Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaPLA đánh cắp phần mềm của Mỹ để chế tạo vũ khí

PLA đánh cắp phần mềm của Mỹ để chế tạo vũ khí

Việc Trung Quốc sử dụng phần mềm do công ty Mỹ phát triển để nghiên cứu vũ khí siêu thanh dường như cho thấy các biện pháp của Washington chưa thể ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ của Mỹ.

Quân đội Trung Quốc dùng phần mềm Mỹ nghiên cứu công nghệ siêu thanh (Ảnh minh họa)

Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Hàng không Trung Quốc tuần trước cho biết, phần mềm mô phỏng khí động học của Mỹ vẫn đang được Bắc Kinh sử dụng để phát triển vũ khí siêu thanh – bất chấp nỗ lực của Washington trong thời gian qua nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ của Mỹ.

Zhang Feng, một giáo sư tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia ở Hồ Nam, là người đứng đầu nghiên cứu liên quan tới công nghệ siêu thanh – ám chỉ tốc độ di chuyển nhanh ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Theo thông tin được công bố, đội ngũ này sử dụng phần mềm do công ty Ansys – có trụ sở ở Canonsburg, Pennsylvania, Mỹ. Phần mềm này cho phép thực hiện các mô phỏng khí động học để các nhà khoa học có thể tìm cách kiểm soát vật thể bay ở tốc độ siêu thanh.

Đại học của ông Zhang không phải là cơ sở nghiên cứu quân sự duy nhất ở Trung Quốc phát triển vũ khí sử dụng phần mềm Mỹ. Ansys cũng không phải là công ty Mỹ duy nhất cấp phép sản phẩm của mình cho các viện hoặc công ty ở Trung Quốc nằm trong “danh sách thực thể” của Mỹ.

Khái niệm “danh sách thực thể” ám chỉ nhóm đối tượng sẽ bị giới hạn mua hàng của Mỹ cũng như một số mặt hàng hạn chế khác được sản xuất ở nước ngoài với công nghệ Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ có thể nộp đơn xin phép giao dịch với những công ty này nhưng phải trải qua quá trình xem xét nghiêm ngặt và phải chứng minh được giao dịch không gây tổn hại tới an ninh quốc gia Mỹ.

Theo SCMP, Mỹ đã nỗ lực hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận với công nghệ nước này. Hồi tháng 6, Viện Công nghệ Harbin – nơi thực hiện nghiên cứu tàu ngầm hạt nhân, vệ tinh do thám của Trung Quốc – cho biết họ đã mất quyền tiếp cận với phần mềm toán học MatLab của Mỹ.

Mỹ ban lệnh cấm này vì Harbin bị liệt vào danh sách “thực thể thù địch”. Động thái này đã khiến trường Harbin hỗn loạn vì giáo viên và sinh viên ở đây đã dùng MatLab trong nhiều năm.

Hơn 80% các phần mềm mà nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc sử dụng tới từ nước ngoài – phần lớn là Mỹ. 

Trong nhiều trường hợp, các phần mềm thay thế trong nội địa Trung Quốc không có sẵn vì việc phát triển những phần mềm tương tự như vậy cần nhiều năm và một nền tảng người dùng đủ lớn. Những yếu tố trên đã khiến Trung Quốc phụ thuộc vào công ty Phương Tây trong các phần mềm nghiên cứu chuyên nghiệp.

Thách thức của phía Mỹ

Mặc dù vậy, giới quan sát đánh giá rằng, các nỗ lực hạn chế của Mỹ để ngăn Trung Quốc tiếp cận với các phần mềm chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn.

Ma Baofeng, một giáo sư tại Đại học Hàng không và vũ trụ Bắc Kinh, cho biết các công ty Mỹ không muốn mất đi thị trường Trung Quốc lớn và phát triển nhanh. “Mọi người đều muốn kiếm tiền, vì vậy họ sẽ tìm cách để lách qua lệnh hạn chế”, ông Ma nói.

Ví dụ, họ có thể đóng gói một phần mềm giống nhau thành các phiên bản phục vụ quân sự hoặc dân sự. Phiên bản quân sự có thể có thêm những thuật toán đặc biệt, ví dụ như cho kết quả chính xác hơn. Phía Trung Quốc có thể tiếp cận với phần mềm phiên bản dân sự.

“Trong một số nghiên cứu, phiên bản dân sự đã đủ để sử dụng”, một nhà khoa học giấu tên nói.

Những thuật ngữ mơ hồ, không chi tiết trong chỉ dẫn kiểm soát xuất khẩu của Mỹ được cho cũng không thể bao quát được việc kiểm soát toàn bộ các phần mềm.

Thêm vào đó, các nhà khoa học Trung Quốc được cho cũng cố gắng thích nghi bằng việc sử dụng phần mềm lậu, phần mềm vi phạm bản quyền khi những lệnh hạn chế bị siết chặt.

RELATED ARTICLES

Tin mới