Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaƯu thế tuyệt đối của tàu sân bay Mỹ

Ưu thế tuyệt đối của tàu sân bay Mỹ

Hải quân Mỹ là lực lượng duy nhất trên thế giới vận hành một đội lớn tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân

11 tàu sân bay là nòng cốt trong cơ cấu lực lượng 300 tàu Hải quân và là biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ; không có lực lượng chiến đấu nào có thể thay thế được những gì mà các tàu sân bay có thể đảm nhận.

Tuy nhiên, các tính năng chiến đấu các tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân không phải lúc nào cũng được chứng tỏ, mặc dù về chức năng, chúng có xu hướng tập trung cho các sứ mệnh chính như “hiện diện phía trước” và “thể hiện sức mạnh”, tuy các lực lượng chiến đấu khác cũng có vai trò trong việc thực hiện các nhiệm vụ này. Có một số chức năng trong chiến tranh chỉ tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân mới có thể cáng đáng được. Dưới đây là tóm tắt 10 khả năng quan trọng khiến các tàu sân bay của Hải quân không thể thiếu trong việc ngăn chặn và chiến thắng các cuộc chiến tranh.

1. Cơ sở tồn tại của sức mạnh không quân phía trước. Mỹ có lợi ích quan trọng ở nhiều khu vực, nhưng không phải lúc nào họ cũng có quyền tiếp cận các căn cứ địa phương. Ngay cả khi có các căn cứ, tính khả dụng của chúng cũng không thể luôn được đảm bảo trong thời chiến. Đối phương có thể sẽ nhắm vào các căn cứ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương trong những ngày đầu của cuộc xung đột Đông-Tây. Các tàu sân bay cung cấp một giải pháp thay thế di động, có thể sống sót cho các căn cứ trên bộ nhằm mang sức mạnh của không quân Mỹ đến cự li tấn công đối với hầu như bất cứ đối thủ nào. Không có các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, các hoạt động quân sự quan trọng có thể không khả thi và kịp thời.

2. Không bị vướng các ràng buộc của nước sở tại. Mỹ có một mạng lưới các đồng minh ở các khu vực quan trọng mà họ sẽ hỗ trợ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, các đối tác nước ngoài không phải lúc nào cũng nhìn nhận mục tiêu như Washington, vì vậy có những hạn chế về việc sử dụng căn cứ của họ; Mỹ cũng có thể bị yêu cầu thanh toán một khoản tiền hoặc bồi thường để được sử dụng căn cứ. Các tàu sân bay giải phóng lực lượng Mỹ khỏi những ràng buộc này, bởi vì chúng không đòi hỏi quyền căn cứ để duy trì các hoạt động không quân trong khu vực. Tàu sân bay là một căn cứ, và nếu sử dụng năng lượng hạt nhân, nó có thể tiếp tục đóng quân trong vùng chiến sự trong nhiều tháng.

3. Các hoạt động tấn công bền bỉ chống lại các nước thù địch. Trong trường hợp không có các căn cứ địa phương, Không quân Mỹ sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì các chiến dịch đường không chống lại kẻ thù ở xa. Các máy bay chiến đấu tấn công có tầm hoạt động hạn chế, các máy bay tiếp dầu trên không rất dễ bị tổn thương trong khi lực lượng ném bom hạng nặng đã giảm xuống chỉ còn dưới 200 máy bay già cỗi. Lực lượng tác chiến mặt nước và tàu ngầm của Hải quân có thể tấn công các mục tiêu trên bờ, nhưng trong một cuộc xung đột lớn, kho tên lửa biển đối đất của họ có thể nhanh chóng bị cạn kiệt.

Mặt khác, các phi đoàn của tàu sân bay có thể tấn công chính xác hàng trăm mục tiêu trên bộ mỗi ngày trong nhiều tháng, nhanh chóng làm xói mòn ý chí của các đối thủ. Lớp tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Ford có thể duy trì tới 270 lần xuất kích mỗi ngày và mỗi chiếc trong số 40 máy bay chiến đấu trên tàu có thể tấn công nhiều mục tiêu trong một lần xuất kích.

4. Bảo vệ lực lượng lên bờ. Trong trường hợp lực lượng mặt đất của Mỹ phải đỗ quân lên lãnh thổ một quốc gia thù địch, các phi đội trên tàu sân bay sẽ được điều để bảo vệ từ trên không, không chỉ bao gồm các cuộc tấn công chống lại máy bay và tài sản trên mặt đất của đối phương, mà còn thu thập thông tin cho lực lượng mặt đất. Hỗ trợ từ trên không có khả năng được cung cấp bởi các tàu chiến đổ bộ của Hải quân-Thủy quân lục chiến bằng máy bay F-35B, nhưng ưu thế của sức mạnh không quân trên biển nằm ở các tàu sân bay, và do đó, sự hiện diện trong vùng chiến sự của một hoặc nhiều biên đội không quân từ tàu sân bay có thể là yếu tố cần thiết cho sự tồn tại và thành công của các lực lượng Mỹ trên bờ.

5. Cảnh báo sớm các mối đe dọa tiềm tàng trên không. Lực lượng không quân trên tàu sân bay bao gồm một phi đội máy bay radar E-2 Hawkeye có thể phát hiện và theo dõi nhiều mối đe dọa trên không ở khoảng cách rất xa – không chỉ máy bay có người lái mà còn cả tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái… Không giống như các radar trên tàu chiến mặt nước, E-2 có thể phát hiện các mối đe dọa bay thấp và kết nối dữ liệu cảm biến với các hệ thống đánh chặn hiệu quả nhất thông qua một mạng lưới tương tác kết hợp. Kết hợp với các phương tiện phòng thủ khác trong nhóm tàu sân bay tấn công – máy bay chiến đấu, hệ thống chiến đấu trên tàu khu trục, … máy bay radar trên tàu sân bay cung cấp cho người lính nhận thức tình huống đầy đủ về những gì đang diễn ra trong vùng chiến sự.

