Tuesday, December 24, 2024
Trang chủĐiểm tinLý do Mỹ lập căn cứ tuần duyên ở Tây Thái Bình...

Lý do Mỹ lập căn cứ tuần duyên ở Tây Thái Bình Dương

Nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông và khống chế biển Hoa Đông để vươn ra biển xa, bên cạnh việc quân sự hóa Biển Đông, tăng cường các hoạt động của hải quân, không quân trên biển, thời gian gần đây Trung Quốc đẩy mạnh việc dùng lực lượng bán quân sự như tàu hải cảnh, tàu cá giả danh của lực lượng dân quân biển để gây hấn với các nước láng giềng. Trong bối cảnh đó, từ năm 2019 Mỹ đã điều tàu tác chiến ven bờ thuộc Lực lượng Tuần duyên Mỹ đến thường trú tại Singapore.

Trong hơn 1 năm qua, các tàu chiến ven bờ của Mỹ đã xuất phát từ Singapore tham gia chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) và phối hợp với hải quân Mỹ tiến hành diễn tập ở Biển Đông. Tháng 5 vừa qua, tàu chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords của lực lượng tuần duyên Mỹ đã thực hiện hoạt động hiện diện ở phía Nam Biển Đông, gần khu vực tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do công ty dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành. Lực lượng Tuần duyên Mỹ tham gia cùng Hải quân Mỹ trong các chiến dịch tuần tra hàng hải dọc eo biển Đài Loan.

Sau một năm triển khai tàu chiến ven bờ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ ở Biển Đông, hôm 18/9/2020, Lực lượng Tuần duyên Mỹ công bố một báo cáo dài 40 trang về tình trạng đánh bắt cá trái phép, một trong những đối tượng bị chỉ trích trong báo cáo là lực lượng tàu đánh bắt cá có vũ trang của Trung Quốc. Theo báo cáo, hiện tổng số tàu của các đội tàu cá Trung Quốc ước chừng khoảng 17.000, trong đó hơn 12.000 tàu hoạt động trên các vùng biển không thuộc chủ quyền Trung Quốc. Các tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc được cho là đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu và gây ra “tác động gây mất ổn định đối với các quốc gia ven biển dễ bị tổn thương”.

Báo cáo của Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho rằng Trung Quốc cần phải có sự kiểm soát có trách nhiệm hơn với đội tàu của nước này, đặt biệt là các tàu đánh bắt xa bờ nhằm đảm bảo họ tuân thủ các “chuẩn mực quốc tế và cấu trúc quản trị”; đồng thời khẳng định quyết tâm của Lực lượng Tuần duyên Mỹ tăng cường các chiến dịch đối phó các đội tàu cá của Trung Quốc.

Tháng 6/2020, Viện Phát triển Hải ngoại của Anh quốc cũng đã công bố một báo cáo, trong đó nêu đích danh Trung Quốc như là thủ phạm hàng đầu tạo ra cuộc “khủng hoảng nghề cá toàn cầu” với đội tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ quy mô lớn nhất thế giới. Hoạt động của tàu cá Trung Quốc không chỉ hủy hoại môi trường biển mà còn đe dọa quyền chủ quyền, quyền tài phán, xâm phạm lợi ích chính đáng của các nước ven biển.

Để tỏ rõ quyết tâm của Washington trong việc ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh, hôm 23/10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đang tăng cường tàu tuần duyên ở Tây Thái Bình Dương, thực hiện nhiệm vụ an ninh hàng hải, ngăn chặn hoạt động đánh bắt trái phép và quấy rối của tàu thuyền Trung Quốc. Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) sẽ lập căn cứ cho đội tàu ở khu vực Tây Thái Bình Dương để thực hiện trọng trách này.

Ông Robert O’Brien nhấn mạnh rằng “hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Trung Quốc cũng như quấy rối các tàu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đe dọa chủ quyền các quốc gia, gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực”.Là cường quốc ở Thái Bình Dương, Mỹ cần có trách nhiệm bảo vệ những giá trị của luật pháp quốc tế ở đây.

Theo Cố vấn O’Brien, củng cố hiện diện của Lực lượng Tuần duyên Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giúp bảo đảm Mỹ luôn là đối tác hàng hải được lựa chọn của khu vực; bước đi của của Lực lượng Tuần duyên là một phần trong các nỗ lực tổng thể của Mỹ nhằm “đối phó những hành động ác ý, gây bất ổn” của Trung Quốc.

Tuyên bố của Cố vấn An ninh quốc gia O’Brien được đưa ra ngay trước chuyến thăm 5 nước châu Á (Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Indonesia và mới đây bổ sung thêm Việt Nam) của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Trước đó, đầu tháng 10, ông Pompeo đã chủ trì cuộc gặp với ngoại trưởng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia với kỳ vọng có thể cùng nhóm này thiết lập liên minh nhằm ngăn chặn những hành động ngày càng quyết liệt và yêu sách chủ quyền trên biển phi pháp của Trung Quốc.

Lý do Mỹ lập căn cứ và tăng cường tàu chiến đấu ven bờ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ đến hoạt động Biển Đông và Thái Bình Dương là:

Thứ nhất, tại Diễn đàn cấp cao APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Trong 3 năm qua, Mỹ đã từng bước phối hợp với các nước trong nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) thúc đẩy chiến lược này. Trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng đại dich Covid-19 gia tăng các hoạt động gây hấn hung hăng với các nước láng giềng trên các vùng biển, Mỹ có nhiều bước đi đẩy nhanh việc triển khai chiến lược này để kiềm chế, ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Việc lập căn cứ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương là một bước đi cụ thể trong kế hoạch triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Qua đây, Mỹ khẳng định cam kết của mình đối với khu vực.

Với cách tiếp cận này, xem ra Mỹ đang chủ trương sử dụng Lực lượng Tuần duyên Mỹ như một lực lượng quan trọng bảo vệ tự do hàng hải, bảo vệ luật pháp quốc tế trên Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông.

Thứ hai, để độc chiếm Biển Đông và khống chế biển Hoa Đông thực hiện mục tiêu vươn ra biển xa, bên cạnh việc đầu tư xây dựng lực lượng hải quân đông đảo và trang bị tối tân, Trung Quốc còn tập trung nguồn lực phát triển một lực lượng bán quân sự đông gấp bội lần, gồm các tàu hải cảnh và hàng ngàn chiếc tàu dân quân biển núp dưới danh nghĩa tàu đánh cá. Lực lượng này ức hiếp, cản trở các hoạt động hợp pháp của ngư dân các nước láng giềng trên các vùng biển đặc quyền kinh tế của họ. Mặt khác, Trung Quốc thường xuyên sử dụng lực lượng này uy hiếp, đe dọa hoạt động dầu khí của các nước ven biển, đồng thời hỗ trợ các tàu thăm dò địa chất và các tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước láng giềng. Điều này làm cho các tàu chiến của hải quân Mỹ khó có thể đáp trả lực lượng bán dân sự này của Trung Quốc. Mỹ cũng cần có cách tiếp cận mới trong việc sử dụng Lực lượng Tuần duyên Mỹ – một lực lượng thực thi pháp luật trên biển không thuộc biên chế của hải quân để có thể dễ dàng ứng phó khi cần thiết.

Bên cạnh lực lượng hải quân, không quân thuộc Hạm đội 7 hoạt động mang tính răn đe ở khu vực thì Lực lượng Tuần duyên Mỹ là lực lượng chính để ngăn chặn các hoạt động bán dân sự trên biển của Trung Quốc. Như ông O’Brien, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đã nhấn mạnh các tàu thế hệ mới của Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ triển khai những sứ mệnh đảm bảo an ninh hàng hải như tuần tra, nâng cao nhận thức và phối hợp thực thi pháp luật trên biển nhằm hỗ trợ “các nước đối tác trong khu vực vốn có hạn chế về năng lực chấp pháp và giám sát ngoài khơi”.

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự thực hiện “chiến lược vùng xám” ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Mỹ đã có sự điều chỉnh về sách lược khi sử dụng Lực lượng Tuần duyên Mỹ được coi là lực lượng tuần tra dân sự để đáp trả. Đây là cách tiếp cận phù hợp để ngăn chặn sự hoành hành của lực lượng bán quân sự của Trung Quốc ở các vùng biển.

Với cách tiếp cận mới này, tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi trong chuyến công du Indonesia hôm 29/10 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Wahington sẽ tìm cách mới để hợp tác với Indonesia trên Biển Đông. Trong khi đó Ngoại trưởng Retno khẳng định Indonesia “khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Indonesia, bao gồm các dự án ở các đảo xa của Indonesia như đảo Natuna”. Những phát biểu này mở ra khả năng Mỹ có hình thức hợp tác phù hợp với Indonesia trên biển, bao gồm trên quần đảo Natuna để đẩy lùi sự mở rộng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chúng ta còn nhớ, từ cuối năm 2019, Trung Quốc nhiều lần điều các tàu cá dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia khiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo phải đích thân ra quần đảo Natuna khẳng định quyết tâm của mình bảo vệ vùng biển và các lợi ích ở khu vực này; đồng thời, Indonesia lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động của Bắc Kinh, gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc.

Với những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Ngoại trưởng Indonesia Retno, không loại trừ khả năng quần đảo Natuna sẽ trở thành nơi neo đậu của các tàu chiến đấu ven bờ của Lực lượng Tuần duyên Mỹ ở khu vực như họ đã làm ở Singapore từ năm 2019. Nếu điều này xảy ra thì Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nói riêng và trong khu vực nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới