Sunday, May 12, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBắc Kinh lại dùng chiêu trò lừa bịp vu cáo Hà Nội

Bắc Kinh lại dùng chiêu trò lừa bịp vu cáo Hà Nội

Ngày 03/11/2020, Tài khoản “Chương trình nhận biết tình hình chiến lược Nam Hải” (SCSPI) của Đại học Bắc Kinh Trung Quốc lại ra báo cáo với tiêu đề là “tình hình hoạt động “bất hợp pháp” của tàu cá Việt Nam tại Biển Đông trong tháng 10/2020” để vu cáo bôi xấu Việt Nam.

Báo cáo cho rằng trong tháng 10 vừa qua, có 6.142 tàu cá Việt Nam hoạt động tại Biển Đông với 70.587 vị trí hoạt động được ghi nhận bởi hệ thống nhận dạng tàu thuyền tự động AIS. Số lượng này đã giảm đi 1/3 so với tháng 7/2020 là thời gian cao điểm nhất. Trung Quốc ra số liệu này với việc viện dẫn căn cứ vào hệ thống nhận dạng tàu thuyền tự động và nói rằng số liệu giảm đi để thể hiện rằng thông tin trong báo cáo là “khách quan” để lừa bịp dư luận.

Biển Đông là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam hàng trăm năm nay. Ngay cả Phán quyết ngày 12/7/2016 cũng xác định việc ngư dân các nước ven Biển Đông, bao gồm các ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt ở các ngư trường truyền thống trên Biển Đông, kể cả ở khu vực bãi cạn Scarborough, nơi đã bị Trung Quốc chiếm đoạt trong cuộc xung đột với Philippines năm 2012. Điều này cho thấy những cáo buộc của Bắc Kinh đối với tàu cá của Việt Nam nêu trong báo cáo là vô căn cứ, hoàn toàn là bịa đặt.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra những lời vu cáo trắng trợn như vậy. Từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã thông qua các cơ quan nghiên cứu để đưa ra những báo cáo với nội dung vu cáo Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng biển của Trung Quốc và các nước ven Biển Đông với những mưu đồ đen tối. Ngày 05/3/2020, truyền thông Trung Quốc đã từng đồng loạt đăng tải báo cáo của SCSPI vu cáo tàu cá Việt Nam “vi phạm các vùng biển của Trung Quốc” ở Biển Đông.

Giọng điệu của Bắc Kinh trong báo cáo lần này cũng chẳng khác gì so với báo cáo được đăng tải hôm 05/3/2020. Bắc Kinh cao giọng trắng trợn vu cáo các tàu cá Việt Nam xâm nhập các vùng biển gần bờ của Trung Quốc, bao gồm vùng nước trong Vịnh Bắc Bộ về phía Trung Quốc, thậm chí nói rằng tàu cá Việt Nam đi sâu vào “nội thủy, lãnh hải và khu vực ngoài lãnh hải khoảng 30 hải lý của các tỉnh Quảng Đông, Hải Nam”. Tuy nhiên, cả thế giới đã biết rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh với chiêu trò “đổi trắng, thay đen”, “gắp lửa bỏ tay người”, dựng chuyện để đổ lỗi cho người khác nên dư luận cũng chẳng quan tâm đến những lời tuyên truyền giả dối của họ.

Một số ý kiến còn cho rằng Bắc Kinh đúng là kẻ “vừa ăn cắp, vừa la làng”, với “chiến lược vùng xám” Bắc Kinh đang sử dụng lực lượng tàu cá và tàu cá dân binh để xâm lấn vùng biển các nước khác hòng biến những vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước khác theo luật pháp quốc tế thành những vùng biển tranh chấp; đồng thời đưa ra nhận định về mưu đồ của Trung Quốc khi đưa ra các báo cáo này là:

Một, vu cáo bôi nhọ, làm mất uy tín của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tốt vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, uy tín đang không ngừng tăng cao bất chấp đại dịch covid-19. Thông qua việc này để lấp liếm cho các hành động hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông, kể cả việc đâm chìm, đâm hỏng tàu cá Việt Nam. Một khi xảy ra tàu và ngư dân Việt Nam bị đâm thì họ lấy cớ “do tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển của Trung Quốc”. Ai cũng biết cỗ máy tuyên truyền theo đuổi một cách làm theo thuyết “nói một lần chưa tin thì nói một trăm lần chắc phải tin”. Với cách làm như vậy, Bắc Kinh nghĩ rằng những lời nói bịa đặt của họ lâu dần sẽ trở thành nhận thức chung.

Hai, phân hóa, chia rẽ Việt Nam với các nước ASEAN khác. Báo cáo của SCSPI nói rằng tàu cá Việt Nam hoạt động “bất hợp pháp” trong vùng biển các nước ven Biển Đông như Malaysia, Indonesia và Campuchia để tạo ra mâu thuẫn trên biển giữa Việt Nam với các nước này. Việt Nam luôn được coi là có lập trường kiên định phản đối các yêu sách và hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong năm 2020 với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN dưới hình thức trực tuyến, sự đồng thuận trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông đã đạt ở mức cao hơn trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ UNCLOS 1982 được thể hiện trong các tuyên bố của ASEAN tại các hội nghị liên quan trong năm 2020.

