Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaLăng mộ hiểm độc nhất TQ: Sở hữu cạm bẫy chết người...

Lăng mộ hiểm độc nhất TQ: Sở hữu cạm bẫy chết người khiến mộ tặc ‘một đi không trở lại’

Trong quan niệm của văn hóa Á Đông, cái chết không phải điểm kết thúc mà là điểm bắt đầu cho một cuộc sống mới. Vì niềm tin này, các vua chúa, quan lại phong kiến luôn cố gắng mang theo sự giàu sang và quyền lực sang thế giới bên kia bằng cách gửi gắm lượng lớn đồ tùy táng giá trị vào lăng mộ của mình.

Thiết kế độc đáo “nuốt chửng” 80 kẻ trộm mộ.

Đương nhiên, vàng bạc châu ngọc được chôn theo mộ sẽ trở thành “miếng mồi ngon” thu hút những kẻ trộm đến đào bới cổ vật, phá hoại “giấc ngủ ngàn thu” của người chủ bên trong.

Kể từ đó, việc xây dựng lăng mộ vô tình trở thành cuộc đấu trí thực thụ giữa người chủ lăng mộ và những tên mộ tặc tinh ranh. Tuy nhiên riêng với lăng mộ dưới đây, phần thắng tuyệt đối đã thuộc về chủ nhân ngôi mộ.

Bí mật ngôi mộ cổ

Lăng mộ này được phát hiện tại thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc khi nhóm công nhân xây dựng ở đây vô tình đào lên một phiến đá xanh có khắc nhiều ký tự cổ.

Đội khảo cổ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và xác định đây là một lăng mộ hoàng gia được xây dựng từ thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (907 – 979), nghĩa là cách thời điểm khai quật hơn 1.000 năm.

Quy mô lăng mộ rất rộng lớn nhưng xung quanh lối vào lại tìm thấy hơn 200 hố đào trộm, cho thấy mộ đã bị xâm phạm vô số lần.

Những nhân viên tại hiện trường đều lắc đầu thất vọng, cho rằng mộ phần này sẽ chẳng còn cổ vật gì đáng giá. Tuy nhiên khi bước vào bên trong, quang cảnh khác hoàn toàn với tưởng tượng của họ, thậm chí là khá… ghê rợn.

Đội khảo cổ bất ngờ tìm thấy 80 thi thể với nhiều tư thế khác nhau: Có người dáng vặn vẹo, miệng há to, có người khuyết tay, khuyết chân… tất cả đều chết rất bi thảm.

Dựa theo trang phục và tình trạng của các thi thể, các chuyên gia khẳng định đây là xác của 80 tên trộm mộ từ các thời kỳ khác nhau. Những kẻ mộ tặc này bị chôn vùi trong đường hầm với một lượng lớn các dụng cụ đào bới, không một kẻ nào đột nhập thành công vào lăng mộ.

Nhờ đó, những bảo vật được chôn cất cùng chủ mộ vẫn còn nguyên vẹn, chúng đã giúp lấp đầy khoảng trống lịch sử trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc – một thời kỳ vốn có sử liệu tương đối nghèo nàn.

Vậy điều gì đã khiến lăng mộ bình thường này trở thành nơi chôn thây của hàng chục kẻ xâm phạm? Câu trả lời nằm ở thiết kế chống trộm độc đáo mang tên “bẫy cát lún”.

Khi lọt vào một độ sâu nhất định trong lăng, mộ tặc sẽ nhìn thấy một chiếc quan tài to đẹp hiện ra trước mắt. Tuy nhiên, đây chỉ là quan tài giả, một mồi nhử nhằm đánh vào lòng tham.

Mộ tặc khi phấn khích sẽ nhanh chóng đào sâu về phía quan tài nhưng càng đào chúng lại càng đến gần với cái chết, bởi bên trên trần và những bức tường xung quanh lăng đều được lấp đầy bằng loại cát siêu mịn trộn cùng những tảng đá sắc nhọn.

Cát được dùng phải là cát biển được rang nóng cho bay sạch hơi nước và không bị dính vào nhau, từ đó trọng lượng rất nhẹ, dễ trôi.

Một khi lỗ hổng xuất hiện ở khu vực đặt bẫy (do mộ tặc đào), cát sẽ ào ào chảy ra trong tích tắc, bịt kín mọi khe hở khiến tên trộm không còn đường lui.

Cát sẽ tuôn ra như dòng lũ cho tới khi lấp đầy hố, khiến những kẻ xâm phạm mất mạng vì ngạt khí. Kẻ nào càng vùng vẫy thì càng bị nhấn chìm nhanh hơn.

Bẫy cát lún là vũ khí bảo vệ phổ biến trong các lăng mộ cổ Trung Hoa nhưng việc xây dựng một ngôi mộ có cạm bẫy hoàn chỉnh tới vậy đòi hỏi trình độ thiết kế và thi công rất cao.

Thiết kế đồng thời cho thấy tầm nhìn và trí tuệ đáng ngưỡng mộ của chủ nhân lăng mộ.

Cạm bẫy nguy hiểm này đã khiến lăng mộ tại Tương Dương được giới khảo cổ mệnh danh là “Trung Hoa đệ nhất hung lăng” hay lăng mộ nguy hiểm nhất Trung Quốc.

Cho đến nay, không có văn bia hay di vật nào chỉ rõ danh tính của chủ nhân mộ phần nhưng giới khảo cổ tin rằng người sở hữu lăng mộ độc đáo này chắc hẳn phải là một nhân vật lịch sử tầm cỡ.

RELATED ARTICLES

Tin mới