Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaVì sao TQ ngày càng bị xa lánh

Vì sao TQ ngày càng bị xa lánh

Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng loạt quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu, Ấn Độ, Australia, Canada đều “sứt mẻ”.

Các quân nhân Trung Quốc trong một cuộc diễu binh vào 1/10/2019.

Quan hệ của Trung Quốc với thế giới căng thẳng

Trong vài tuần qua, mối quan hệ kéo dài nhiều thập kỷ của Trung Quốc với châu Âu đã bị ảnh hưởng đáng kể khi các cuộc đàm phán bị đình trệ. Máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã liên tục vi phạm không phận Đài Loan. Và các cuộc đàm phán về tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ không đạt được tiến bộ đáng kể sau khi binh lính 2 nước đều ghi nhận các trường hợp thiệt mạng.

Trên hết, cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Mỹ và một xu hướng mới đang xuất hiện rất rõ ràng. Chưa có thời điểm nào kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa nền kinh tế cách đây hơn bốn thập kỷ, quan hệ của nước này với thế giới lại căng thẳng đến vậy. Trên thực tế, Bắc Kinh đang bị các cường quốc chính ở châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ và hầu hết các nước Tây Âu, Canada và Mỹ ngày càng xa lánh.

Hành động bành trướng của Trung Quốc chống lại các nước láng giềng với tần suất ngày càng tăng, đặt ra nghi vấn về những nỗ lực gây dựng vị thế Bắc Kinh trở thành nhà lãnh đạo của một trật tự đa phương mới.

Các nước đã phản ứng dữ dội đối với cách tiếp cận hiếu chiến này và sự phản đối sẽ tiếp tục gia tăng nếu Bắc Kinh vẫn đi theo hướng này.

Trung Quốc sẽ ngày càng cảm thấy bị cô lập hơn, không phải do các chiến lược kiềm tỏa từ Washington, mà bởi cách hành xử của chính mình.

Ấn Độ và Nhật Bản ký một hiệp định hậu cần quốc phòng; Australia, Nhật Bản và Ấn Độ lên kế hoạch “Sáng kiến ​​phục hồi của chuỗi cung ứng”; và gia tăng chi tiêu quốc phòng trong khu vực.

Về mặt kinh tế, tiềm năng của 1 thị trường khổng lồ – động lực chính đã giúp Trung Quốc thoát khỏi nhiều áp lực – đã mất đi nhiều sức hút. Trong khi, tác động từ đại dịch COVID đã ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Các công ty châu Âu vốn trước đây nhiệt tình triển khai các hoạt động kinh doanh tại quốc gia đông dân nhất thế giới đang cảm thấy ngày càng lo sợ bị “mắc kẹt” trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ.

EU đang kiên quyết kêu gọi mở cửa thị trường nhiều hơn để hoàn tất hiệp ước đầu tư, thay vì cho Trung Quốc thêm thời gian để phát triển như thông lệ trước đây. Nhật Bản đang tích cực khuyến khích các công ty nước mình di chuyển hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc đại lục.

Về mặt địa chính trị, Trung Quốc mặc dù tiếp tục phát đi tín hiệu ủng hộ các hoạt động đa phương nhưng thực tế có những hành động không đúng như tuyên bố. Bắc Kinh đã áp dụng cách tiếp cận hoàn toàn đơn phương đối với các vấn đề bao gồm tranh chấp lãnh thổ trên dãy Himalaya với Ấn Độ, hay việc các đội tàu đánh cá của nước này đi khai thác tài nguyên trong lãnh hải ngoài khơi xa của các nước khác và phớt lờ phán quyết quốc tế về việc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Càng mạnh mẽ, Trung Quốc càng xa cách với phần còn lại của thế giới

Trung Quốc giờ đây đã đủ mạnh để có quyền nói “không” với phần còn lại của thế giới, và phớt lờ ý kiến ​​của LHQ, Mỹ và EU. Tương tự về mặt quân sự, Trung Quốc đã đạt những tiến bộ vượt bậc. Một lực lượng quân đội cách đây 2 thập niên từng bị đánh giá lạc hậu và thiếu tổ chức giờ đây đã phát triển lớn mạnh và tinh vi đến mức báo cáo thường niên năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ về Trung Quốc nhận định rằng “đã tập hợp các nguồn lực, công nghệ và ý chí chính trị trong hai thập kỷ qua để tăng cường và hiện đại hóa PLA về mọi mặt. Thực tế, như báo cáo này cho thấy, Trung Quốc đã vượt hơn Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định”

Điều mà các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang nhận ra rằng Bắc Kinh không chỉ lên kế hoạch cho tương lai của nước mình mà còn sẵn sàng áp đặt tầm nhìn đó lên nước khác nếu họ không thuận theo.

Một ví dụ gần đây về sự trừng phạt thương mại của Bắc Kinh đối với Australia nhằm trả đũa việc đề xuất mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Sự nghiêm trọng trong việc Trung Quốc ngày càng xa lánh với phần còn lại của thế giới cũng đáng kinh ngạc như sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước này. Với tất cả các cuộc cạnh tranh quyền lực của các nước lớn, các quốc gia sẽ càng trở nên xa cách nhau.

Các động thái gần đây cho thấy ngày càng có nhiều sự phản đối của các nước đối với việc Trung Quốc liên tục có hành vi khiêu khích trên khắp thế giới.

Một tương lai của một thế giới mất cân bằng, một hệ thống quốc tế không theo kịp với xu thế vận động, và một đại dịch đang hoành hành ở nhiều nước đòi hỏi công tác hoạt định chính sách khôn ngoan hơn. Ở mức tối thiểu, Trung Quốc và các nước phải duy trì cam kết giữ các đường dây liên lạc và cơ hội đối thoại. Những thách thức phía trước lớn hơn nhiều so với các cuộc xung đột quyền lực lớn trong quá khứ và không quốc gia nào có thể tự mình đương đầu với những trở ngại này được.

RELATED ARTICLES

Tin mới