Ba, Bắc Kinh muốn ngăn cản châu Âu gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu với lý do chưa tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Trong thời gian qua, Việt Nam triển khai trên thực tế nhiều giải pháp chống khai thác IUU và được EC đánh giá cao. Việc EU ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) và được cả 2 bên thông qua và có hiệu lực từ 01/8/2020 là một minh chứng cho việc châu Âu đánh giá cao nỗ lực và hợp tác của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU.

Sau khi EVFTA có hiệu lực hàng hóa của Việt Nam, bao gồm thủy sản vào châu Âu tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, châu Âu dừng việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Trung Quốc. Điều này rõ ràng làm Bắc Kinh tức tối, hậm hực. Việc SCSPI đưa ra các báo cáo về “vi phạm của tàu cá Việt Nam” là nhằm góp phần để châu Âu chưa gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam. Đúng là hành động của một kẻ “ghen ăn, tức ở”. Mang tiếng là “láng giềng 4 tốt” của Việt Nam mà lại làm trò như vậy thì thật đáng là hổ thẹn. Thế nhưng châu Âu cũng đã hiểu rõ bộ mặt thật và sự lừa dối của Bắc Kinh nên những lời vu cáo của Bắc Kinh không thể làm thay đổi được nhận định của châu Âu về sự hợp tác của phía Việt Nam trong việc chống khai thác IUU.

Trong báo cáo của mình, Bắc Kinh đưa ra nguyên nhân số lượng tàu cá Việt Nam “vi phạm” tháng 10 ít so với các tháng kể từ đầu năm đến nay là do lực lượng chấp pháp Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát. Rõ ràng đây là cách để Trung Quốc biện hộ, lấp liếm cho những hành động sai trái của lực lượng chấp pháp và bán quân sự chèn ép ngư dân Việt Nam và các nước láng giềng ven Biển Đông. Giới quan sát cảnh báo rằng với những luận điệu trong báo cáo của SCSPI, không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ có những hành động hung hăng hơn trong việc bắt nạt tàu cá các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, các nước cần hết sức cảnh giác.

Trên thực tế, các tàu cá Trung Quốc được các tàu chấp pháp của họ hộ tống, bảo vệ đang hàng ngày, hàng giờ đánh bắt trái phép trong vùng biển của các nước khác. Việc làm này của Bắc Kinh đã gặp phải chỉ trích của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Các tàu cá của Trung Quốc thường xuyên đánh bắt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia. Từ cuối năm 2019, tàu cá Trung Quốc được sự bảo vệ của tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia khiến Indonesia lên tiếng mạnh mẽ phản đối, thậm chí gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và lên án hành vi tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Indonesia.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ vừa công bố một báo cáo, trong đó khẳng định rằng trữ lượng cá trong khu vực Biển Đông đã suy giảm tới 95% kể từ những năm 1950. Trong 2 thập niên qua, CSIS cũng ước tính sản lượng đánh bắt đã giảm 75%. Thủ phạm chính gây ra tình trạng này là Trung Quốc. Theo báo cáo của CSIS, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ cho nghề cá với hàng tỷ USD trợ cấp được chi để tăng số lượng tàu cá của nước này trong khu vực. Năm 2018, CSIS phát hiện Chính phủ Trung Quốc đã chi khoảng 7,2 tỷ USD trợ cấp cho ngư dân để đảm bảo họ có thể đánh bắt xa bờ hơn trong thời gian dài hơn ở Biển Đông. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng ở vùng biển giàu tài nguyên này đã khiến ngư dân của các nước láng giềng phải thu hẹp phạm vi đánh bắt vào gần bờ và khiến giá cá tăng mạnh.

UNCLOS 1982 quy định tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của mỗi quốc gia ven biển, quyền khai thác các tài nguyên biển (bao gồm hải sản) là đặc quyền của quốc gia đó. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình. Chính các tàu cá Trung Quốc mới là kẻ xâm phạm các vùng biển thuộc EEZ của nhiều nước để đánh bắt trái phép và đã bị cộng đồng quốc tế lên án.

Theo thống kê của tổ chức độc lập Global Initiative (Thụy Sỹ) hồi năm ngoái, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về hoạt động khai thác IUU. Đã vậy, họ còn đánh bắt mang tính tận diệt hủy hoại môi trường biển. Năm 2016, khi phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Tòa Trọng tài Thường trực La Haye đã lên án việc tàu cá Trung Quốc hủy hoại môi trường sống của loài ngao khổng lồ và những bãi san hô quan trọng. Nhiều môi trường sinh thái quan trọng nhất của khu vực đã bị nạo vét và chôn vùi dưới lượng bê-tông khổng lồ khi Bắc Kinh bồi đắp và quân sự hóa phi pháp các đảo nhân tạo.

Các nhà phân tích cho rằng do bị nhiều tổ chức và cơ quan nghiên cứu quốc tế đưa ra những số liệu cụ thể lên án việc Trung Quốc hỗ trợ cho ngư dân của họ đánh bắt trái phép trong vùng biển của các nước, Bắc Kinh đã lập ra cái gọi là SCSPI để đưa ra các báo cáo lừa bịp dư luận, “đánh lận con đen”. Tuy nhiên cách làm xảo trá của Bắc Kinh không thể che mắt được công luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới