Saturday, May 4, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông...xơ xác?

Biển Đông…xơ xác?

Sự giàu có của Biển Đông từng là điều không thể nghi ngờ. Vậy mà nay, cụm từ “Biển Đông xơ xác” lại đang được nhiều người sử dụng nhằm cảnh báo hậu quả bồi đắp, cải tạo tùy tiện, khai thác tàn bạo các nguồn lợi trong khu vực này.

Tàu cá Trung Quốc càn quét trên Biển Đông

Lâu nay, người ta đã quá quen với những nhận định, đánh giá về sự giàu có của Biển Đông như một “biển bạc” với tài nguyên dồi dào, phong phú về dầu khí, về hải sản, về đa dạng sinh học; và mươi lăm năm gần đây, là băng cháy – được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ trong tương lai..

Hãy chỉ xét riêng về khía cạnh môi trường và nguồn lợi hải sản. Để hình dung, có thể nêu vài số liệu cụ thể, theo công bố của các cơ quan nghiên cứu quốc tế.

Về môi trường, Biển Đông được đánh giá là một trung tâm của thế giới về đa dạng sinh học, tập trung 12% tổng diện tích rừng ngập mặn của thế giới và 30% tổng diện tích rừng ngập mặn của Châu Á; là nơi có 20% tổng diện tích rạn san hô của khu vực Đông Nam Á. Nên biết rằng, Đông Nam Á chiếm 34% tổng diện tích san hô của thế giới.

Về nguồn lợi hải sản, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Biển Đông xếp hạng thứ 4 trong số 19 vùng biển đánh cá tốt nhất trên thế giới về tổng sản lượng đánh bắt hàng năm, với hơn 1.000 loài cá, hơn 90 loài tôm và hơn 70 loài thân mềm. Mỗi năm, khoảng hơn 6 triệu tấn hải sản được đánh bắt tại đây, tương đương 10% tổng khối lượng hải sản khai thác được trên toàn thế giới…

Tuy nhiên, chẳng có gì là vô tận. Biển Đông cũng thế, đang ngày một xơ xác trước lòng tham của con người. Những vụ đâm húc tàu cá liên miên giữa các quốc gia duyên hải; xung đột trên các ngư trường; ngư dân nước này vi phạm vùng biển nước khác dẫn đến các cuộc đuổi bắt, đánh chìm kéo dài nhiều năm nay; những cuộc cãi vã tố cáo, đổ lỗi cho nhau về viêc cơi nới các đá, đảo, rạn san hô…Con người, như những kẻ đói khát, đang hùng hục lao vào Biển Đông kiếm ăn một cách tàn bạo. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi sự vơ vét được trợ giúp bởi những phương tiện, thiết bị đánh bắt ngày một tối tân hơn…

Lòng tham con người với tài nguyên Biển Đông – ấy là nói chung.

Phân tích dưới khía cạnh pháp lý quốc tế, không ai không nhận thấy, Trung Quốc là quốc gia phải chịu trách nhiệm chính khiến Biển Đông không chỉ phức tạp, thành nơi thử thách về chính trị, ngoại giao, mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng tiêu cực về môi trường và suy kiệt nguồn hải sản.

Với tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” khoanh tới 85% diện tích Biển Đông, Trung Quốc dường như tự cho mình có quyền khai thác, cải tạo bất cứ thứ gì trong vùng biển đó.

Các bên liên quan, dù phẫn nộ nhưng “lực bất tòng tâm”. Nhiều trường hợp chỉ biết đành cay đắng nuốt hận trước những hành động ngang ngược, hung bạo, phá hủy môi trường sinh thái và hủy diện nguồn lợi hải sản Biển Đông của Trung Quốc.

Trong thực tế, hoạt động khai thác, cải tạo trong cái gọi là “đường 9 đoạn” đã và đang được Trung Quốc gia tăng không ngừng. Bắc Kinh đã cho xây dựng tới gần 13km2 đảo nhân tạo, phần lớn tại quần đảo Trường Sa, gây ra các hậu quả môi trường nghiêm trọng. Bắc Kinh cũng triển khai một cách bài bản việc tăng cường các đội tàu đánh cá, vừa để vơ vét hải sản, vừa để củng cố yêu sách lãnh thổ…như một phần của “chiến thuật vùng xám”. Những tuyên bố “xây dựng các trạm nghiên cứu khoa học” nhằm “hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học” của Trung Quốc rất đáng nghi ngờ. Mục đích thực của nó, chỉ có Trung Quốc mới có thể biết được.

Thông tin khiến ai nấy đều lo lắng: việc đánh bắt thủy hải sản quá mức ở Biển Đông, trong đó, Trung Quốc là thủ phạm chính, đã khiến trữ lượng cá hiện nay giảm khoảng 80% so với cách đây nửa thế kỷ. Việc nạo vét san hô để bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo đã và đang khiến khu vực trú ẩn, sinh sôi của các quần thể ấu trùng cá ngày một thu hẹp…Nói cách khác, thực trạng trên có thể hiểu là: cá, tôm ở Biển Đông đẻ không kịp với tốc độ đánh bắt của con người.

Vậy nên, với tốc độ gia tăng khai thác cùng các hoạt động cải tạo, bồi đắp tùy tiện, không đếm xỉa đến tác động môi trường hiện nay của Trung Quốc, từ chỗ là kho báu khổng lồ, Biển Đông sẽ trở nên xơ xác, không còn cơ hội cứu vãn chỉ trong một tương lai chẳng mấy xa xôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới