, nhà máy sẽ hợp tác với chính quyền địa phương để khử trùng, hỗ trợ bồi thường cho những người bị nhiễm bệnh.

Ủy ban Y tế thành phố Lan Châu thông báo 11 bệnh viện công sẽ cung cấp chương trình khám bệnh miễn phí và thường xuyên cho người bị nhiễm. Tuy nhiên, báo cáo không đề cập chi tiết tới khoản bồi thường cho bệnh nhân, ngoại trừ thông tin rằng những khoản này sẽ được triển khai từ tháng 10 tới.

Bệnh brucella khá phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1980. Sau đó, sự xuất hiện của vaccine cũng như các biện pháp phòng chống dịch đã giúp đẩy lùi căn bệnh này. Tuy nhiên, dịch vẫn thỉnh thoảng bùng phát trên khắp thế giới; một trận dịch hồi năm 2008 đã khiến 1.000 người ở Bosnia bị nhiễm, buộc người dân phải tiêu hủy một lượng lớn cừu và các gia súc khác.

Tại Mỹ, bệnh brucella tiêu tốn của chính phủ liên bang hàng tỉ USD.

RELATED ARTICLES

Tin mới