Vào thời điểm chỉ còn hơn 1 tuần nữa là tới ngày bầu cử tổng thống Mỹ, hãy cùng nhìn lại 10 khoảnh khắc đáng nhớ nhất
Ngay từ đầu, khi Tổng thống Donald Trump quyết định tái tranh cử, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã được dự báo kịch tính và gay cấn. Nhưng không ai đoán trước được đại dịch toàn cầu Covid-19 – nhân tố gây đảo lộn mọi phương diện chiến dịch tranh cử của ông Trump và đối thủ Joe Biden.
Vào thời điểm chỉ còn hơn 1 tuần nữa là tới ngày bầu cử, hãng tin Reuters điểm lại 10 khoảnh khắc đáng nhớ nhất của năm bầu cử đầy “sóng gió” này của nước Mỹ :
1. ÔNG TRUMP ĐƯỢC THA BỔNG, 5/2/2020
Vào đầu năm nay, mọi thứ dường như đều vô cùng tốt đẹp đối với ông Trump. Dù ông bị phe Dân chủ đưa ra luận tội, cuộc xét xử ông ở Thượng viện đã đi đến kết luận ông vô tội ở cả hai cáo buộc nhằm vào ông. Phán quyết của Thượng viện đưa ông Trump hoàn toàn thoát khỏi “đám mây đen” là bản báo cáo điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ ở thời điểm đầu năm có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, và khả năng ông Trump tái đắc cử cũng mạnh không kém. Sau 3 năm cầm quyền đầu tiên bị phủ bóng bởi những tranh cãi và mâu thuẫn, ông Trump cuối cùng cũng có một cơ hội để làm tốt mọi thứ. Nhưng cũng chính vào lúc đó, những ca nhiễm Covid-19 đàu tiên bắt đầu xuất hiện ở California và vùng Tây Nam bên bờ Thái Bình Dương của Mỹ.
2. ÔNG BIDEN THẮNG TRONG CUỘC BẦU CỬ SƠ BỘ Ở SOUTH CAROLINA, 29/2/2020
Sau khi giành kết quả đáng thất vọng trong cuộc họp đảng ở Iowa và bầu cử sơ bộ ở New Hampshire, số phận của ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay xem như đã được định đoạt. Tuy nhiên, các trợ lý tranh cử của ông khẳng định rằng tình hình sẽ xoay chuyển một khi người Mỹ gốc Phi bắt đầu bỏ phiếu với số lượng lớn, và họ đã đúng.
Ông Biden thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina, khiến nhiều đối thủ ngay lập tức từ bỏ cuộc đua và mở đường cho việc ông trở thành ứng viên đại diện cho Đảng Dân chủ chỉ vài tuần sau đó. Có lẽ, ông Biden đã chứng tỏ được rằng ông là nhân vật Dân chủ hợp lý nhất để lôi kéo những cử tri ôn hòa ở vùng Midwest và một số nơi khác khỏi ông Trump.
3. ÔNG TRUMP CÓ BÀI PHÁT BIỂU VỀ VIRUS CORONA, 11/3/2020
Sau nhiều tuần bác bỏ mối nguy hiểm của virus Corona chủng mới, và đối mặt với số ca nhiễm tăng chóng mặt ở Mỹ, ông Trump đã có một bài phát biểu toàn quốc hiếm hoi từ Phòng Bầu dục – một nỗ lực trấn an công chúng Mỹ đang hoảng sợ.
Hai ngày sau, ông công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Kể từ đó, Covid-19 khiến cuộc sống người Mỹ thay đổi hoàn toàn, với các trước học, công ty, nhà hàng… phải đóng cửa, hàng triệu người phải ở nhà, và đại dịch trở thành vấn đề chiếm lĩnh cuộc bầu cử 2020. Suốt mấy tháng trời, các nỗ lực tranh cử của cả ông Trump và ông Biden gần như ngưng trệ.
4. ÔNG BERNIE SANDERS TỪ BỎ CUỘC ĐUA, 8/4/2020
Bị ông Biden dẫn trước với khoảng cách lớn trong bầu cử sơ bộ và trong bối cảnh đại dịch khiến nước Mỹ tê liệt, ông Bernie Sanders trở thành “tay đua” cuối cùng của Đảng Dân chủ từ bỏ cuộc đua trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng này.
Vài ngày sau, ông Sanders tuyên bố ủng hộ ông Biden, chứng minh rằng nội bộ Đảng Dân chủ không chia rẽ. Động thái này diễn ra 4 năm sau khi ông Sanders từ chối chấp nhận thất bại trước ứng cử viên Hillary Clinton cho tới khi diễn ra đại hội đảng. Sự ủng hộ của ông Sanders cho phép ông Biden tập trung hoàn toàn vào cuộc đua với ông Trump.
5. KHOẢNH KHẮC “THUỐC TẨY” CỦA ÔNG TRUMP, 23/4/2020
Ở thời điểm số người chết vì Covid-19 ở Mỹ gần mức 50.000 người, tại một cuộc họp báo hàng ngày về vấn đề dịch bệnh, ông Trump bất ngờ có ý nói rằng việc tiêm thuốc tẩy vào cơ thể người có thể loại trừ virus. Các chuyên gia y tế ngay lập tức cảnh báo công chúng không nên làm như vậy vì nguy hiểm, và ông Trump sau đó cũng nói rằng ông chỉ đùa mà thôi.
Sự nổi giận của công chúng là một nhân tố khiến ông Trump vài ngày sau quyết định chấm dứt hoàn toàn việc họp báo hàng ngày về Covid-19. Dù vậy, các cuộc thăm dò dư luận trong tháng 4 cho thấy tỷ lệ ủng hộ cách ông xử lý đại dịch có tăng nhẹ.
