Ngồi một mình trong căn hộ của con gái ở Thượng Hải, bà Liu Xiumei tưởng tượng về chuyến du lịch cùng chồng. Nhưng hiện tại bà phải trông cháu ngoại.
Một người đàn ông kéo xe dẫn hai cháu đi chơi ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô
Người phụ nữ 55 tuổi nghĩ thầm: “Mình sẽ vẫn điều hành công ty giúp việc và kiếm vài trăm tệ mỗi ngày”.
Năm 2014, Chongyang, con gái bà Liu mang bầu lần đầu. Như bao phụ nữ cùng tuổi khác, bà chuyển tới Thượng Hải để tiện giúp đỡ con, bỏ lại cuộc sống riêng ở Hồ Bắc. Bà cứ nghĩ sẽ ở Thượng Hải vài năm cho đến khi Chongyang có thể tự nuôi con nhưng mọi chuyện không diễn ra như vậy.
Năm 2015, Trung Quốc xóa bỏ chính sách một con. Chẳng bao lâu sau, cùng với hàng triệu cặp vợ chồng khác, Chongyang mang bầu lần thứ hai. Nhiệm vụ chăm sóc cháu ngoại của bà Liu bỗng dưng bị tăng gấp đôi.
Năm năm qua, không ít người cùng thế hệ với bà rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ ngày chính sách kế hoạch hóa gia đình được nới lỏng, các ông bà Trung Quốc càng thêm gánh nặng trên vai.
Đối với các đôi vợ chồng ở thành thị Trung Quốc, chăm sóc con cái là một vấn đề lớn, bởi thông thường, cả hai người đều phải làm việc cật lực mới chi trả được sinh hoạt phí đắt đỏ. Không thể tự trông nom bọn trẻ, họ đành nhờ ông bà nội ngoại lấp chỗ trống. Vì thế, hàng triệu người cao tuổi Trung Quốc đã trở thành những laopiao hay “người già trôi dạt”, chấp nhận rời quê hương, lên những thành phố để chăm cháu.
Theo Tang Xiaojing, giảng viên xã hội học tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, vì trưởng thành trong thời kỳ chính sách một con, các ông bà Trung Quốc thường sẵn sàng hy sinh cho gia đình và đầu tư cho đứa con duy nhất. “Họ nghĩ chăm lo con cái và gia đình là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ”, Tang giải thích. “Khi đứa con lập gia đình, họ vẫn tiếp tục mối quan hệ bố mẹ – con cái trong quá khứ”.
Chính sách hai con đã tạo ra những căng thẳng mới trong mối quan hệ này. Trong khi một số người lớn tuổi thúc giục con cái đẻ thêm, nhiều ông bà không muốn dành thêm vài năm chăm sóc đứa trẻ khác.
Tang nhận định phần lớn ông bà Trung Quốc cảm thấy chăm sóc đứa cháu đầu là “nghĩa vụ bắt buộc” nhưng đối với đứa cháu thứ hai lại khác. Lý do có thể là họ “vỡ mộng” sau khi chăm đứa cháu đầu, cảm thấy quá già để chăm sóc tốt một đứa trẻ hoặc đơn giản là không muốn xa quê lâu hơn nữa.
“Họ cũng phải ở cạnh bạn đời của mình nữa”, Tang nói.
Khi Chongyang chia sẻ nguyện vọng sinh thêm con, Liu không giấu giếm sự thất vọng. Đã ở Thượng Hải nhiều năm, bà nhớ chồng cùng cuộc sống vô lo vô nghĩ ở Hồ Bắc. Chưa kể, Liu kiệt sức. “Nuôi dạy trẻ con rất căng thẳng”, Liu giãi bày. “Chăm một đứa đã vất vả rồi, tôi không thể chăm thêm một đứa nữa”.
Thông gia của bà Liu lại háo hức có thêm cháu. Người phụ nữ này sẵn sàng đi hơn 2.000 km từ Vân Nam đến Thượng Hải để thế chỗ cho Liu. Thế nhưng, kế hoạch này sớm trục trặc bởi mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu. Thông gia của Liu tranh cãi với Chongyang đủ thứ, từ hình thức, ăn mặc đến tin ngưỡng.
“Bà ấy cho rằng phụ nữ phải chăm con ở nhà để đàn ông ra ngoài làm việc”, Chongyang chia sẻ. “Nhưng tại Thượng Hải, cả hai vợ chồng đều phải làm việc. Ngay cả gia đình ba người cũng vậy, đừng nói là bốn người”.
Là người nông thôn, mẹ chồng Chongyang không biết lau sàn gỗ hay cách dùng bếp điện. Vài tuần trôi qua, cô không còn giữ được bình tĩnh.
“Con bé gọi điện cầu cứu tôi mỗi ngày”, Liu Xiumei kể.
Từ đó, Liu lại lên Thượng Hải, sống với con gái, con rể và hai đứa cháu trong căn hộ 70 m2. Với người phụ nữ này, mỗi ngày đều dài đằng đẵng. Bà thức dậy lúc 7h sáng, khi vợ chồng Chongyang đã đưa con gái đầu lòng đi học rồi tới thẳng cơ quan. Liu cho cháu trai ăn, dọn dẹp căn hộ đầy đồ chơi trẻ con và nấu bữa trưa.
Chiều, trong lúc cháu trai ngủ trưa, Liu xem tivi hoặc lên mạng xã hội. 15h, bà đưa cháu trai lên xe đạp điện, cùng đón cháu gái từ nhà trẻ. Tới nhà, lũ trẻ chơi đùa, tập piano, sau đó ăn tối và tắm rửa. Vợ chồng Chongyang đến tối muộn mới về. Đến 23h, Liu mới được đi ngủ.
