Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaVài nét về công tác dịch thuật tại Liên Hợp Quốc

Vài nét về công tác dịch thuật tại Liên Hợp Quốc

Liên Hợp Quốc (LHQ) là tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, gồm 193 quốc gia thành viên. LHQ có trụ sở chính đặt tại New York, và 3 văn phòng đặt tại Geneva (Thụy Sĩ), Vienna (Áo) và Nairobi (Kenya).

LHQ quy định dùng 6 ngôn ngữ chính thức (official languages) là tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, A Rập và Trung Quốc. Các đại biểu hoặc khách mời họp LHQ đều sử dụng một trong 6 ngôn ngữ đó. Các văn kiện của LHQ đều in bằng 6 thứ tiếng, nhưng Ban Thư ký chủ yếu dùng tiếng Anh và Pháp để làm việc nội bộ. Hiện nay cả 6 ngôn ngữ này đều được coi là ngôn ngữ làm việc (working languages) của LHQ, nhưng năm 1946 chỉ có tiếng Anh và Pháp được coi là ngôn ngữ làm việc.

Hầu hết diễn giả tại LHQ đều dùng 1 trong 6 ngôn ngữ làm việc, các phiên dịch viên có nhiệm vụ chuyển thành 5 ngôn ngữ làm việc còn lại. Nếu không dùng ngôn ngữ làm việc thì diễn giả phải tự mang theo phiên dịch viên dịch lời diễn giả ra 1 trong 6 ngôn ngữ làm việc. Sau đó phiên dịch viên của LHQ lại dịch tiếp ra 5 ngôn ngữ làm việc còn lại. Cách dịch chuyển tiếp (relay) này rất dễ xảy ra sai sót, vì thế trong trường hợp đó, LHQ chỉ cho phép dùng một ngôn ngữ trung gian.

Phiên dịch viên LHQ thuộc loại nhân vật đặc biệt: họ chẳng những giỏi nhiều ngoại ngữ mà còn có tài chịu đựng sức ép tâm lý rất lớn và giỏi giao tiếp. Họ phải thành thạo ít nhất 2 trong số 6 ngôn ngữ làm việc –– 2 ngôn ngữ này được gọi là ngôn ngữ nguồn (source languages) của phiên dịch viên đó. Ngoài yêu cầu kỹ năng dịch xuất sắc ra, phiên dịch viên còn phải hiểu biết rộng về các lĩnh vực chính trị, nhân quyền, kinh tế, xã hội, tài chính, pháp luật, v.v… Phiên dịch viên phải có khả năng dịch bất cứ từ ngữ nào của diễn giả ra 2 ngôn ngữ làm việc khác nhau. Đây là một nhiệm vụ khá phức tạp, đòi hỏi phiên dịch viên phải thường xuyên học hỏi nghiên cứu và cố gắng nắm bắt các sự kiện trên thế giới. Phiên dịch viên phải có tinh thần hợp tác, biết lắng nghe ý kiến của người khác, và phải không ngừng học hỏi vươn lên.

Dễ thấy là nếu không có bộ máy phiên dịch nhiều thứ tiếng thì LHQ không thể hoạt động được. Nói văn vẻ, khi ấy LHQ chỉ là một tòa Tháp Baben.[1] Bởi vậy LHQ rất coi trọng công việc dịch thuật. Đại hội đồng LHQ ngảy 24/5/2017 thông qua quyết nghị số 71/288 chính thức quy định lấy ngày 30 tháng 9 hàng năm làm Ngày Dịch thuật quốc tế (International Translation Day), nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác dịch thuật trong việc bảo vệ tôn chỉ và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ.[2] Nghị quyết 71/288 của LHQ đã đem lại sự công nhận toàn cầu cho Ngày Dịch thuật quốc tế.

Tiếng Anh gọi việc dịch viết là translation, người làm việc dịch viết là translator, việc dịch miệng (dịch nói) là interpretation, người dịch miệng là interpreter. Chi tiết hơn còn chia làm dịch miệng luân phiên consecutive interpratation (diễn giả nói xong một câu, phiên dịch viên mới dịch câu đó) và dịch miệng đồng thời (dịch đuổi) simultaneous interpratation (diễn giả nói, phiên dịch viên đồng thời dịch đuổi theo).