6. NGƯỜI BIỂU TÌNH BỊ XỊT HƠI CAY BÊN NGOÀI NHÀ TRẮNG, 1/6/2020
Washington là một trong những thành phố Mỹ diễn ra các cuộc biểu tình sau cái chết dưới tay cảnh sát Minneapolis của George Floyd, một người đàn ông da màu, vào hôm 25/5. Hôm 1/6, ông Trump có một bài phát biểu tại Nhà Trắng, tuyên bố chủ đề “trật tự và kỷ luật” mà ông sẽ áp dụng trong phần còn lại của chiến dịch tranh cử. Sau đó, cảnh sát và vệ binh quốc gia, trong trang phục chống bạo động, xịt hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình đang tập trung bênh ngoài Nhà Trắng, để ông Trump có thể đi tới nhà thờ St. John để chụp ảnh cùng một cuốn Kinh thánh.
Việc người biểu tình bị xịt hơi cay ngoài Nhà Trắng đã trở thàn một hình ảnh gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, bởi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần đông người Mỹ ủng hộ cuộc biểu tình đòi công lý sắc tộc. Sau đó, tỷ lệ ủng hộ ông Trump nhanh chóng giảm xuống mức đáy của 7 tháng.
7. BÀ KAMALA HARRIS “VỀ ĐỘI” ÔNG BIDEN, 11/8/2020
Việc ông Biden chọn thượng nghị sỹ Kamala Harris của bang California, một đối thủ của ông trong cuộc đua giành sự đề cử của Đảng Dân chủ, làm người đồng tranh cử không phải là một chuyện gây ngạc nhiên. Bà Harris vốn dĩ được xem là một nhân vật thích hợp để làm Phó tổng thống Mỹ nếu ông Biden đắc cử. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ là việc bà Harris nhanh chóng chứng tỏ được rằng bà là tất cả những gì mà ông Biden cần.
Từ khi “về đội” ông Biden, bà Harris đã trở thành một đối tác giàu kinh nghiệm và tinh tế, thổi vào Đảng Dân chủ một nguồn năng lượng mới. Ngoài ra, bà cũng thể hiện sức mạnh trong việc huy động ngân sách, đưa số tiền tài trợ mà chiến dịch của ông Biden huy động được lên mức cao ấn tượng.
8. THẨM PHÁN GINSBURG QUA ĐỜI, 18/9/2020
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của những người theo phái tự do ở Mỹ đã trở thành sự thật khi bà Ruth Bader Ginsburg (ảnh trái), thẩm phán kỳ cựu và được kính nể của Tòa án Tối cao Mỹ, cuối cùng đã phải đầu hàng trước căn bệnh ung thư ở thời điểm chưa đầy 2 tháng là tới cuộc bầu cử 3/11. Ông Trump đề cử thẩm phán Amy Coney Barret (ảnh phải) thay thế vị trí bà Ginsburg để lại ở Tòa án Tối cao, theo đó có thể đảm bảo thế đa số của phe bảo thủ tại cơ quan này trong những năm tới.
Động thái của ông Trump là một việc để phái bảo thủ ở Mỹ có thể ăn mừng trong một năm vị Tổng thống này gặp nhiều thách thức. Cùng với đó, việc bà Barrett được đề cử cũng khiến chủ trương của ông Biden về ủng hộ quyền phá thai và giữ đạo luật cải cách y tế Affordable Care Act (Obamacare), bởi thẩm phán này là người có quan điểm chống phá thai và không ủng hộ Obamacare.
9. CUỘC TRANH LUẬN TRỰC TIẾP TRUMP-BIDEN ĐẦU TIÊN, 29/9/2020
Nóng lòng muốn xoay chuyển tình thế, ông Trump bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với ông Biden trong tư thế của một “chiến binh”. Tuy nhiên, điều này đã chống lại ông. Trong suốt cuộc tranh luận, ông Trump liên tục ngắt lời ông Biden và điều phối viên Chris Wallace, đến mức mà toàn bộ cuộc tranh luận bị mất kiểm soát. Ông Trump công kích gia đình ông Biden hết sức mạnh mẽ.
Các cuộc thăm dò dư luận sau cuộc tranh luận đầu tiên cho thấy những cử tri còn dao động đã thất vọng với màn thể hiện của vị Tổng thống. Tiếp đó, ông Trump từ chối tham gia cuộc tranh luận thứ hai sau khi cuộc tranh luận này được chuyển sang dạng trực tuyến vì ông được chẩn đoán nhiễm Covid-19. Tại cuộc tranh luận cuối cùng trước khi bầu cử, diễn ra vào ngày 22/10, ông Trump tỏ ra kiềm chế hơn.
10. ÔNG TRUMP NHIỄM COVID-19, 2/10/2020
Sau nhiều tuần tiến hành các cuộc tiếp xúc cử tri, mà ở đó các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan Covid-19 gần nư không được áp dụng, ông Trump và một loạt cố vấn cho kết quả dương tính với virus này. Việc cách ly để trị bệnh khiến ông Trump phải tạm ngưng chiến dịch tranh cử trong 10 ngày.
Tuy nhiên, thiệt hại lớn hơn có lẽ chính là thiệt hại đối với hình ảnh của ông. Trong lúc không ít người Mỹ không đồng tình cách ông Trump ứng phó với Covid-19, việc ông nhiễm bệnh càng khiến hình ảnh của ông và Nhà Trắng trở nên vụng về hơn. Chuyện này cũng cho thấy Covid-19 tiếp tục là vấn đề trung tâm của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.