Cuối tuần, vợ chồng Chongyang đưa hai con ra ngoài cả ngày còn Liu ở nhà nghỉ ngơi. Khi gia đình con gái đi nghỉ, bà trở về Hồ Bắc để dành thời gian bên chồng. “Đó là thời gian thư giãn của tôi”, Liu tâm sự.
Liu vẫn chưa quyết định có chuyển hẳn về Hồ Bắc không. Bà nhớ cuộc sống cũ nhưng thương vợ chồng Chongyang. Con gái và con rể cũng yêu quý Liu, sẵn sàng chi trả toàn bộ chi phí để mẹ ở lại. “Nếu tôi về quê, chúng sẽ phải thuê giúp việc mà tôi không chắc mình có thể tin tưởng người lạ. Thà tôi hy sinh bản thân còn hơn”, Liu tâm sự.
Bà Zhao Yaping, 64 tuổi, không chịu đựng như Liu.
“Tôi đã làm việc chăm chỉ cả đời rồi. Giờ tôi chỉ muốn tận hưởng quãng đời còn lại với vợ”, cựu nhà giáo ở Thượng Hải nói. Vợ chồng con trai Zhao có hai con, song ông khẳng định cuộc sống của mình “không liên quan đến gia đình đó”.
Năm 2017, thấy vợ chồng con trai muốn sinh em bé thứ hai, Zhao đã cảnh báo rằng “có thêm con, cuộc đời sẽ vui gấp bội nhưng cũng cay đắng gấp bội”. Tuy nhiên, đôi uyên ương trẻ vẫn giữ nguyên quyết định. Không muốn trở thành người chăm cháu toàn thời gian, Zhao cuối cùng phải giúp các con thuê bảo mẫu và đưa thêm cho họ 5.000 tệ (750 USD) mỗi tháng để chi trả. Con dâu ông cũng nghỉ việc để ở nhà vài năm cho tới lúc cả hai đứa trẻ đi học mẫu giáo.
“Tôi gặp các cháu vào chiều chủ nhật. Như thế, con trai tôi và vợ nó cũng có chút thời gian riêng”, Zhao nói.
Không thể từ chối con trai, Wang Huiquan chấp nhận chăm sóc đứa cháu thứ hai mới sinh đầu năm nay. Nhưng người phụ nữ 66 tuổi thấy lòng nặng trĩu. Trước đó, khi đứa cháu đầu vào tiểu học, Wang đã nghĩ rằng mình cuối cùng đã có thể tận hưởng thời gian nghỉ hưu.
Em bé mới không chỉ khiến Wang căng thẳng mà còn dẫn đến mâu thuẫn giữa bà và con dâu. Họ thường tranh cãi về cách nuôi dạy trẻ. Ví dụ, nếu để lũ trẻ xem phim hoạt hình trong bữa ăn, Wang sẽ bị con dâu nói là quá chiều cháu.
“Tôi choáng váng mỗi khi các cháu la hét nhưng con dâu thì không hiểu vì nó rất hiếm khi cho lũ trẻ ăn”, Wang chia sẻ. Càng ngày Wang càng cảm thấy khó khăn. Mẹ già 90 tuổi của bà cũng đổ bệnh, khiến Wang cùng lúc phải chăm lo cho hai thế hệ. Nỗi lo khiến bà sụt 5 kg.
“Tóc tôi từng rất đen, giờ thì gần như bạc hết”, Wang bộc bạch. “Con trai bảo sẽ cho tôi một tháng nghỉ ngơi nhưng tôi nghĩ mình cần nhiều hơn thế”.
Tang Dan, phó giáo sư tại Đại học nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết các trường hợp người lớn tuổi gặp vấn đề tâm lý do phải gánh vác quá nhiều nghĩa vụ chăm sóc như Wang không hiếm gặp.
“Họ chăm cả cháu lẫn con nên áp lực rất lớn”, Tang lý giải. “Ngoài ra, người già dễ cảm thấy cô đơn khi đầu tư nhiều tình cảm mà không nhận lại được sự công nhận mà họ mong chờ. Điều đó có thể dẫn đến trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe khác”.
Lo lắng cho sức khỏe của các ông bà Trung Quốc, vài chuyên gia đã kêu gọi chính phủ vào cuộc. Theo đề xuất của Tao Tao, một phó giáo sư khác, người lớn tuổi chăm hai cháu có quyền nộp đơn xin hỗ trợ nhiều lần một năm. Mỗi lần nộp đơn như vậy, chính phủ sẽ cử chuyên gia tới chăm trẻ thay và chi trả toàn bộ chi phí.
“Như vậy, các ông bà sẽ được nghỉ ngơi và tránh nguy cơ kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần”, Tao nói.
Cũng phải chăm hai cháu song Chen Xianling nhẫn nại đếm từng ngày lũ trẻ vào mẫu giáo. Bà ngoại 58 tuổi đã rời Hà Bắc nhiều năm nay để tới Bắc Kinh giúp vợ chồng con gái. Chen thừa nhận cuộc sống ở thủ đô đôi khi rất cô quạnh.
“Hàng xóm không hiểu tiếng địa phương của tôi. Con gái và con rể cũng thích nhìn vào điện thoại hơn là nói chuyện với tôi”, Chen chia sẻ.
Tuy vậy, Chen vẫn vui mừng khi con gái quyết định sinh thêm. Thực tế, bà chính là người động viên con, hứa hẹn sẽ chăm sóc cả hai đứa trẻ.
“Tôi luôn muốn có nhiều con nhưng chính sách nhà nước không cho tôi làm điều đó”, Chen nói. “Hai đứa con sẽ san sẻ trách nhiệm chăm sóc bố mẹ sau này. Như thế tốt cho mọi người”.