Phương thức dịch đồng thời đòi hỏi phiên dịch viên trong khi nghe câu tiếp theo đã phải nói to lời dịch câu trước đó. Thông thường phiên dịch viên ngồi trong phòng cách âm gọi là booth, đeo tai nghe, trước mặt có micro, vừa nghe, vừa dịch trong óc và nói lời dịch của mình. Từ chỗ ngồi, phiên dịch viên nhìn thấy đoàn chủ tịch và diễn giả. Trong bất cứ tình huống nào, công việc dịch đều đòi hỏi phải tập trung tư tưởng cao độ, vì sự chú ý của họ bị phân tán bởi 3 nhiệm vụ nghe, dịch, nói. Bởi thế phiên dịch viên của LHQ phải được đào tạo trong nhiều năm. Người dự thi làm phiên dịch viên LHQ phải trải qua ít nhất 200 ngày làm công tác dịch, biên tập hoặc dịch miệng tại các cuộc họp.

Dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng mẹ đẻ là nội dung chính trong công tác dịch miệng của phiên dịch viên. Nói chung LHQ có rất ít phiên dịch viên dịch miệng tiếng A Rập và tiếng Trung đạt yêu cầu.

Như đã nói, phiên dịch viên của LHQ phải giỏi 3 ngôn ngữ: ngoài tiếng mẹ đẻ ra còn phải hiểu biết sâu sắc và dùng thành thạo hai ngôn ngữ nguồn. Nhưng các đại biểu hoặc diễn giả dự họp LHQ lại có thể không giỏi hai ngôn ngữ ấy; khi đó phiên dịch viên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khối lượng công việc của các phiên dịch viên LHQ khá nhiều, hiện nay nhiều nhất mỗi tuần họ phải dự 7-8 cuộc họp, thời gian mỗi cuộc họp là 3 giờ. Theo quy định, cứ dịch được 20 – 30 phút, lại có người khác dịch thay luân phiên, nhằm để họ theo kịp tốc độ nói của diễn giả và để tránh do mệt mà dịch sai. Năm 2009, tại phiên họp Đại hội đồng LHQ, từng xảy ra chuyện người phiên dịch riêng của Muammar Gaddafi (lãnh đạo Libya) ngã lăn quay sau khi dịch được 75 phút (Gaddafi nói cả thẩy 96 phút).

Các phiên dịch viên dịch viết đều làm việc một cách thầm lặng. Dịch thuật động chạm tới những vấn đề quốc tế rất nhạy cảm, đòi hỏi thận trọng cân nhắc từng chữ từng câu, phải tra cứu và thảo luận về bối cảnh của mỗi văn kiện, bảo đảm trong thời hạn quy định phải đưa ra bản dịch có chất lượng cao nhất. Chẳng những dịch phải chính xác, mà còn phải không mâu thuẫn với các bản dịch trước đây. Cho nên trước khi dịch, phải tra cứu xem trong hơn 70 năm tồn tại LHQ, đã có văn bản nào cùng loại với văn bản cần dịch không. Chính xác và kịp thời là hai yêu cầu hàng đầu đối với việc dịch viết ở LHQ.

Hiện nay công tác phiên dịch đã được cơ khí hóa nhiều, như dùng máy tính đánh chữ, dùng phần mềm dịch hỗ trợ và tiến tới dùng trí tuệ nhân tạo để dịch. Nhưng máy không thể thay cho phiên dịch viên giỏi, nhất là ở LHQ, nơi văn bản dịch có tính nhạy cảm cực cao.

Viên chức LHQ chia 3 loại: D, P và G. Ở đây D là Director (viên chức quản lý cấp cao), P là Professional (nhân viên chuyên nghiệp), G là General, tức nhân viên sự vụ, hành chính, thường dùng người bản xứ.

Nhân viên loại P là lực lượng chính của LHQ, chia làm 5 bậc từ P-1 đến P-5. Trong đó P-1 và P-2 tuyển công khai từ công chúng, qua đợt thi YPP (Young Professional Programme) do LHQ tổ chức nhằm lựa chọn các ứng viên trẻ. Kết quả thi chỉ có giá trị trong 2 năm; trúng tuyển quá 2 năm mà chưa được nhận vào làm việc thì phải thi lại.

Ví dụ tốt nghiệp đại học nếu trúng tuyển thì xếp bậc P-1, thạc sĩ xếp P-2. Trúng tuyển rồi phải tập sự 2 năm mới được làm việc. Ba loại P-3, P-4 và P-5 không qua thi tuyển mà qua đề bạt khi có vị trí trống, như khi có người nghỉ hưu hoặc thôi việc. Khi ấy ai có ít nhất 5 năm thâm niên công tác thì có thể làm đơn xin nâng bậc. Nói chung ở LHQ có rất ít cơ hội thăng tiến. Ví dụ, để từ P-2 tiến lên P-5, trường hợp thuận lợi nhất cần ít nhất 12 năm.

Theo số liệu của LHQ, thi YPP năm 2013 có 22.662 thí sinh ghi tên, qua sàng lọc, 3.039 người được dự thi viết rồi thi vấn đáp, cuối cùng 110 người trúng tuyển.

Bậc P-2 hưởng mức lương hàng năm là 46.730 USD (tương đương 1,1 tỷ VNĐ), nếu làm việc ở New York sẽ được hưởng phụ cấp đắt đỏ bằng 65,5% lương chính, tức 30.608 USD, như vậy tổng thu nhập hàng năm là 77.338 USD (1,8 tỷ VNĐ), đều được miễn thuế. Theo điều tra năm 2013 của Pew Research Center, 70.000 USD tương đương thu nhập của một hộ 4 người tầng lớp trung lưu ở New York. Tại đây cảnh sát thâm niên 5 năm có mức lương 69.000 USD, giáo viên thâm niên 5 năm –– 50-60.000 USD, phó GS –– 80.000 USD, đều là trước thuế. Bậc P-3 có mức lương chính là 133.262 USD. Ngoài lương cao, viên chức LHQ hàng năm được nghỉ phép một tháng có lương, được trợ cấp tiền nhà, trợ cấp nuôi vợ (chồng) và con, trợ cấp tiền học của con, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Nhưng không phải ai cũng gặp may, có trường hợp nhân viên LHQ được cử đi làm việc tại những nơi có chiến tranh, loạn lạc hoặc nghèo đói, có dịch bệnh.

Phiên dịch viên thuộc loại P. Để trở thành phiên dịch viên LHQ, các ứng viên phải qua kỳ thi YPP. Đây là nơi sát hạch có tính cạnh tranh nhất. Ứng viên phải có vốn ngôn ngữ vững, trước hết là tiếng mẹ đẻ, bởi lẽ nói chung công việc chính của phiên dịch viên là dịch từ ngoại ngữ sang tiếng mẹ đẻ.

Tổng số nhân viên LHQ trên toàn thế giới là 41.000 người, trong đó có vài trăm phiên dịch viên. Riêng Vụ Phiên dịch Trung văn tại Trụ sở chính LHQ ở New York có 71 người (2017), trong đó 60 phiên dịch viên, chủ yếu dịch viết.

Văn phòng LHQ ở Geneva có 101 phiên dịch viên, chưa kể 50 phiên dịch viên tự do sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần. Mỗi cuộc họp ở đây cần tới 14 phiên dịch viên làm công tác dịch đồng thời, gồm 3 phiên dịch viên tiếng A Rập, 3 phiên dịch viên tiếng Trung; riêng tiếng Anh, Pháp và Nga mỗi loại cần 2 phiên dịch viên. Nói chung LHQ thiếu phiên dịch viên tiếng A Rập và tiếng Trung loại giỏi. Phiên dịch viên làm việc khá căng thẳng, như hôm 23/12/2010 họ phải làm việc từ 10h sáng hôm nay tới 4h45 sáng hôm sau. Ở đây ai cũng biết bà Rebecca Edgington phụ trách bộ phận dịch tiếng Anh gồm 18 nhân viên. Edgington người gốc Anh, có tài dịch lưu loát với tốc độ rất nhanh tiếng Pháp, Nga, Đức sang tiếng Anh. Bà học tiếng Pháp từ năm 11 tuổi, tiếng Đức từ 12 tuổi và tiếng Nga từ 17 tuổi. Edgington từng có 9 năm là phiên dịch viên tự do làm thuê cho một số cơ quan thuộc Ủy ban EU, từ năm 2004 bắt đầu làm cho LHQ. Năm 2004, bà mẹ 43 tuổi có 2 con nhỏ này từng mặc áo chống đạn, đội mũ sắt, đi trực thăng cùng một phái bộ ngoại giao đến công cán tại Chechnya. Máy bay bị phiến quân bắn nhưng không trúng. Theo bà, dịch tiếng Nga rất thú vị, nhưng áp lực lớn, vì diễn giả người Nga hay theo dõi lời dịch, họ phản ứng tức thời với phiên dịch viên, lập tức vạch ra những từ họ cho là dịch không đúng.

RELATED ARTICLES

Tin mới