6. Gây nhiễu radar và liên lạc của đối phương. Nhóm không quân trên tàu sân bay có các máy bay tác chiến điện tử tiên tiến EA-18G Growler. Growler được thiết kế để làm suy giảm, phá vỡ và phá hủy radar và thông tin liên lạc bằng cách sử dụng cả phương tiện động học và phi động học. Vì có cùng khung máy bay và đặc điểm bay như các máy bay tấn công hàng đầu của Hải quân nên chúng có thể dễ dàng hộ tống các máy bay đó trong các nhiệm vụ và ngăn chặn các hệ thống phòng thủ có thể cản trở việc hoàn thành nhiệm vụ. Rất ít đối thủ có thể chống lại việc mau lẹ giành quyền kiểm soát phổ điện từ của Growler.

7. Các hoạt động tấn công diện rộng chống lại hải quân đối phương. Không chỉ hiệu quả trong tấn công các mục tiêu trên bờ và bảo vệ các lực lượng trên bộ, máy bay tấn công của tàu sân bay cũng có thể tiếp cận ở khoảng cách hàng trăm dặm truy diệt hải quân, xác định chính xác và phá hủy tàu chiến và vận chuyển thương mại của đối phương. Trực thăng Seahawk mà tàu sân bay được trang bị có năng lực để phát hiện và tấn công các mối đe dọa trên mặt đất và dưới biển gần tàu sân bay. Trong hầu hết các trường hợp, không quân của tàu sân bay và các hệ thống chiến đấu trên các tàu chiến khác trong nhóm tàu sân bay tấn công sẽ nhanh chóng quét sạch bất kỳ tàu chiến nào của đối phương trong những ngày đầu xung đột.

8. Bảo vệ lực lượng hải quân và vận chuyển trên biển. Khả năng chiến đấu đa dạng của các máy bay trên tàu sân bay kết hợp với tầm bay và tốc độ không giới hạn của tàu sân bay tạo điều kiện bảo vệ các tài sản hàng hải của đồng minh, cả quân sự và thương mại. Tàu sân bay có thể được trưng dụng để giúp bảo vệ các đơn vị Thủy quân lục chiến trên đường tham gia một cuộc giao tranh, hoặc đảm bảo cho các tàu container đi qua vùng chiến sự một cách an toàn. Các tàu chiến khác trong nhóm tàu sân bay tấn công, bao gồm cả tàu ngầm, có thể hỗ trợ nhiệm vụ này, nhưng tầm hoạt động rộng của các máy bay trên tàu sân bay là lực lượng hầu như duy nhất trong việc bảo vệ các lực lượng đồng minh trên biển, giống như trên đất liền.

9. Phản ứng nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng quân sự từ xa. Các tàu sân bay về bản chất, linh hoạt và nhanh nhẹn hơn các đơn vị Lục quân hoặc Không quân trong việc ứng phó với các trường hợp khẩn cấp ở nước ngoài. Điều đó một phần là do vấn đề căn cứ, và một phần là do hậu cần phức tạp khi di chuyển các lực lượng chiến đấu đến vùng chiến sự. Ngay cả khi có các căn cứ trong khu vực, việc triển khai cũng cần có thời gian. Ngược lại, các lực lượng trên biển được cơ cấu để tự túc và thường hoạt động gần các điểm có khả năng xảy ra sự cố. Trong số các lực lượng trên biển, tàu sân bay là lực lượng chiến đấu bền bỉ và mạnh mẽ nhất, thường có khả năng tham chiến trực tiếp trong vòng vài ngày sau khi tình huống khẩn cấp phát sinh. Với tốc độ 35 dặm/giờ, một tàu sân bay dùng năng lượng hạt nhân có thể di chuyển lực lượng không quân của nó hơn 700 dặm/ngày.

10. Có mặt và kiên trì hỗ trợ răn đe. Với tất cả các ưu thế nói trên, tàu sân bay dùng năng lượng hạt nhân tạo ra một khả năng răn đe đáng gờm. Sự xuất hiện của tàu sân bay ở cự li tấn công có khả năng tiêu diệt chính xác hàng trăm mục tiêu đối phương mỗi ngày. Bởi vì tàu sân bay được bảo vệ cực kỳ tốt và luôn di chuyển, có rất ít hy vọng đánh bại nó bằng bất cứ thứ gì có sức mạnh kém hơn vũ khí hạt nhân, và đó là một lựa chọn mà ít kẻ thù có khả năng thực hiện. Tiếp tục triển khai các tàu sân bay có thể là bước quan trọng nhất mà các nhà hoạch định quân sự của Mỹ có thể áp dụng để ngăn cản những kẻ xâm lược tiềm tàng tiến hành các cuộc chiến tranh trong khu vực của họ.

Điểm mấu chốt là không có gì duy trì được hòa bình bằng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và nếu chiến tranh xảy ra thì ít lực lượng chiến đấu có thể cạnh tranh với khả năng đảm bảo chiến thắng của nó. Đó là lý do tại sao các tàu sân bay có thể sẽ vẫn là biểu tượng cho tầm và sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ trong tương lai gần.

RELATED ARTICLES

Tin mới