Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: “Sư tử hống”

Biển Đông: “Sư tử hống”

“Sư tử hống” (sư tử gầm thét) là điển cố văn học, là “tích Tàu”. Tiếng hống của một con sư tử đã đủ kinh thiên động địa, ai nấy đều khiếp đảm. Huống chi, lúc này lại có tới hai con sư tử cùng gầm thét.

Phù hiệu quân phục tập trận của lính Mỹ với hình máy bay không người lái trên nền giống bản đồ TQ

Thực ra, mượn thành ngữ trên để ví von cho thêm phần sinh động, cũng là để dễ tưởng tượng, hình dung mức độ khốc liệt, sự “ăn miếng trả miếng” căng thẳng hiện nay giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, là Mỹ và Trung Quốc.

Một bên muốn độc tôn ngôi vị số 1 để chỉ huy thiên hạ. Một bên, sau hàng trăm năm “ẩn mình chờ thời”, tự cho thời của mình đã đến, xứng đáng ngồi vào cái “ngai” mà kẻ kia đã chễm chệ quá lâu. Thế là, như hai con sư tử, hai bên tất phải gầm ghè nhau.

Bước ngoặt căng thẳng bắt đầu với tuyên bố ngày 13/7/2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ – mà nay, nhiều người gọi là sự “kiện 13/7”. Tuyên bố này bác bỏ hầu hết yêu sách lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông, căn cứ theo Công ước LHQ về Luật biển (Unclos 1982).

Dĩ nhiên, Bắc Kinh phản pháo trong phút chốc, tố cáo: Washington không phải là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông, nhưng luôn can thiệp vào vấn đề này; và dưới vỏ bọc duy trì ổn định, Mỹ này đang tìm cách phô diễn sức mạnh, khuấy động căng thẳng, kích thích đối đầu tại khu vực.

Nghĩa là, theo Bắc Kinh, nguyên nhân Biển Đông sôi sục, thủ phạm gây nên một Biển Đông sóng gió, tới thời điểm này, đích thị là Mỹ. Vô lý quá: Mỹ – một “kẻ bên lề” mà lại vươn tay tới nghìn dặm để chọc ngoáy, chứ chẳng phải ai khác, càng không thể là một Trung Hoa vĩ đại đã đang và chỉ muốn “trỗi dậy hòa bình”.

Diễn biến phức tạp đó khiến các nước Asean, ngoài thì vẻ như được lợi kiểu “tọa sơn quan hổ đấu”, nhưng thực chất, lâm vào thế kẹt trong cuộc lồng lộn của hai cường quốc.

Tới nước này, đấu khẩu rõ là chưa thể thể hiện hết được cơn giận giữ vì những xung đột khó khoan nhượng, thỏa hiệp. Vậy nên, tiếp theo những gì đã diễn ra, vẫn cần thêm những màn “diễu võ dương oai” thể hiện thông điệp có tính răn đe mạnh mẽ hơn.

Những gì diễn ra ngay sau sự kiện “13/7” trên Biển Đông thì mọi người đã biết. Về phía Mỹ: tập trận cùng hải quân Australia; điều 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và USS Barry đi tới vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa; triển khai 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan. Rồi máy bay các loại lượn qua lại trên bầu trời Biển Đông.

Còn Trung Quốc: đơn phương phong tỏa một khu vực trên biển để tiến hành một cuộc tập trận hải quân gần Hoàng Sa; phóng thử hai tên lửa gồm DF-26B (có thể mang đầu đạn hạt nhân) từ Thanh Hải và DF-21D (mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”) từ Chiết Giang ra Biển Đông sáng 26/8…

Chưa hết, ngay sau đó, ngày 28/9 Trung Quốc rầm rộ tổ chức 5 cuộc tập trận, trong đó, 2 cuộc trên Biển Đông mà Mỹ đang nhòm ngó – động thái được giới chuyên gia đánh giá là “chưa từng có” đối với Trung Quốc. Và đương nhiên, thông điệp mà cái sự “chưa từng có đó” còn nhằm vào ai, nếu không phải là Washington đã và đang khiến Bắc Kinh tức tối.

Đáp trả của Mỹ lần này thì khác. Không nghênh ngang kéo tàu to, súng lớn vào Biển Đông, họ tổ chức một cuộc tập trận tấn công giả định có tên là Exercise Agile Reaper, tại vùng biển bang California, với sự tham gia của 3 chiếc MQ-9 – loại máy bay từng tham chiến tại Trung Đông và Châu Phi những năm qua,  phối hợp hành động với Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ. Cuộc tập trận này kết thúc vào 29/9, có phần lặng lẽ, chứ không phô trương như các cuộc tập trận khác.

Vậy nhưng, Bắc Kinh vẫn có lý do quan tâm, lo lắng. Bởi, cuộc tập trận này, quân phục của lính không quân Mỹ tham gia lại có gắn một logo hình bản đồ Trung Quốc màu đỏ trên tay áo.

Truyền thông Trung Quốc lập tức nổi sóng, bình loạn lên rằng: chẳng thể khác, động thái này như một hành động khiêu khích của phía Mỹ.

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) còn nhận định cụ thể, rằng: chiến tranh với Trung Quốc – đó là tín hiệu chiến lược mà cuộc tập trận này đã gửi đi.

Chẳng biết tiếp theo, trong tháng 10 này, “sử tử Mỹ” và “sư tử Trung Quốc”. sẽ còn những màn gầm thét nào nữa?

RELATED ARTICLES

Tin mới