Saturday, April 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCảnh giác khi DN TQ mua Bất động sản công nghiệp Việt

Cảnh giác khi DN TQ mua Bất động sản công nghiệp Việt

Chuyên gia lo doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam M&A các khu công nghiệp đón trước dòng đầu tư, “hớt” lợi ích đáng lẽ dành cho doanh nghiệp Việt.  

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sau đó là đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự dịch chuyển đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo nhận định của một số chuyên gia bất động sản, trước xu hướng dịch chuyển trên, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh nhạy, sang Việt Nam và M&A (sáp nhập-mua lại) sẵn các khu công nghiệp để đón dòng đầu tư.   

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài mở ra cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp (bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics) Việt Nam.

Đây là lúc Việt Nam cần chuẩn bị tốt đất công nghiệp sạch cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống kho bãi phục vụ hoạt động lưu trữ, giao – nhận hàng hoá trong chuỗi cung ứng…

Trong trường hợp doanh nghiệp Việt không nhanh chóng, sẵn sàng thì doanh nghiệp Trung Quốc với sự nhanh nhạy, linh hoạt “nhảy” vào trước thế chỗ doanh nghiệp Việt, đón dòng đầu tư nước ngoài chuyển dịch sang Việt Nam.

Khi các doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các khu công nghiệp, trở thành người thực hiện phân phối ở đó, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài thì đáng ra lợi ích về công ăn việc làm, tiền thuê đất và nhiều  lợi ích khác Việt Nam được hưởng, doanh nghiệp Trung Quốc đã chặn lấy mất.

“Nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh liên kết với nhà đầu tư Trung Quốc để có được đất công nghiệp mở nhà xưởng, từ đó phía Trung Quốc hoàn toàn có thể lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ hàng hóa.

Đáng ra, tiền thuê đất có thể đắt lên nhờ làn sóng dịch chuyển và phía Việt Nam phải được hưởng thì giờ doanh nghiệp Trung Quốc hưởng. Lợi ích họ chiếm lấy nhưng chi phí bỏ ra chưa chắc Nhà nước Việt Nam đã thu hồi được, chưa kể còn mất đi nhiều lợi ích khác”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Dù rằng khi doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm bất động sản công nghiệp Việt Nam họ phải chi ra một khoản nhưng theo vị chuyên gia, khoản chi đó không phải là mục tiêu cuối cùng của Việt Nam.

Mục tiêu của Việt Nam là mời gọi, thực hiện liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để Việt Nam có thể tận dụng được các ưu thế về tính lan tỏa của đầu tư FDI, phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam lớn lên.

“Lâu nay chúng ta vẫn nói rằng tính lan tỏa của đầu tư FDI kém, giờ đáng ra là lúc Việt Nam phải chấn chỉnh thì doanh nghiệp Trung Quốc lại là người đón trước. Chúng ta mong muốn nhà đầu tư nước ngoài chuyển dây chuyền sản xuất, nhà máy sang Việt Nam thì khi họ cần ốc vít, linh phụ kiện… doanh nghiệp Việt sẽ là người cung cấp, qua đó Việt Nam có thể phát triển được công nghiệp hỗ trợ.

Nhưng khi doanh nghiệp Trung Quốc đón trước được sự chuyển dịch này, họ liên doanh liên kết được với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài cần linh phụ kiện gì họ sẽ chuyển từ Trung Quốc sang hoặc lấy của các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

Như vậy, phần váng mỡ béo nhất thì doanh nghiệp Trung Quốc đã hớt mất, họ lợi đơn lợi kép, còn chúng ta mất rất nhiều. Quan trọng nhất là chúng ta mất cân bằng giữa cái mình muốn và tính lan tỏa của FDI đối với công nghiệp Việt Nam”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Từ những lo ngại này, vị chuyên gia cũng nhắc lại phần trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Quốc phòng trong đó chỉ ra thực trạng người Trung Quốc sở hữu đất có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đề nghị trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, đồng thời vẫn phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với các nhà đầu tư.

Cụ thể, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đây là vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng nên phải có quy định cụ thể, chặt chẽ liên quan đến điều kiện đầu tư: những ngành nghề nào được đầu tư và được đầu tư bao nhiêu; doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư ở vị trí, địa điểm nào…

“Về các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư thì Việt Nam đã có quy định, giờ chỉ siết chặt lại: ngành nghề cụ thể nào, các biện pháp kiểm soát. Ví dụ, Việt Nam đã có quy định doanh nghiệp FDI không được phân phối mặt hàng gạo trên thị trường nội địa; hay các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phần…, nếu phát hiện vượt quá có thể thu trắng số cổ phần đó.

Những chuyện đó chúng ta hoàn toàn làm được và không liên quan đến phân biệt đối xử. Tương tự, nếu phát hiện ai giúp phía doanh nghiệp nước ngoài đội lốt để mua bán cổ phần thì bị xử lý hình sự, đồng thời xử phạt hành chính.

Tóm lại, phải có quy định cụ thể, tỉ mỉ và nghiêm khắc, thanh tra, giám sát thường xuyên, liên tục và nhà quản lý phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng trên”, ông Thịnh cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới